Những hàng cây có tuổi hơn một đời người giữa lòng Sài Gòn

7 tháng trước 41

Cây cổ thụ rợp bóng mát giống 'báu vật xanh' giúp thành phố giảm nhiệt trong những ngày nắng rát mặt.

Để giảm bớt cái nắng oi bức của Sài Gòn, người Pháp lên kế hoạch trồng cây xanh trên vỉa hè từ khi mới chiếm đóng thành phố vào những năm 1860. Theo ghi chép, những cây sao ở công viên 30 Tháng 4 (hay còn gọi là Hàn Thuyên) được trồng từ năm 1882. Hiện tại, đây có lẽ là một trong số những khu vực cây lâu năm nhất ở Sài Gòn.

Cách đó không xa là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (trong ảnh), nơi có hàng cây sọ khỉ cao vút. Con đường đi qua nhiều điểm tham quan như Thảo Cầm Viên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Ở Sài Gòn có trên 3.000 cây dầu lớn, trong hình là hàng dầu trên đường Huyền Trần Công Chúa.

Thân cây trên con đường này to hơn hai vòng tay con người.

Trên đường Trương Định (quận 1), hàng cây dầu chia công viên Tao Đàn thành hai khoảng không gian xanh mát. Bà Năm (ngoài 50 tuổi, bán nước giải khát trên đường này) cho biết nhiều hôm đi ngoài đường nóng rát mặt nhưng đến đây lại thấy mát rượi. Bà Năm còn ví von công viên Tao Đàn như "lá phổi của Sài Gòn".
 

Hiện công viên có diện tích 10 ha với trên 100 chủng loại cây, trong đó có cây hơn 100 năm tuổi. Khu vực này cũng là nơi sinh hoạt của nhiều câu lạc bộ kỹ năng sống, tổ chức Đoàn thể, hội nhóm sinh viên. Bên trong khuôn viên có đền thờ các vua Hùng, tháp Chăm, tượng đài cờ lau Đinh Bộ Lĩnh...

Sáng nào chị Ngọc (ngụ ở quận 1) cũng đi tập thể dục trên đường Mạc Đĩnh Chi lúc đường còn thưa xe. "Tôi cũng không biết cây ở đây được trồng từ khi nào nhưng cảm thấy rất thích. Nắng rọi qua tán cây đẹp lung linh", chị Ngọc chia sẻ.

Những hàng cây xanh không chỉ tạo mỹ quan cho thành phố mà còn giúp cải tạo môi trường như điều hòa nhiệt độ, chắn gió, ngăn bụi, giảm tiếng ồn... Giữa trưa, đi vào đường Pasteur, đoạn từ ngã tư giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sự dịu mát mà hàng cây vững chãi đem lại.

Hàng cây cổ thụ có tán rộng, nhánh chi chít và có rêu bám đầy thân. Cây trên đoạn đường này chủ yếu là dầu, sao.

Những gốc cây trên đường Võ Văn Tần (quận 3) có đường kính hơn sải tay con người. Đầu con đường này là Hồ Con Rùa, điểm đến được giới trẻ Sài Gòn yêu thích vào mỗi buổi chiều.

Đường Chu Mạnh Trinh là một trong số những nơi hiếm hoi có hàng cây cao xấp xỉ tòa nhà 6 tầng, nối dài xuyên suốt. Cô Bảy bán tạp hóa trên đường này đã hơn 10 năm nay, cho biết, hàng cây có nhiều kỷ niệm với mình. "Mấy cái cây che nắng, che mưa từ hồi tôi chưa có cái nhà nhỏ này", cô kể.

Đường Đồng Khởi cũng rợp bóng cây, tuy không cao nhưng cả con đường vẫn mát mẻ mỗi khi trưa nắng. Nằm ở trung tâm quận 1 - hàng cây trên con đường đắc địa này đã xuất hiện trong những bức hình về Sài Gòn hàng chục năm về trước. Tại đây chủ yếu trồng cây me.
 

Con đường cũng đi qua nhiều điểm tham quan nổi tiếng như Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Ủy ban nhân dân TP HCM… và nhiều khách sạn lâu đời như Continental (1880), Majestic (1925), Grand Hotel Saigon (1930).

Me là một trong số những loại cây có mặt sớm nhất vào thời kỳ đầu Sài Gòn thuộc Pháp. Cây có tán lá dày hơn cây phượng. Cây không làm bật vỉa hè và có trái rụng làm dơ đường phố như cây bàng. Vì những ưu điểm hơn hai loại cây vừa nêu trên nên cây me được ưu tiên phát triển. Trong hình là đường Nguyễn Du, đoạn gần bệnh viện Nhi Đồng với một bên là cây me, một bên là xà cừ.


Du khách ngồi xích lô thăm thú đường phố Sài Gòn. Trong ảnh là cuối đường Pasteur.
 

Đầu đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) cũng có một số cây sao cao vút.
.
 

DiaOcOnline.vn – Theo VnExpress

Đọc toàn bộ bài viết