Buồng trứng là một cơ quan sinh sản ở phụ nữ và là nơi tạo ra trứng cùng các nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone). Ung thư buồng trứng xảy ra khi các tế bào ở buồng trứng trở nên bất thường và nhân lên mất kiểm soát rồi tạo thành khối u ác tính.
Hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát sau khi điều trị. Ung thư buồng trứng tái phát thường hình thành trở lại ở cùng một vị trí với khối u ban đầu hoặc cũng có thể phát triển ở một bộ phận khác của cơ thể nhưng điều này ít gặp hơn.
Tỷ lệ tái phát
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ tái phát ung thư buồng trứng, gồm có giai đoạn ung thư khi được chẩn đoán và phác đồ điều trị ban đầu. Ung thư được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì khả năng tái phát càng thấp.
Theo Liên minh nghiên cứu ung thư buồng trứng (Ovarian Cancer Research Alliance - OCRA), nguy cơ tái phát ung thư buồng trứng sau điều trị là:
- 10% nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn 1
- 30% nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn 2
- 70 đến 90% nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn 3
- 90 đến 95% nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn 4
Nếu gộp chung tất cả các giai đoạn thì có khoảng 70% trường hợp ung thư buồng trứng bị tái phát bệnh sau phác đồ điều trị ban đầu. Một số trường hợp còn bị tái phát nhiều lần.
Dấu hiệu ung thư buồng trứng tái phát
Một số dấu hiệu của ung thư buồng trứng tái phát gồm có:
- Chướng bụng
- Ợ nóng hoặc khó tiêu
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Đau bụng
Bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu ung thư tái phát trong buổi tái khám sau khi hoàn thành quá trình điều trị.
Điều này có thể được phát hiện bằng phương pháp xét nghiệm máu đo nồng độ CA-125. CA-125 hay kháng nguyên ung thư 125 là một protein trong cơ thể mà nồng độ sẽ tăng cao khi có sự hiện diện của tế bào ung thư buồng trứng.
Dấu hiệu ung thư tái phát cũng có thể xuất hiện trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoặc khám lâm sàng.
Những lựa chọn điều trị
Với những trường hợp bị ung thư buồng trứng tái phát, phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào những yếu tố như:
- Mục tiêu và ưu tiên điều trị
- Thời gian kể từ lần điều trị trước đó
- Những phương pháp điều trị được thực hiện trước đây
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
Tùy thuộc vào các yếu tố này mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị gồm có các phương pháp dưới đây:
- Hóa trị liệu hoặc các liệu pháp sinh học khác: nhằm thu nhỏ kích thước khối u hoặc làm chậm sự phát triển của ung thư và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh
- Phẫu thuật nhằm làm giảm kích thước của khối u và giảm các triệu chứng
- Chăm sóc giảm nhẹ để giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh
Nếu trước đó đã điều trị bằng các loại thuốc hóa trị có chứa platinum và liều hóa trị cuối cùng mới kết thúc trong vòng 6 tháng trở lại thì sẽ được coi là ung thư buồng trứng kháng platinum. Trong các trường hợp này, bác sĩ sẽ kê những loại thuốc hóa trị khác để điều trị ung thư tái phát.
Nếu trước đó đã điều trị bằng thuốc hóa trị có chứa platinum nhưng liều hóa trị cuối cùng đã kết thúc từ hơn 6 tháng trước thì lúc này ung thư được phân loại là ung thư buồng trứng nhạy cảm với platinum. Để điều trị, bác sĩ sẽ vẫn kê thuốc hóa trị có chứa platinum cùng với các loại thuốc khác.
Tiên lượng
Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị nhưng ung thư buồng trứng tái phát rất khó chữa khỏi.
Một nghiên cứu nhỏ đăng trên Tạp chí Sản Phụ khoa lâm sàng (Journal of Clinical Gynecology & Obstetrics) cho thấy những phụ nữ bị ung thư buồng trứng tái phát có thể sống được thêm trung bình 32 tháng kể từ khi ung thư quay trở lại.
Tùy vào tình trạng của từng trường hợp mà bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng cụ thể và thảo luận về những lợi ích cũng như là rủi ro tiềm ẩn của các phương pháp điều trị khác nhau.
Tóm tắt bài viết
Cần đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu, triệu chứng của ung thư buồng trứng sau khi kết thúc quá trình điều trị.
Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư đã quay trở lại thì sẽ cần tiến hành thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu và thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra.
Nếu đúng là ung thư buồng trứng tái phát thì tùy vào tình hình thực tế mà bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn điều trị phù hợp cũng như là tiên lượng của người bệnh.