Những thói quen ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của răng - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 23

Hiện nay, nhiều người quan tâm đến tính thẩm mỹ của hàm răng nên có nhiều dịch vụ giúp mang lại hàm răng đẹp. Nhưng theo các bác sĩ nha khoa, hầu hết các bậc phụ huynh không biết rằng có những thói quen rất có hại, ảnh hưởng không tốt đến thẩm mỹ gương mặt của trẻ và ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của răng, hàm mặt, gây ra những lệch lạc về răng, hàm mặt và có thể làm rối loạn một số chức năng ở vùng hàm mặt.

Tác hại từ núm vú giả

ThS.BS.  Nguyễn Đức Minh, BVRăng Hàm Mặt TPHCM, lưu ý có những thói quen rất thường gặp ở trẻ như mút ngón tay, mút núm vú, thở bằng miệng hay cắn môi dưới là những nguyên nhân gây hô răng ở trẻ (răng và hàm trên đưa ra trước). Hiệp hội Sức khỏe bà mẹ trẻ em Hoa Kỳ khuyên chỉ nên cho bé dùng núm vú giả khi trẻ được trên 1 tháng tuổi, tức là sau khi việc bú mẹ đã trở nên ổn định.

Ths.BS. Nguyễn Quốc Dũng khuyến cáo không nên cho trẻ ngậm núm vú giả ngay sau khi chào đời. Các bà mẹ có thể dùng núm vú giả để con đỡ quấy khóc, tuy nhiên, không nên lạm dụng. Không nên để trẻ ngậm núm vú giả trong miệng quá  6 giờ liên tục. Cha mẹ thường cho trẻ ngậm núm vú giả vì nghĩ đơn giản rằng trẻ sẽ đỡ quấy khóc, không mút tay, đỡ mất vệ sinh. Nhưng ít người biết rằng nếu trẻ ngậm núm vú giả thường xuyên trong thời gian dài sẽ làm hàm răng của trẻ bị biến dạng, rất dễ bị những phát triển bất thường về hàm, cơ mặt, cung răng và lưỡi. Mút núm vú giả sẽ tạo lực ép vào hàm làm cho răng và xương hàm phát triển lệch lạc. Hậu quả sẽ ảnh hưởng đến cấu tạo của hàm trên và hàm dưới, trẻ sẽ bị hô. Ngoài ra, do hàm không phát triển ra hai bên được, trẻ con có thể bị hẹp hàm.

Thói quen bú bình dễ gây hô răng và làm tăng nguy cơ sâu răng rất nhiều lần. Khi trẻ bước vào tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo, các bậc cha mẹ thường sợ trẻ bị suy dinh dưỡng nên có thói quen cho con bú thêm một bình sữa nữa trước khi đi ngủ vào buổi tối, hoặc có bà mẹ cho trẻ lên giường ngủ với một bình sữa hay bình nước pha với đường thay cho sữa để trẻ khỏi quấy khóc, bé ăn xong là ngủ luôn. Việc làm này gây hậu quả là trẻ dễ bị sâu răng.

Chống cằm, cắn môi... đều có hại

Ngoài ra, theo BS. Nguyễn Đức Minh, còn có những thói quen xấu khác có hại cho răng hàm như thói quen nằm nghiêng một bên lâu ngày sẽ dẫn đến lép một bên hàm, thói quen cắn bút, khui nút chai, cắn các vật cứng... sẽ làm mẻ răng, mòn răng, răng chết tủy. Ngoài ra, khi răng bị đau và ê sẽ làm giảm độ ngon miệng khi ăn uống và dễ có nguy cơ bị sưng tấy hay nhiễm trùng.

Ở trẻ lớn hơn, thường có những tật xấu khác như chống cằm, tật cắn môi... Nhiều trẻ có thói quen chống tay vào cằm hoặc dùng răng cửa dưới cắn môi trên, thói quen này không gây xô lệch răng ngay tức thì nhưng nếu kéo dài có thể gây hô hàm dưới, tức là hàm dưới đưa ra hàm trên thụt vào, dẫn tới trẻ bị móm.

Theo BS. Nguyễn Quốc Dũng, ở trẻ cắn không khít vùng răng cửa thì đẩy lưỡi là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây lệch lạc răng. Còn trẻ có tình trạng nghiến răng kéo dài có thể đưa đến những hậu quả xấu ảnh hưởng tới các hệ thống nhai như răng, cơ, hàm và khớp thái dương hàm. Một số trẻ nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa hoặc gây mòn nhiều răng dẫn đến cắn sâu.

Nghiến răng nhiều có thể làm nướu và hàm răng thay đổi, gây đau và rối loạn  khớp thái dương hàm, nhiều khi làm nhai khó và há miệng khó, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến biến đổi hình dạng khuôn mặt tạo ra vẻ mặt mất cân xứng.

Một số trẻ có thói quen ngậm khi ăn bất kể bữa ăn chính hay bữa phụ. Điều này cũng làm cho răng hàm trở nên xấu đi. Đối với những trẻ này, đa số cha mẹ đều thấy mệt mỏi, stress vì mình đã làm đủ mọi cách, từ quát tháo, dọa nạt, dỗ dành đến xay nhuyễn, xay nhỏ... nhưng trẻ vẫn cứ ngậm. Đây là một thói quen rất xấu của trẻ vì lượng đường có trong các loại thức ăn sẽ bám vào răng trong một khoảng thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập và gây sâu răng nhanh chóng.

Không nên xỉa răng

Tránh dùng tăm xỉa răng với động tác “xỉa” quá mạnh, đặc biệt là chọc xuyên tăm qua kẽ răng vì nếu dùng các vật nhọn xỉa răng thường xuyên, có thể làm trẻ bị mòn răng, tổn thương, nhiễm trùng nướu và sẽ làm kẽ răng ngày càng rộng ra, tạo cơ hội mắc thức ăn nhiều và dễ dàng hơn.

Để loại sạch mảng bám, trẻ nên chải răng bằng bàn chải, làm sạch kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa. Chỉ cho trẻ xỉa răng khi thật cần thiết như khi bị thịt, thức ăn mắc vào răng. Nên cho trẻ dùng tăm xỉa răng đầu nhỏ vừa với kẽ răng và tương đối mềm để không gây tổn thương nướu.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết