Phân biệt sụp mí và da mí mắt chảy xệ

4 năm trước 23

Sụp mí là tình trạng mí mắt bị sụp, xệ xuống làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của bệnh nhân.

Tình trạng này có thể là do bẩm sinh, lão hóa hoặc do phẫu thuật mí mắt hỏng và thường có thể phẫu thuật để khắc phục được. Trong một số trường hợp, sụp mi cũng có thể bị nhầm lẫn với tình trạng da chảy xệ do lão hóa. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về sụp mí cũng như cách phân biệt sụp mí với da chảy xệ.

Đặc điểm của mắt sụp mí

  • Mí mắt bị sụp xuống che lấp tầm nhìn
  • Hai mắt bất cân xứng
  • Mí mắt không rõ nếp mí hoặc nếp mí thường cao và hốc mắt trũng
  • Có thể có nếp nhăn ngang trán; và chân mày cao ở vị trí hơn bình thường (vì phải dùng nhiều đến cơ trán để nhướng mày và mở to mắt thay cho các cơ mở mắt bị suy yếu)
  • Có thể bị sụp lông mi

Các loại sụp mí và nguyên nhân gây sụp mí

Trên mí mắt của chúng ta có 3 nhóm cơ có nhiệm vụ mở mắt là: cơ nâng mi, cơ muller và cơ trán, trong đó cơ nâng mi là chính. Do đó, những vấn đề về chức năng và giải phẫu của các nhóm cơ này chính là nguyên nhân chính gây sụp mí.

Sụp mí được phân ra làm 2 loại:

  • Sụp mí bẩm sinh: tức là ngay từ khi sinh ra, vùng mí mắt trên bị sa xuống thấp hơn bình thường. Đa phần các trường hợp bị sụp mí bẩm sinh có 2 mắt không đồng đều, một mắt bị che lấp đồng tử. Lúc này mắt thường chỉ bị sụp mí một bên gây nên tình trạng bất cân xứng cho cả đôi mắt. Sụp mí bẩm sinh có thể là do chức năng và giải phẫu của các nhóm cơ mở mắt nói trên hoặc do tổn thương thần kinh
  • Sụp mí mắc phải: là tình trạng sinh ra mới bị, vì các nhóm cơ mở mắt, mà điển hình là cơ nâng mi bị suy yếu, cân cơ nâng mi thoái hóa, giãn mỏng, tách ra hoặc không còn bám chắc được vào sụn mi do quá trình lão hóa, phẫu thuật, chấn thương, viêm mi, chắp lẹo nhiều lần, day ấn quá mức hoặc do đeo kính áp tròng lâu ngày….

Đánh giá và xác định mức độ sụp mí

Để xác định bệnh nhân có bị sụp mí hay không và nếu có thì mức độ sụp như nào cần đánh giá các tình trạng dưới đây:

  • Nếp nhăn ngang trán và vị trí lông mày cao hơn bình thường: người bị sụp mi thường có nếp nhăn ngang trán và lông mày ở vị trí cao hơn bình thường vì phải dùng nhiều đến cơ trán để nhướng mày và mở to mắt thay cho các cơ mở mắt bị suy yếu.
  • Sụp lông mi: nhiều trường hợp sụp mí cũng đi kèm với sụp lông mi, do đó bác sĩ cần đánh giá kỹ để kết hợp xử lý tình trạng sụp lông mi trong quá trình chỉnh sửa sụp mí
  • Đo chỉ số MRD1 (khoảng cách tính từ điểm phản xạ ánh sáng trên đồng từ đến bờ mi trên): Đây là cách hiệu quả nhất để xác định mức độ sụp mí. Chỉ số này cần được đo khi khi mắt nhìn thẳng, thả lỏng cơ trán và cơ vòng mi; đồng thời kéo da chảy xệ lên khỏi bờ mi nếu có. Nếu chỉ số này thấp hơn 4mm (4mm là mức bình thường) thì kết luận bệnh nhân bị sụp mí. Chỉ số càng nhỏ hơn thì mức độ sụp mí càng nặng hơn.
  • Kiểm tra chức năng cơ nâng mi: Chức năng cơ nâng mi được xác định bằng cách đo khoảng cách mà bờ mi di chuyển từ khi nhìn xuống đến khi nhìn lên. Khoảng cách này thường là 15mm. Nếu khoảng cách này dưới 4mm thì chức năng cơ nâng mi kém, từ 5 – 10 mm thì chức năng cơ nâng mi ở mức trung bình và trên 10mm thì chức năng cơ nâng mi tốt.

