Tạo hình đầu mũi sẽ mang lại một dáng mũi thon gọn và cao hơn đúng như mong muốn của khách hàng.
Ngoài nâng cao sống mũi, tạo hình đầu mũi là một trong những thao tác quan trọng nhất trong nâng mũi và cũng là quy trình rất phổ biến ở các nước Châu Á. Việc tạo hình đầu mũi sẽ mang lại một dáng mũi thon gọn và cao hơn đúng như mong muốn của khách hàng.
Đầu mũi ở người Châu Á thường có nhiều hình dạng khác nhau, đầu mũi có thể bị thấp, tẹt, khoằm hay quá to…và mỗi trường hợp sẽ cần đến các thao tác can thiệp khác nhau. Chính vì thế việc đánh giá kỹ tình trạng đầu mũi trước khi lên kế hoạch phẫu thuật là một trong những công đoạn vô cùng quan trọng.
Những yếu tố cần đánh giá trước khi tạo hình đầu mũi
Đối với tạo hình đầu mũi ở người Châu Á, độ nhô, độ hếch và thể tích đầu mũi là 3 yếu tố quan trọng nhất cần xem xét. Một đầu mũi với độ nhô hài hòa được điều chỉnh phù hợp theo sống mũi đã nâng, với hình dạng hơi tròn thay vì nhọn, cùng với đường nét tinh tế là những đặc điểm lý tưởng mà các quy trình phẫu thuật đầu mũi ở người Châu Á mong muốn đạt được. Mức độ nhô và hếch cần thiết sẽ khác nhau trong mỗi trường hợp tùy theo sở thích cá nhân, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và các đặc điểm tổng thể trên khuôn mặt. Nhìn chung hầu hết các bệnh nhân đều cần phải nâng sống mũi, vì thế độ nhô của đầu mũi cần phải ước tính dựa trên chiều cao sống mũi.
Bên cạnh đó, chiều rộng đầu mũi cũng là yếu tố cần được đánh giá. Chiều rộng mũi cần hài hòa với đặc điểm cấu trúc tổng thể khuôn mặt. Nếu khuôn mặt khá rộng thì một đầu mũi hẹp sẽ gây chú ý và lộ rõ can thiệt thẩm mỹ.
Một yếu tố không thể thiếu khác khi đánh giá đầu mũi đó là lực hỗ trợ ở đầu mũi của bệnh nhân. Nếu đầu mũi hếch, tẹt nhưng khả năng hỗ trợ của sụn hai bên cánh mũi dưới tốt thì sẽ dễ xử lý, nhưng nếu đầu mũi hếch, tẹt mà sụn lại quá yếu hoặc vách ngăn ngắn thì lại rất khó xử lý. Để đánh giá chính xác lực hỗ trợ ở đầu mũi bác sĩ nên sờ nắn đầu mũi, đuôi vách ngăn và da mũi vì đây là những cấu trúc quan trọng nhất quyết định đến hình dạng đầu mũi.
Việc đánh giá kỹ các yếu tố ở trên cũng sẽ giúp bác sĩ xác định được phương pháp phẫu thuật mũi phù hợp, bác sĩ có thể chọn phương pháp mổ kín (rạch qua tiền đình phía trong mũi) hoặc mổ hở (rạch qua trụ mũi và vành cánh mũi). Nếu sụn cánh mũi dưới có đủ kích cỡ và độ mạnh thì có thể chọn phương pháp mổ kín và ngược lại. Dấu hiệu tốt nhất để chọn phương pháp mổ kín là khi đầu mũi hơi rủ xuống với hai bên sụn cánh mũi dưới to và khỏe. Phương pháp này cũng được áp dụng hiệu quả nhất ở những bệnh nhân da mũi không dày và sụn đầu mũi không bị biến dạng nặng hoặc bất đối xứng.
