Chủ Nhật, ngày 24/03/2024 16:07 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vừa bị phát hiện nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.
Vì sao Trung Quốc cảnh báo 30 lô sầu riêng của Việt Nam?
Cục Bảo vệ thực vật vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.
Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các doanh nghiệp thu hồi những lô hàng vi phạm.
Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, việc sầu riêng bị phát bị nhiễm chất Cadimi có thể do xuất phát từ khâu trồng trọt. Bởi đây là chất thường có trong phân bón hóa học và tồn tại trong thành phần của phân bón chứa lân, Cu và Zn hoặc có sẵn trong thành phần của khoáng chất hoặc được đưa thêm vào như một nguồn vi dinh dưỡng cho cây trồng và vật nuôi. Đây là thói quen của người trồng Việt Nam.
Cũng theo vị này, đến thời điểm hiện nay, cả nước có khoảng 20.000 ha sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. So với tổng diện tích sầu riêng trên cả nước, diện tích đáp ứng tiêu chuẩn còn ít, do đó người dân và doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của thị trường Trung Quốc. Bởi nếu vi phạm liên tục, nước này sẽ rút mã số xuất khẩu và mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Thậm chí, có thể nâng tần suất kiểm tra khiến hàng Việt thiệt hại.
‘Nóng' giá vé máy bay dịp 30/4-1/5
Theo quy định của Luật Lao động, lịch nghỉ 30/4-1/5 năm nay sẽ chỉ kéo dài trong 2 ngày giữa tuần. Dù có kỳ nghỉ ngắn ngày, một số gia đình vẫn có ý định du lịch xa bởi lo lắng vé máy bay, chi phí dịch vụ sẽ tăng mạnh trong đợt cao điểm hè diễn ra trong khoảng tháng 5-6.
Khảo sát ngày 18/3 cho thấy các chuyến bay du lịch từ Hà Nội hiện rất "nóng". Điển hình, vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc từ ngày 27/4 đạt mức gần 8,6 triệu đồng. Số lượng chỗ ngồi trên những chuyến bay từ thủ đô hiện đang dần cạn, với giá vé một chiều của Vietjet Air và Vietnam Airlines đạt lần lượt hơn 4 triệu đồng và 5 triệu đồng.
Trong khi đó, vé khứ hồi chặng Hà Nội - Nha Trang cũng hết sức đắt đỏ khi mức giá hơn 5 triệu đồng chỉ dành cho những chuyến bay khung giờ "xấu" như chiều muộn và tối. Đối với những chuyến bay sáng và đầu giờ chiều giúp hành khách có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, giá vé khứ hồi lên đến 7 triệu đồng.
Chặng bay Hà Nội - Quy Nhơn cũng có giá vé tăng mạnh. Theo thống kê, chuyến máy bay khứ hồi có lịch khởi hành 27/4 và quay về vào 1/5 có giá thấp nhất 5,2 triệu đồng.
Anh Thành - làm việc tại một đại lý vé máy bay ở quận Hoàng Mai, Hà Nội - giải thích rằng giá vé máy bay tăng mạnh bởi trong cùng một chuyến, các hãng hàng không sẽ niêm yết trong dải vé từ thấp - cao. Trong trường hợp phân khúc giá rẻ hết như tình trạng hiện nay, du khách có nhu cầu sẽ phải mua các phân khúc cao hơn.
Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần
Bộ Công Thương có tờ trình dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, gửi Chính phủ
Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất giá điện được tính thêm các chi phí vốn chưa được tính trước đây như chênh lệch tỉ giá. Thời gian điều chỉnh giá điện dự kiến được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Như vậy, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.
Bộ Công Thương nêu lý do đề xuất rút thời gian điều chỉnh giá điện xuống còn 3 tháng
Theo ông Hoà, với việc giá điện cần điều chỉnh theo lộ trình, để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ tối thiểu điều chỉnh giá điện để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN.
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực lưu ý dự thảo Quyết định đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống còn 3 tháng không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Bởi, việc điều chỉnh giá điện còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa.
Nông dân khóc ròng vì trồng lúa… mà bò cũng không muốn ăn
Theo kết quả quan trắc ngày 23/2 của Sở NN&PTNT Trà Vinh, nước hầu hết cửa cống ở các huyện nội địa đều có độ mặn trên mức 5‰, độ mặn tăng cao gấp nhiều lần ở khu vực ven biển.
Tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn đã ảnh hưởng lớn đến những gia đình trồng lúa tại tỉnh này. Ông Na Sine, Trưởng ấp Ô Răng, xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), cho biết cả tháng nay ông không thể ngủ được vì tình trạng thiếu nước diễn ra cả tháng qua khiến cho những mảnh ruộng tại ấp héo úa.
Ấp này có 439 hộ dân, 243ha ruộng. Vụ đông xuân năm nay, người dân ở ấp xuống giống đúng lịch thông báo của ngành nông nghiệp nhưng khi lúa sắp trổ bông lại gặp hạn mặn. Tính đến nay, tình trạng thiếu nước tưới đã kéo dài khoảng một tháng, lúa trên đồng dần khô héo.
Không ít người còn than vãn rằng "lúa này giờ đắng lắm, cắt về bò cũng không muốn ăn".
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, địa phương ghi nhận tình trạng thiếu nước cục bộ gây ảnh hưởng đến ruộng lúa của một số hộ dân. Ngành nông nghiệp huyện Cầu Ngang đang theo dõi sát diễn biến xâm nhập mặn, khi độ mặn ở cửa cống xuống thấp sẽ lập tức bơm nước về.
Nói về nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng lúa bị khô hạn ở địa phương, ông Thanh Nhàn lý giải: “Diện tích lúa bị hạn nằm ngoài quy hoạch, nhưng nhiều năm nay nông dân đã canh tác tự phát. Con kênh tưới cho khu vực này nông và hẹp, địa phương có chủ trương nạo vét, tuy nhiên nhiều hộ dân sợ ảnh hưởng nên chưa đồng thuận”.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo XUYẾN CHI ([Tên nguồn])