Phân biệt tuyến mồ hôi apocrine và tuyến mồ hôi eccrine

2 năm trước 24

Tuyến mồ hôi nằm trong da có 2 loại tuyến khác nhau là tuyến apocrine và tuyến eccrine

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể con người, gồm có nhiều cấu trúc khác nhau như tuyến mồ hôi, nang lông, mạch máu, rễ thần kinh và được tạo nên từ ba lớp là biểu bì, trung bì và hạ bì. Khi nhìn hình ảnh mặt cắt ngang của da, không ít người ngạc nhiên vì da trông mỏng như vậy nhưng lại có rất nhiều cấu trúc hiện diện và được sắp xếp một cách chặt chẽ.

Tuyến Apocrine và tuyến Eccrine

Trong da tồn tại hai loại tuyến mồ hôi là tuyến mồ hôi apocrinetuyến mồ hôi eccrine.

Tuyến apocrine tiết ra chất lỏng vào nang lông rồi sau đó chảy lên bề mặt da. Tuyến eccrine tiết ra chất lỏng trực tiếp lên bề mặt da. Có thể hiểu một cách đơn giản là tuyến apocrine tiết ra chất lỏng một cách gián tiếp trong khi tuyến eccrine tiết ra chất lỏng một cách trực tiếp qua một ống dẫn. Các tuyến eccrine còn được gọi là tuyến mồ hôi toàn vẹn (merocrine gland).

Nói chung, cơ thể con người chỉ có rất ít tuyến mồ hôi apocrine và các tuyến này chỉ nằm ở một số bộ phận nhất định trong khi tuyến mồ hôi eccrine có mặt ở khắp cơ thể với số lượng lớn. Ở giai đoạn sơ sinh, tuyến mồ hôi apocrine có ở khắp cơ thể nhưng cuối cùng chúng sẽ bị thay thế và chỉ còn ở rất ít bộ phận trong cơ thể.

Vị trí và chức năng của tuyến Apocrine và Eccrine

Các tuyến apocrine có ở nách, quầng vú, đáy chậu (khu vực giữa hậu môn và bộ phận sinh dục), ở tai và ở mí mắt trong khi tuyến eccrine có ở khắp cơ thể, ngoại trừ các khu vực nêu trên. Đơn vị bài tiết của tuyến mồ hôi apocrine có kích thước lớn hơn so với đơn vị bài tiết của tuyến mồ hôi eccrine. Tuyến apocrine nằm sâu trong các lớp của da trong khi tuyến eccrine nằm gần bề mặt da. Apocrine là thủ phạm của " hôi nách", còn Eccrine có chức năng chính là bài tiết mồ hôi giúp đào thải nhiệt cho cơ thể.

Các tuyến apocrine không hoạt động trước tuổi dậy thì. Sự gia tăng nội tiết tố (hormone) trong tuổi dậy thì làm cho các tuyến mồ hôi này thay đổi kích thước và bắt đầu hoạt động. Tuyến apocrine tiết ra chất lỏng có chứa các hợp chất giống pheromone – các hợp chất này có vai trò như tín hiệu hóa học thu hút người khác giới. Hiện tượng này xảy ra ở tất cả các loài động vật có vú chứ không riêng gì con người. Các tuyến mồ hôi apocrine được điều khiển bởi adrenaline và do đó, các tuyến mồ hôi này tăng kích thước khi có căng thẳng, kích thích tình dục, lo lắng, đau đớn và sợ hãi. 

Ngược lại, các tuyến mồ hôi eccrine có vai trò điều hòa thân nhiệt và làm mát cơ thể, đồng thời đào thải các chất không mong muốn ra ngoài qua mồ hôi. Các tuyến eccrine còn giúp bảo vệ da. 

Khi cơ thể nóng lên, các tuyến mồ hôi eccrine sẽ tiết ra chất lỏng trong suốt (mồ hôi) để làm mát bề mặt da. Các tuyến này được điều khiển bởi hệ thần kinh cũng như là nội tiết tố. 

Ngoài điều hòa thân nhiệt, tuyến eccrine còn đào thải nước và chất điện giải thừa ra khỏi cơ thể. Một số thành phần trong mồ hôi như kháng thể và globulin miễn dịch giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn trên bề mặt da và do đó, tuyến eccrine góp phần bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh.

Các tuyến mồ hôi apocrine tiết ra chất nhờn đặc chứa lipid, protein và steroid trong khi các tuyến mồ hôi eccrine tiết ra chất lỏng trong suốt và loãng như nước. Chất lỏng được tiết ra bởi các tuyến eccrine chủ yếu gồm có nước cùng một lượng nhỏ hợp chất natri clorua – thành phần khiến cho mồ hôi có vị mặn.

Tóm tắt: Các tuyến mồ hôi apocrine chỉ tồn tại ở số lượng nhỏ, tập trung chủ yếu ở nách, tai, quầng vú và mí mắt, tạo ra chất nhờn đặc chứa lipid vào nang lông trong khi các tuyến mồ hôi eccrine có mặt ở khắp cơ thể, tạo ra và đưa mồ hôi trực tiếp đến bề mặt da để làm mát da, đảo thải bớt nước cùng chất điện giải và ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào da.

Đọc toàn bộ bài viết