Quy trình phẫu thuật
Trong quy trình thực hiện, bác sĩ sẽ can thiệp tới phần mô mềm và sụn đầu mũi, xử lý, chỉnh hình để vùng đầu được thon gọn hơn. Tùy vào tình trạng mũi cụ thể mà bác sĩ có thể lựa chọn kỹ thuật mổ kín hoặc mổ hở và cũng tùy vào từng tình trạng đầu mũi mà bác sĩ có thể cần đến các các miếng ghép như miếng ghép hình nắp, đặt thanh chống trụ mũi, miếng ghép mở rộng vách ngăn, miếng ghép xếp chồng, miếng ghép trụ ngoài, mảnh ghép trước hàm trên, miếng ghép vành sụn cánh mũi … Những miếng ghép này có thể được lấy từ sụn vách ngăn hoặc sụn tai của bệnh nhân.
Miếng ghép hình nắp: dùng để nâng cao độ nhô đầu mũi. Bác sĩ sẽ dùng 2 đến 3 miếng sụn tai hoặc sụn vách ngăn, xếp chồng lên nhau và khâu lại cho phù hợp với kích cỡ đầu mũi hiện tại cũng như mức độ nâng cần thiết.
Thanh chống trụ mũi: có tác dụng đẩy cao chóp mũi, tạo trụ mũi vững chắc, thường được làm từ sụn vách ngăn, có độ thẳng và mạnh. Chiều dài sẽ được thiết kế phù hợp với chiều cao của vòm mũi.
Miếng ghép mở rộng vách ngăn: đây là miếng ghép được ưa chuộng sử dụng trong phẫu thuật tạo hình đầu mũi ở người Châu Á, giúp kiểm soát tốt độ nhô và độ hếch của đầu mũi.
Có 2 loại miếng ghép mở rộng vách ngăn: loại xếp chồng và loại nối hình chữ.
Miếng ghép hình khiên: Miếng ghép hình khiên có thể được làm từ sụn vách ngăn hoặc sụn sườn, sẽ được đặt ở phần trước dưới của đầu mũi (như hình dưới) để làm tăng độ nhô đầu mũi cũng như cải thiện đường nét vùng bị gẫy ở trên và dưới đầu mũi.
Miếng ghép trụ ngoài: Các miếng ghép trụ ngoài giúp ngăn chặn hai bên sụn cánh mũi dưới bị sụp và tạo một đường viền cánh –đầu mũi mịn mượt hơn.
Miếng ghép vành sụn cánh mũi: đây là miếng sụn mỏng được đặt dọc theo vành sụn cánh mũi. Nó giúp gia cố và hạ thấp vành cánh mũi một chút xuống nếu cánh mũi hiện tại bị co rút.
Ngoài ra, ở một số trường hợp để chỉnh sửa triệt để phần đầu mũi, trụ mũi và nền mũi, bác sĩ có thể cũng chọn đặt một miếng ghép ở trước hàm trên. Vì ở người châu Á, vùng trước hàm trên thường thấp, bị rụt, dẫn đến vùng dưới mũi bị thụt vào, góc mũi môi sắc nhọn và trụ mũi co rút. Các miếng ghép cho vùng này bằng xương, sụn tự thân hoặc vật liệu nhân tạo như (Goretex, silicone, Mersilene) có thể được chèn vào gần gai mũi trước để cải thiện độ co rút ở trụ mũi.
Quy trình tạo hình đầu mũi thường được thực hiện sau khi đã nâng sống mũi dưới hình thức gây mê hoặc gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê. Hình dạng đầu mũi sẽ được tạo hình dựa theo sống mũi và tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể áp dụng đặt một hoặc nhiều các miếng ghép nói trên để tạo hình đầu mũi đúng như mong muốn.
Các biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật tạo hình đầu mũi
Nếu bác sĩ phán đoán và thao tác kỹ thuật không chính xác thì có thể gặp phải một số biến chứng như:
- Mũi bị tẹt, thấp dần theo thời gian
- Đầu mũi hếch quá mức
- Đầu mũi bị lệch hoặc bất đối xứng
- Lộ miếng ghép
- Đau hoặc khó chịu
- Nghẹt mũi