Phải đề xuất phương án hỗ trợ lãi suất xây nhà ở xã hội trong tháng 4

7 tháng trước 35

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo gửi tới Bộ Xây dựng. Văn bản nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ hoạt động đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 tới.

Trước đó, ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp.

Phải đề xuất phương án hỗ trợ lãi suất xây nhà ở xã hội trong tháng 4 - 1

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252ha so với báo cáo năm 2020.

Theo đó, một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063ha, TPHCM 608ha, Long An 577ha, Hải Phòng 471ha, Hà Nội 412ha.

Từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong đó, có 72 dự án đã hoàn thành với quy mô 38.128 căn; 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.

Đáng chú ý, hiện nay đã có đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, Việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế: Đến nay đã có 129 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng.

Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào Danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.

Về điều kiện tín dụng, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện về tín dụng để được vay như: không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…

Về lãi suất và thời gian hưởng lãi suất, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Đọc toàn bộ bài viết