Nếu bác sĩ nha khoa nói rằng bạn cần phẫu thuật ghép lợi thì đừng vội lo lắng vì phương pháp này không đáng sợ như bạn nghĩ.
Phẫu thuật ghép lợi có thể cần được tiến hành để bảo vệ răng khỏi những tổn thương có thể xảy ra khi bị tụt lợi hoặc bạn cũng có thể tiến hành phẫu thuật để có một nụ cười đẹp hơn.
Tụt lợi là vấn đề mà các mô lợi bao quanh răng bị tụt khỏi răng, để lộ ra phần răng và chân răng bên dưới. Điều này có thể gây tổn thương đến phần xương hàm nâng đỡ răng. Tụt lợi là một vấn đề về răng miệng phổ biến, ảnh hưởng đến 4 – 12% người trưởng thành và có thể không được phát hiện ra cho đến khi tình hình trở nên nghiêm trọng.
Nhiều người thậm chí còn không nhận thấy rằng lợi của mình đang bị tụt vì đây là quá trình diễn ra từ từ. Tuy nhiên, theo thời gian, phần chân răng bị lộ sẽ không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn làm cho răng trở nên nhạy cảm, đặc biệt là khi ăn đồ nóng và lạnh. Cuối cùng, nếu không được điều trị thì tình trạng tụt lợi sẽ dẫn đến mất răng. Để điều trị những ổn thương và ngăn chặn các vấn đề nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ cần tiến hành phẫu thuật ghép lợi.
Trong quá trình ghép lợi
Có ba phương pháp ghép lợi thường được tiến hành phổ biến, đó là:
- Ghép mô liên kết. Đây là phương pháp phổ biến nhất để điều trị tình trạng tụt lợi. trong quá trình phẫu thuật, một vạt da sẽ được cắt ra từ vòm miệng và phần mô ở bên dưới vạt da này, được gọi là biểu mô liên kết sẽ được lấy ra và khâu vào phần lợi quanh chân răng. Sau khi mô liên kết được lấy từ vòm miệng, vạt da sẽ được khâu trở lại.
- Ghép lợi tự do. Gống như phương pháp ghép mô liên kết, phương pháp ghép lợi tự do cũng sử dụng mô lấy từ vòm miệng. Nhưng thay vì cắt vạt da và lấy phần mô bên dưới, ở phương pháp này, một lượng mô nhỏ sẽ được lấy trực tiếp từ vòm miệng và sau đó ghép vào phần lợi cần điều trị. Phương pháp này được dùng chủ yếu cho những người có lợi mỏng và cần cấy thêm mô để làm dày lợi.
- Ghép cuống lợi. Ở phương pháp này, thay vì lấy mô ở vòm miệng, mô sẽ được lấy từ chính phần lợi quanh hoặc gần chiếc răng cần điều trị. Phần vạt lợi, được gọi là cuống sẽ chỉ bị cắt một phần nên sẽ vẫn liên kết với phần lợi còn lại. Phần lợi này sau đó sẽ được kéo lên hoặc xuống và khâu cố định để che phủ lên phần chân răng bị lộ. Phương pháp này chỉ dành cho những người có nhiều lợi xung quanh răng.
Một số bác sĩ thường lấy vật liệu cấy ghép từ những vị trí có nhiều mô thay vì vòm miệng. Đôi khi, những protein kích thích mô sẽ được sử dụng để thúc đẩy khả năng phát triển xương và mô tự nhiên của cơ thể. Bác sĩ nha khoa sẽ tư vấn cho bạn về phương pháp phù hợp nhất.
Phục hồi sau khi phẫu thuật ghép lợi
Bạn sẽ có thể về nhà ngay sau khi kết thúc quá trình phẫu thuật.Tuy nhiên, nếu bác sĩ dùng phương pháp gây mê thì sẽ cần có người để đưa bạn về nhà.
Bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể về việc chăm sóc sau phẫu thuật, ví dụ như chế độ ăn, các hoạt động thể chất và thuốc. Không nên dùng chỉ nha khoa và đánh răng ở phần rìa lợi mới được điều trị cho đến khi lành hẳn. Bạn nên xúc miệng bằng loại nước xúc miệng chuyên dụng để kiểm soát mảng bám trong quá trình lợi lành lại. Ngoài ra, bạn cũng có thể bôi kháng sinh để hạn chế nguy cư nhiễm trùng.
Trong 1 – 2 tuần sau khi ghép lợi, bạn nên ăn đồ mềm và mát, ví dụ như thạch, sữa chua, phô mai, kem và rau củ nấu chín.
Mức độ của các cơn đau sau khi phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào loại phẫu thuật ghép lợi được thực hiện. Nếu như không lấy mô từ vòm miệng thì bạn sẽ hầu như không thấy đau hay khó chịu. Tuy nhiên, nếu mô được lấy từ vòm miệng thì bạn sẽ thấy khó chịu trong một vài ngày sau khi phẫu thuật. Cảm giác khó chịu ở phần vòm miệng được nhiều bệnh nhân miêu tả là giống như bị bỏng khi ăn đồ nóng nhưng cảm giác này sẽ hết rất nhanh. Bạn có thể dùng các loại thuốc kháng viêm không kê đơn hoặc thuốc giảm đau kê đơn để cảm thấy dễ chịu hơn trong thời gian sau khi phẫu thuật.
Mặc dù có thể sẽ mất1 – 2 tuần để miệng lành lại hoàn toàn nhưng bạn có thể đi làm trở lại và hoạt động bình thường ngay ngày hôm sau.
Phẫu thuật ghép lợi: khi nào thì nên gọi bác sĩ?
Hãy gọi cho bác sĩ nếu như bạn nhận thấy những triệu chứng bất thường sau:
- Chảy máu không ngừng trong 20 phút sau khi tác động lực lên vùng lợi.
- Đau, sưng và bầm nặng hơn những gì bác sĩ miêu tả
Chi phí của phương pháp ghép lợi
Nhiều công ty bảo hiểm nha khoa sẽ hỗ trợ trả một phần phí phẫu thuật ghép lợi.Nếu bạn không có bảo hiểm, mức giá sẽ tùy thuộc vào những gì cần được tiến hành trong quá trình phẫu thuật.Hãy nói chuyện trước với bác sĩ về các lựa chọn thanh toán.
Có cần tiếp tục phẫu thuật ghép lợi trong tương lai không?
Mặc dù ghép lợi là một phương pháp hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng tụt lợi và ngăn ngừa các tổn thương về sau nhưng không có gì đảm bảo được rằng các vấn đề về lợi sẽ không tiếp tục phát sinh trong tương lai. Tuy nhiên, bằng cách đi kiểm tra răng miệng thường xuyên và chăm sóc răng cẩn thận tại nhà thì bạn sẽ ngăn chặn được các tổn thương nghiêm trọng đến mức cần phẫu thuật. Các biện pháp để ngăn ngừa bệnh về lợi gồm có:
- Đánh răng hai lần/ngày bằng kem đánh răng fluoride.
- Dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
- Xúc miệng một hoặc hai lần mỗi ngày với nước xúc miệng kháng khuẩn.
- Đi khám nha khoa thường xuyên để kiểm tra và vệ sinh răng chuyên nghiệp
- Ăn uống lành mạnh và đủ chất.
- Không hút thuốc lá