Nguyễn Hoàng Linh (SN 2000, Hà Nội) thuộc top 3% cử nhân có điểm tốt nghiệp cao nhất toàn khóa của Đại học Ngoại thương. Nữ sinh may mắn nhận học bổng toàn phần và theo học thạc sĩ chuyên ngành Phân tích dữ liệu trong kinh doanh (Business Analytics) tại trường BI Norwegian Business School, Na Uy.
Cuộc sống là hành trình marathon đầy thử thách
Với Hoàng Linh, đi du học hay tiếp xúc với công việc liên quan đến số liệu chưa bao giờ có trong suy nghĩ ban đầu của cô. Vốn không có điểm mạnh về môn toán, nữ sinh còn có quyết định khá liều lĩnh khi lựa chọn theo học chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại tại Đại học Ngoại thương.
Trong suốt 4 năm đại học, Hoàng Linh không ít lần góp mặt vào các cuộc thi, đạt nhiều thành tích nổi bật… nhưng việc chạm tay đến học bổng toàn phần của A.Wilhelmsen khiến nữ sinh Hà Nội cảm thấy tự hào và trân trọng nhất.
Quá trình chuẩn bị cho việc đi du học của Hoàng Linh cũng diễn ra không đơn giản. Khó khăn lớn nhất mà cô nàng sinh năm 2000 gặp phải có lẽ là những thay đổi bất ngờ trong quy chế cấp học bổng của chính phủ Na Uy.
Giữa năm 2022, nữ sinh Hà Nội bắt đầu tìm hiểu, hỏi han người quen về cách tìm kiếm và xin học bổng nước ngoài. Sau khi hoàn thành xong hồ sơ, thư xin học bổng, Hoàng Linh nhận được thông tin chính phủ Na Uy và các trường đại học đều đồng thời cắt bỏ nhiều gói học bổng cho sinh viên ngoài khối EU vào đầu năm 2023.
Thời điểm đó, Hoàng Linh chỉ còn một lựa chọn duy nhất - học bổng toàn phần A.Wilhelmsen - do tổ chức chỉ tài trợ cho hai sinh viên. Không còn gì để mất, nữ sinh bắt tay hoàn thiện lại bài luận từ đầu và đánh cược vào cơ hội cuối cùng này.
Bằng chính nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, cô may mắn trở thành một trong hai sinh viên quốc tế duy nhất nhận học bổng toàn phần tại trường BI Norwegian Business School, Na Uy.
Nhắc về lý do lựa chọn Na Uy, Hoàng Linh cho biết, nơi đây có sự giao thoa hoàn hảo giữa hai yếu tố "du lịch" và "học tập". Vùng đất này có cảnh quan hùng vĩ, cuộc sống bình yên nhưng cũng đủ vui nhộn với nữ sinh. Đặc biệt, nền giáo dục ở Na Uy khá thân thiện, chú trọng tới người học và tập trung vào thực hành, dự án thực tế thay vì chỉ học lý thuyết.
Tại trường của Hoàng Linh theo học cũng có nhiều sự liên kết với các doanh nghiệp để sinh viên được trải nghiệm và giải quyết các tình huống thực tế. Chương trình đó sẽ giúp người học phát triển cả về phần kiến thức và kỹ năng mềm cần thiết cho công việc trong tương lai.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Hoàng Linh cho biết: "Cuộc sống cũng giống như một đường chạy marathon. Mỗi khi vượt qua thử thách, khó khăn, bạn đã thành công đi đến một vạch đích mới.
Mình từng làm việc như một cái máy, quên sở thích và đánh mất đi năng lực sáng tạo, phát triển. Nếu quay lại khoảng thời gian đó, mình vẫn chọn như vậy và không cảm thấy hối tiếc gì cả. Có lẽ việc sinh ra với bản tính cứng đầu đã khiến mình trở nên kiên định và không bị khuất phục trước những thử thách".
Thích nghi với môi trường sống mới
Những ngày đầu đặt chân đến Na Uy, Hoàng Linh nhận thấy cuộc sống ở đây khá yên bình, người dân bản địa có xu hướng sống khép mình, ít giao tiếp... Đối với một người sống hướng ngoại như cô, sẽ khó thích nghi với môi trường như thế này.
Na Uy đã biến cô gái sinh năm 2000 trở thành một người biết dành nhiều thời gian cho bản thân hơn, thay vì chạy theo những cuộc vui không có hồi kết. Cũng tại đất nước này, Hoàng Linh đã có cho riêng mình nhiều trải nghiệm "lần đầu" như chứng kiến trời sáng đến 23h, tận mắt nhìn thấy tuyết rơi…
Theo Hoàng Linh, trở ngại lớn nhất với hầu hết sinh viên quốc tế ở Na Uy có lẽ là băng tuyết. Vì chưa quen với địa hình sau khi tuyết đóng băng nên thời gian đầu mới sang, nữ sinh và những người bạn thường xuyên bị ngã hoặc gặp tình huống khó xử trên đường đi học.
"Mình và bạn bè từng dùng phần lớn thời gian để "ngã" trên đường đến trường. Có khoảng thời gian, mình rất ngại đi lại, sáng nào cũng phải cầu nguyện về việc phải an toàn, không để bản thân bị ngã nữa.
Chính nỗi sợ này đã cho mình bài học về việc đối mặt với những khó khăn, thử thách. Không những thế, nó cũng khiến mình cảm nhận được tình yêu thương vẫn tồn tại khi nhận được sự giúp đỡ từ bác gái người Na Uy trên đường về nhà", Hoàng Linh bộc bạch.
Vốn là du học sinh chưa giao tiếp tốt bằng tiếng Na Uy, Hoàng Linh từng nhiều lần bị từ chối khi đi xin việc làm trong kỳ thực tập. Đã có lúc, cô bạn sinh năm 2000 cảm thấy nản chí, đầu óc trống rỗng vì không thể tìm ra cách giải quyết.
May mắn gặp được các anh chị người Việt Nam sẵn sàng động viên, chỉ dạy cách sửa hồ sơ, thư giới thiệu, học tập thêm các chứng chỉ... nên Hoàng Linh đã vượt qua thử thách này một cách dễ dàng hơn, tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân sau này.
Ngoài thời gian học tập, Hoàng Linh từng tích cực tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện. Hầu hết dự án cộng đồng mà nữ sinh từng thực hiện đều liên quan đến trẻ nhỏ, các bạn bị tự kỷ và khiếm thính...
Qua chuỗi hoạt động đó, cô cảm thấy hạnh phúc vì được làm điều ý nghĩa nhỏ bé cho cộng đồng và xã hội. Chính từ những câu chuyện nhỏ đó đã dạy Hoàng Linh cách nhìn nhận sự vật, sự việc ở nhiều góc nhìn, đơn giản hóa vấn đề và suy nghĩ lạc quan trong mọi tình huống.
Nhắc về dự định trong tương lai, Hoàng Linh cho biết, bản thân cô thích được "đi thật xa để trở về", chăm chỉ làm việc, cống hiến và khám phá bản thân. Ngoài ra, cô mong muốn dùng kiến thức mình đã học để phát huy hết khả năng trong việc ứng dụng dữ liệu vào kinh doanh.