Những điều cần biết về buồng trứng đa nang và mang thai

3 năm trước 36

Việc bị buồng trứng đa nang sẽ khiến phụ nữ khó thụ thai hơn mà nguyên nhân là do sự mất cân bằng nội tiết tố.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một bệnh phụ khoa phổ biến xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Một đặc điểm của những phụ nữ bị bệnh này là chu kỳ kinh nguyệt không đều, có nghĩa là buồng trứng không giải phóng trứng đều đặn hàng tháng. Do đó mà việc thụ thai sẽ rất khó khăn và khi thụ thai thành công thì cũng có nguy cơ cao xảy ra biến chứng trong khi mang thai, chuyển dạ và sinh nở.

Những phụ nữ bị buồng trứng đa nang có khả năng bị sảy thai cao gấp 3 lần so với những phụ nữ có buồng trứng bình thường. Hơn nữa còn dễ bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, thai quá to và sinh non. Những điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong khi sinh và thường phải mổ lấy thai.

Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?

Hội chứng buồng trứng đa nang, hay còn được gọi là hội chứng Stein-Leventhal là bệnh xảy ra do sự mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đặc trưng của bệnh này là cơ thể sản xuất ra quá nhiều nội tiết tố nam androgen và buồng trứng hình thành nhiều nang nhỏ.

Hội chứng buồng trứng đa nang gây ra nhiều thay đổi trên cơ thể như mọc lông và nổi mụn trứng cá. Bệnh này có thể dẫn đến hình thành u nang trên buồng trứng và làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Triệu chứng

Các triệu chứng của buồng trứng đa nang ở mỗi người là khác nhau. Một trong những biểu hiện của bệnh này là béo phì và tăng cân nhưng không phải ai cũng gặp phải. Nhiều phụ nữ bị buồng trứng đa nang nhưng vẫn có thân hình cân đối.

Một số triệu chứng phổ biến hơn của hội chứng buồng trứng đa nang gồm có:

  • Kháng insulin
  • Nồng độ testosterone cao gây mọc lông không mong muốn, rụng tóc và nổi mụn trứng cá
  • Không rụng trứng đều đặn, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt bất thường, thậm chí không có kinh nguyệt
  • Tăng cân và khó giảm cân
  • Tích mỡ vùng bụng
  • Có các mảng da sẫm màu, dày và mượt như nhung trên cổ, cánh tay, ngực, bẹn hoặc đùi
  • Mụn thịt thừa ở nách hoặc cổ
  • Khó chịu ở vùng chậu
  • Thay đổi tâm trạng thất thường
  • Thường xuyên buồn bã, lo âu
  • Chứng ngưng thở khi ngủ

Điều trị

Hiện tại không có cách nào có thể trị khỏi buồng trứng đa nang nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát các triệu chứng, ví dụ như:

  • Dùng thuốc tránh thai
  • Giảm cân
  • Dùng thuốc spironolactone
  • Thuốc kháng androgen

Metformin – một loại được dùng để kiểm soát lượng đường trong máu - thường được kê cùng với những loại thuốc hỗ trợ sinh sản để giúp rụng trứng ở những phụ nữ bị buồng trứng đa nang.

Người bệnh sẽ cần ngừng dùng một số loại thuốc này nếu có thai. Khi kê thuốc, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Rủi ro cho mẹ

Việc bị buồng trứng đa nang sẽ khiến phụ nữ khó thụ thai hơn mà nguyên nhân là do sự mất cân bằng nội tiết tố.

Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang dễ bị béo phì và phải dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản mới có thể mang thai. Một nghiên cứu cho thấy 60% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang bị béo phì và tỷ lệ phải sử dụng đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản là 14%.

Những người bị buồng trứng đa nang có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề như:

  • Kháng insulin
  • Tiểu đường tuýp 2
  • Cholesterol cao
  • Cao huyết áp
  • Bệnh tim mạch
  • Đột quỵ
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Ung thư nội mạc tử cung

Ở phụ nữ mang thai, buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật - một vấn đề gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Cách duy nhất hiệu quả để chấm dứt tiền sản giật là sinh con ra. Bác sĩ sẽ thảo luận về những rủi ro và lợi ích liên quan đến thời gian sinh nở dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tuổi thai. Những phụ nữ bị tiền sản giật trong thai kỳ cần được theo dõi vô cùng sát sao. Các vấn đề khác có thể xảy ra do hội chứng buồng trứng đa nang còn có tăng huyết áp và tiểu đường thai kỳ.

Bị tiểu đường thai kỳ sẽ làm cho thai nhi phát triển lớn hơn mức trung bình. Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề trong quá trình sinh nở, ví dụ như kẹt vai.

Hầu hết các triệu chứng buồng trứng đa nang trong thai kỳ đều có thể được kiểm soát bằng cách theo dõi cẩn thận. Nếu bị tiểu đường thai kỳ thì sẽ cần tiêm insulin để giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định.

Rủi ro cho thai nhi

Những trường hợp bị hội chứng buồng trứng đa nang sẽ cần được theo dõi chặt chẽ hơn bình thường trong suốt thai kỳ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong bụng.

Những rủi ro tiềm ẩn mà hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra cho thai nhi gồm có:

  • Sinh non
  • Thai nhi lớn hơn bình thường
  • Sảy thai
  • Điểm Apgar thấp

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những phụ nữ bị buồng trứng đa nang và mang thai, nếu thai nhi là con gái thì nguy cơ cũng bị bệnh này trong tương lai là 50%.

Phụ nữ bị buồng trứng đa nang thường phải sinh mổ do thai to. Ngoài ra còn có các vấn đề khác cũng có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.

Hội chứng buồng trứng đa nang và cho con bú

Khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang, người bệnh sẽ cần tiếp tục kiểm soát các triệu chứng ngay cả sau khi sinh. Tuy nhiên, các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng có thể sẽ thay đổi so với trước khi sinh. Đôi khi, sự dao động nội tiết tố sau sinh và trong thời gian cho con bú có thể làm cho các triệu chứng trở nên nặng hơn nên phải sau một thời gian thì cơ thể mới trở lại như trước.

Phụ nữ bị buồng trứng đa nang vẫn có thể cho bú bình thường, ngay cả khi đang dùng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Những người bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2 sau này nhưng việc cho con bú có thể làm giảm nguy cơ.

Cho con bú đem lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé.

Khả năng thụ thai khi bị hội chứng buồng trứng đa nang

Nhiều phụ nữ không hề biết mình bị hội chứng buồng trứng đa nang cho đến khi cố gắng thụ thai trong thời gian dài mà không thành công. Nếu như đã cố gắng thụ thai trong hơn một năm mà không được thì nên đi khám.

Bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như giảm cân, ăn uống lành mạnh và dùng thuốc.

Tóm tắt bài viết

Khi bị hội chứng buồng trứng đa nang và mang thai thì nguy cơ xảy ra các biến chứng trong thai kỳ và khi sinh nở sẽ cao hơn bình thường. Do đó, những phụ nữ bị bệnh này cần hết sức cẩn thận và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa để duy trì thai kỳ khỏe mạnh.

Cần tuân thủ chế độ ăn uống, tập thể dục và uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, phải đi khám thai định kỳ đúng lịch để được theo dõi.

Đọc toàn bộ bài viết