Xét nghiệm HPV được thực hiện nhằm kiểm tra xem có đang mang các chủng vi-rút làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung hay không.
HPV là gì?
HPV hay vi-rút u nhú ở người (human papillomavirus) là một loại virus có thể gây mụn cóc sinh dục và một số loại ung thư.
Vi-rút này lây truyền qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường hậu môn và đường miệng hoặc qua sự tiếp xúc da.
Nhiễm HPV xảy ra rất phổ biến. Gần như tất cả những người có quan hệ tình dục đều sẽ bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó nhưng trong phần lớn các trường hợp thì vi-rút đều tự biến mất.
Hầu hết những người bị nhiễm HPV đều ở độ tuổi thanh thiếu niên và đầu độ tuổi 20 nhưng bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ bị nhiễm vi-rút.
Mặc dù vi-rút này có thể tự biến mất nhưng không được chủ quan. Một số chủng vi-rút có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, ví dụ như ung thư.
Có hai cách để ngăn HPV gây ra những vấn đề này là tiêm vắc-xin và làm xét nghiệm HPV.
Ai nên xét nghiệm HPV?
Mặc dù xét nghiệm HPV rất cần thiết nhưng các chuyên gia chỉ khuyến nghị phương pháp này cho những phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 29, đã từng làm xét nghiệm Pap và có kết quả bất thường.
Nhiễm HPV xảy ra rất phổ biến ở lứa tuổi này nhưng hầu hết các trường hợp nhiễm vi-rút đều tự khỏi.
Thay vì xét nghiệm HPV thì phụ nữ trong độ tuổi 21 đến 29 nên làm xét nghiệm Pap (Pap smear) định kỳ. Xét nghiệm Pap không phát hiện được HPV nhưng sẽ cho thấy những dấu hiệu của nhiễm HPV, đó là các tế bào bất thường ở cổ tử cung.
Khi kết quả xét nghiệm Pap bất thường thì bác sĩ sẽ quyết định có cần làm xét nghiệm HPV hay không.
Nếu xét nghiệm Pap cho thấy các tế bào bất thường thì sẽ cần tiến hành xét nghiệm HPV để kiểm tra sự hiện diện của vi-rút. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện đồng thời cả xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap đối với những người từng bị nhiễm HPV hoặc có tiền sử ung thư/tiền ung thư.
Ngoài ra, phụ nữ trên 30 tuổi nên làm xét nghiệm HPV cùng với xét nghiệm Pap 5 năm một lần.
Có thể phải sau vài năm, thậm chí vài chục năm kể từ khi nhiễm HPV thì các triệu chứng mới xuất hiện. Xét nghiệm Pap có thể phát hiện các tế bào bất thường nhưng vẫn cần làm xét nghiệm HPV để xác nhận bị nhiễm vi-rút.
Tại sao không có xét nghiệm HPV cho nam giới?
Hiện tại chưa có phương pháp xét nghiệm HPV dành cho nam giới. Giống như ở nữ giới, hầu hết nam giới đều không có triệu chứng khi nhiễm HPV và vì thế nên có thể lây truyền vi-rút sang cho bạn tình mà không hay biết. Ở nam giới, HPV cũng có thể tự biến mất khỏi cơ thể sau một thời gian.
Có phương pháp xét nghiệm Pap hậu môn cho nam giới nhưng phương pháp này thường chỉ được thực hiện ở những người bị nhiễm HIV và quan hệ tình dục đồng giới.
Mặc dù có thể tiến hành xét nghiệm HPV trong khi làm xét nghiệm Pap hậu môn nhưng điều này không được khuyến khích vì như vậy là chưa đủ để phát hiện HPV.
Xét nghiệm HPV được thực hiện như thế nào?
Trong quá trình làm xét nghiệm HPV, bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào từ cổ tử cung giống như xét nghiệm Pap. Cụ thể, các bước xét nghiệm HPV gồm có:
- Bệnh nhân cởi đồ từ thắt lưng trở xuống và quấn một chiếc khăn choàng quanh hông.
- Sau đó nằm ngừa trên bàn khám phụ khoa và đặt chân lên hai bàn đạp ở hai bên.
- Bác sĩ đưa một công cụ gọi là mỏ vịt vào âm đạo để tách rộng thành âm đạo và có thể dễ dàng quan sát được cổ tử cung.
- Sử dụng bàn chải hoặc thìa nạo để lấy mẫu tế bào từ bề mặt cổ tử cung hoặc ống âm đạo.
Mẫu tế bào này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của HPV. Kết quả thường có sau 1 đến 2 ngày.
Bộ xét nghiệm tại nhà có chính xác không?
Hiện nay đã có bộ dụng cụ xét nghiệm HPV tại nhà nhưng vẫn còn tương đối mới. Hầu hết những sản phẩm này đều không thể phát hiện được tất cả các chủng HPV mà chỉ phát hiện được một vài chủng cụ thể, ví dụ như chủng gây ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, bộ dụng cụ xét nghiệm HPV tại nhà giúp người bệnh có thể tự thực hiện mà không cần đến bệnh viện nên đảm bảo được sự riêng tư, kín đáo.