Ngoài ra một vấn đề rất quan trọng khác khi chẩn đoán sụp mí đó là phải đánh giá tình trạng da chảy xệ. Sụp mi và da chảy xệ do lão hóa có biểu hiện bên ngoài rất giống nhau, cùng là mí mắt xệ xuống che khuất đi tầm nhìn. Nhiều bệnh nhân không hề bị sụp mí, mà chỉ bị da chảy xệ, nhưng lại bị đánh giá nhầm là sụp mí, trong khi đó ngược lại nhiều bệnh nhân bị sụp mi nhưng lại bị tình trạng da chảy xệ che đi nên đã không phát hiện ra.

Vậy làm cách nào để xác định và phân biệt sụp mí với da chảy xệ?

Đó là dựa vào chỉ số MRD1: dùng tay kéo da thừa ở mí mắt lên và xác định khoảng cách chuẩn từ bờ mi đến điểm phản xạ ánh sáng trên đồng tử (MRD1) chứ không phải khoảng cách từ mép vùng da chảy xệ đến điểm phản xạ ánh sáng. Nếu:

  • khoảng cách MRD1 ở trong mức 4mm thì: => bệnh nhân không bị sụp mí mà là bị da chảy xệ
  • MRD1 <4mm thì: => bị sụp mí.
  • Vừa có da chảy xệ xuống dưới bờ mi trên vừa có chỉ số MRD1 < 4mm thì: => bị sụp mí + chảy xệ da.
  • Da chảy xệ

    Sụp mí

    Mí mắt xệ/sụp Mí mắt xệ/sụp
    MRD1 ≥ 4mm MRD1 <4mm

phân biệt sụp mí da chảy xệ 3

phân biệt sụp mí da chảy xệ 1

phân biệt sụp mí da chảy xệ 2

Các kỹ thuật chỉnh sửa sụp mí

Nhìn chung có 3 kỹ thuật chính dùng để chỉnh sửa sụp mí bao gồm:

Phẫu thuật cơ nâng mi

Kỹ thuật này phù hợp với trường hợp bị sụp mí từ mức vừa đến nặng nhưng chức năng cơ nâng mi còn khỏe mạnh, không bị suy yếu, kết quả kiểm tra chức năng cơ nâng mi trên 10mm

Thực hiện: Bác sĩ dùng ngón tay để kéo căng mí mắt và rạch một đường thẳng trên mí mắt, để lộ cơ vòng mi. Cắt đi một dải cơ vòng mi để tiếp cận vách hốc mắt, tiếp tục bóc tách mở vách hốc mắt, xử lý và cắt bỏ phần mỡ nhô ra. Tiếp đó, xử lý sụp mí bằng cách kéo cao cơ nâng mi lên 3 – 4mm và cố định vào phần rìa trên của sụn mi bằng chỉ không tự tiêu 6/0. Đây là điểm cao nhất của mí mắt trên. Cuối cùng cắt đi phần thừa còn lại của cân cơ nâng mi bên dưới vị trí khâu cố định và khâu đóng vết rạch.

Phẫu thuật cơ muller

kẹp cơ muller

kẹp cơ muller2

Kỹ thuật này khá phổ biến và đơn giản, phù hợp với những trường hợp có chức năng cơ nâng mi vẫn còn tốt và chỉ bị sụp mí nhẹ vì chỉ có thể nâng mí tối đa lên được 2 – 2,5mm.

Thực hiện: Trong quy trình này bác sĩ sẽ thao tác ở mặt trong của mí mắt trên, do đó không để lại sẹo lộ. Bác sĩ dùng kẹp để kẹp cơ muller và kết mạc, sau đó cắt bỏ một đoạn khoảng 9mm cơ muller và kết mạc rồi khâu vết cắt bằng kỹ thuật khâu liên tục từ trong ra ngoài. Chỉ sẽ được cắt sau khoảng 1 tuần.

Treo cơ trán

treo cơ trán 1

treo cơ trán 2

Kỹ thuật này phù hợp với những trường hợp có chức năng cơ nâng mi kém (kết quả kiểm tra dưới 4mm hoặc những trường hợp cần sửa lại sau nhiều lần phẫu thuật cơ nâng mi mà không hiệu quả

Thực hiện: bác sĩ sẽ tạo các đường rạch ở phía trên mi mắt và lông mày, sau đó luồn chỉ dưới da để treo mi mắt lên cơ trán. Cuối cùng khau đóng các đường rạch bằng chỉ mảnh.

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm

Đọc toàn bộ bài viết