Hiện nay, trên các nền tảng MXH, đặc biệt là Facebook, Zalo,... xuất hiện các hội nhóm hướng dẫn vay và “bùng” tiền qua các ứng dụng. Theo góc nhìn luật gia, hành vi này không chỉ vi phạm vấn đề đạo đức mà còn có thể bị xử lý hình sự.
Chỉ với từ khóa “hướng dẫn bùng tiền” trên thanh tìm kiếm của Facebook, hàng loạt các hội nhóm đã hiện ra. Tại group “Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó” với hơn 67.000 thành viên, họ truyền cho nhau những mánh khóe làm thế nào để bùng tiền đã vay từ các ứng dụng.
Theo quan sát, có rất nhiều bài hướng dẫn vay tiền qua app và các chiêu trò bùng tiền. Tại đây, tài khoản “Góc khuất” đã có những hướng dẫn rất cụ thể như “đã xác định bùng là phải xóa luôn FB, Zalo, bỏ sim điện thoại và bùng cho đã tay, hay đối với ứng dụng Zalo thì chỉ cần bật chế độ không nhận tin nhắn từ người lạ,...”
Các thành viên của hội nhóm này hướng dẫn nhau tìm đến các ứng dụng được cho là “dễ xơi” như Mccredit, Fast Money, Vay Home, 9plus, Ví liên hoa,... Các khoản vay của app có thể dao động từ 500.000 đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí là vài trăm triệu đồng tùy ứng dụng.
Lợi dụng kẽ hở của quy trình kiểm duyệt hồ sơ tự động và những điểm yếu về sự không chính thống của các ứng dụng vay tiền online, người vay sẽ sử dụng các loại hồ sơ “pha - ke” như sim rác, tài khoản mạng xã hội ảo, danh bạ ảo, giấy tờ giả,... để “bùng” tiền nợ.
Một cách khá phổ biến khác mà các thành viên dạy nhau như chia thành nhiều lần và nâng dần mức tiền vay nhưng vẫn trả đúng hạn để tạo niềm tin. Sau đó, chốt hạ vẫn là “bùng nợ”.
Cá biệt, có những trường hợp chia sẻ kinh nghiệm vay và “bùng” hàng chục app, tương đương số tiền gần trăm triệu đồng như tài khoản này…
Hay ở group “Hội bùng app vay tiền online” với 29.000 thành viên lại tư vấn cho nhau các dịch vụ fake giấy tờ để bùng tiền các app, cam kết giá rẻ và hỗ trợ… nhiệt tình!
Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến - Công ty Luật TNHH Gia Võ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Các đối tượng sử dụng thông tin giả để vay online qua app, web sẽ bị xử lý như sau: Theo điều 174 Bộ Luật Hình sự, các hành vi có dấu hiệu sử dụng các thông tin giả để thực hiện giao dịch vay này sẽ xem xét xử lý hình sự ở điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015. Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm và thu lợi bất chính của hành vi này để xem xét và đánh giá xử lý. Mức xử phạt cao nhất của hành vi này có thể lên tới phạt tù chung thân."
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.