Cách sử dụng cũng khá đơn giản. Người dùng chỉ cần lấy mẫu theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất rồi sau đó gửi đến phòng thí nghiệm. Kết quả sẽ có sau khoảng 2 tuần.
Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với HPV thì vẫn cần đến bệnh viện làm xét nghiệm để xác nhận kết quả chính xác.
Tại sao cần làm xét nghiệm HPV?
Xét nghiệm HPV được thực hiện nhằm kiểm tra xem có đang mang các chủng vi-rút làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung hay không. Khi kết quả cho thấy có vi-rút thì bác sĩ sẽ chỉ định bước tiếp theo, có thể là theo dõi thêm một thời gian hoặc tiến hành điều trị ngay, tùy từng trường hợp.
Vì HPV làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung nên việc phát hiện sớm sẽ giúp đưa ra được biện pháp can thiệp hoặc theo dõi thích hợp nhằm ngăn ngừa ung thư phát triển.
Trong đa số các trường hợp, dù không được điều trị thì HPV cũng tự khỏi.
Theo số liệu thống kê, 9 trên 10 trường hợp nhiễm HPV đã không còn dấu hiệu của vi-rút sau 1 – 2 năm kể từ khi nhiễm. Đó là lý do bác sĩ thường khuyên theo dõi mà không cần điều trị sau khi xét nghiệm HPV cho kết quả dương tính.
Trong thời gian theo dõi, người bị nhiễm vi-rút sẽ cần đi khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra những thay đổi ở các tế bào hoặc các triệu chứng bất thường có thể chỉ ra các bệnh ung thư liên quan đến HPV.
Bằng cách theo dõi các thay đổi, bác sĩ sẽ có thể ngay lập tức đưa ra phương án can thiệp sớm khi có bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Điều này giúp tránh phải thực hiện những phương pháp điều trị phức tạp về sau.
Lưu ý khi làm xét nghiệm HPV
Xét nghiệm HPV không phải lúc nào cũng cho kết quả chính xác. Đôi khi, phương pháp này sẽ cho kết quả dương tính giả, có nghĩa là kết quả dương tính trong khi không hề có vi-rút hoặc âm tính giả, có nghĩa là dù đã nhiễm vi-rút nhưng lại nhận được kết quả âm tính.
Mặc dù xác suất xảy ra những điều này là rất thấp nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Kết quả không chính xác sẽ dẫn đến việc phải tiến hành điều trị không cần thiết. Điều này cũng khiến người bệnh bị lo lắng, hoảng sợ.
Nếu quyết định làm xét nghiệm HPV thì cần lưu ý một số điều như sau:
- HPV có thể tự biến mất
- Hiện chưa có phương pháp cụ thể nào để điều trị hay tiêu diệt HPV mà chỉ có các phương pháp để điều trị các vấn đề do vi-rút này gây ra như mụn cóc, tế bào tiền ung thư hoặc ung thư
- Đôi khi phải sau nhiều năm thì các triệu chứng mới xuất hiện
Các bước tiếp theo sau xét nghiệm
Tùy vào kết quả là âm tính hay dương tính mà bác sĩ sẽ đề xuất các bước cần thực hiện tiếp theo.
Kết quả âm tính
Không cần phải thực hiện thêm gì nữa. Bác sĩ sẽ cho biết khi nào cần tiến hành lần xét nghiệm tiếp theo.
Kết quả xét nghiệm dương tính nhưng tế bào cổ tử cung vẫn bình thường
Cần tiếp tục làm xét nghiệm để xác định chủng vi-rút là HPV nguy cơ cao hay nguy cơ thấp. Tuy nhiên, đôi khi sẽ không cần phải làm xét nghiệm tiếp mà sau 1 năm mới cần sàng lọc để xem các tế bào cổ tử cung có gì thay đổi hay không.
Kết quả xét nghiệm dương tính và có tế bào cổ tử cung bất thường
Trong trường hợp này sẽ cần sinh thiết cổ tử cung. Đây là thủ thuật mà bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào ở cổ tử cung để phân tích kỹ hơn dưới kính hiển vi.
Cũng có thể sẽ cần soi cổ tử cung. Phương pháp này sử dụng thiết bị phóng đại hình ảnh cổ tử cung để quan sát kỹ hơn các tế bào.
Tùy thuộc kết quả của những phương pháp này mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án can thiệp, thường sẽ phải cắt bỏ các tế bào bất thường ở cổ tử cung.
Tóm tắt bài viết
HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Trên thực tế, hầu hết những người có quan hệ tình dục đều sẽ nhiễm một số chủng HPV nhất định tại một thời điểm nào đó trong đời.
Một số chủng HPV có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn và ung thư khoang miệng. Đó là lý do tại sao một số nhóm phụ nữ được khuyến nghị nên làm xét nghiệm HPV.
Giống như các thủ thuật xâm lấn khác, quá trình xét nghiệm HPV cũng sẽ hơi khó chịu nhưng không đau đớn và chỉ mất vài phút là hoàn thành. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, phương pháp này giúp phòng ngừa ung thư và bảo vệ tính mạng.
Nên nói chuyện với bác sĩ nếu có ý định xét nghiệm sàng lọc để được tư vấn cụ thể.