Quá trình hồi phục sau nâng mông bằng mỡ tự thân sẽ khác nhau ở mỗi bệnh nhân, và mặc dù phải phục hồi ở cả hai vị trí cấy mỡ và hút mỡ nhưng hầu hết các bệnh nhân đều đánh giá đây không phải giai đoạn quá khó khăn mà hoàn toàn có thể chịu đựng được.
Ngay sau phẫu thuật bệnh nhân chắc chắc sẽ bị đau, bầm tím và sưng nề, tuy nhiên đau chủ yếu là ở vùng hút mỡ, vùng cấy mỡ cũng đau nhưng mức độ được đánh giá thấp hơn nhiều. Nhìn chung bệnh nhân sẽ cần từ 1 – 2 tuần để hồi phục ban đầu. Trong thời gian này bệnh nhân sẽ được cấp thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm, yêu cầu mặc đồ gen nịt ở cả hai vùng hút và cấy mỡ và có thể cần đặt dẫn lưu ở vùng hút mỡ…Sau 1- 2 tuần đầu bệnh nhân hoàn toàn có thể đi làm trở lại mặc dù vẫn còn sưng nề, bầm tím và kiêng ngồi trực tiếp lên mông…Sau 4 – 6 tuần có thể trở lại các hoạt động bình thường và sau khoảng 8 tuần có thể dần trở lại các bài tập nặng.
Phục hồi sau nâng mông kiểu Brazil sẽ diễn ra ở hai vị trí: một là ở vùng hút mỡ và hai ở vùng mông cấy mỡ.
Phục hồi ở vùng hút mỡ
Bệnh nhân có thể được hút mỡ ở vùng bụng, eo, hông, đùi hoặc cánh tay….để lấy mỡ cấy vào mông.
Trong vài ngày đầu tiên sẽ có hiện tượng rò rỉ dịch từ các vết rạch ở vùng này. Do đó nên lót nilon trên ghế ngồi và giường để ngăn dịch chảy ra thấm xuống. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và nếu hút lượng mỡ nhiều thì thường bệnh nhân sẽ cần đặt dẫn lưu để ngăn ngừa tụ dịch.
Những ngày đầu, chắc chắn bệnh nhân sẽ bị đau, bầm tím, sưng phù và căng cứng. Tuy nhiên tất cả đều là vấn đề tạm thời. Hiện tượng bầm tím thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần mới giảm dần. Tình trạng sưng sẽ kéo dài lâu hơn và bắt đầu giảm sau 3 tuần. Thường thì sẽ mất tổng cộng 6 tuần để các vùng sưng biến mất. Bạn sẽ thấy có sự thay đổi ngay từ ngày đầu tiên nhưng kết quả sẽ tiếp tục cải thiện khi hết sưng.
Hiện tượng căng cứng một phần là do sưng và một phần do việc hút mỡ. Hiện tượng này cũng mất từ 6 tuần đến 3 tháng mới mềm trở lại, tùy vào từng người. Sau khi phẫu thuật 1 tuần, bạn nên bắt đầu matxa các vùng hút mỡ hàng ngày để làm mềm mô đồng thời giúp tống đẩy dịch ra ngoài. Đây là một bước rất quan trọng để phục hồi nhanh hơn.
Băng ép, đồ gen nịt sẽ được sử dụng ngay sau khi phẫu thuật. Bạn sẽ cần mặc chúng liên tục trong những tuần đầu và chỉ tháo ra khi tắm. Việc này sẽ giúp hỗ trợ giảm sưng phù, tụ dịch, bầm tím và căng cứng, đồng thời giúp định hình vóc dáng mới thon gọn ở vùng hút mỡ.
Phục hồi ở vùng mông cấy mỡ
1 – 3 tuần sau phẫu thuật
Cũng như các vị trí hút mỡ, vùng mông sau khi cấy mỡ cũng có hiện tượng đau, sưng nề, bầm tím và rất nhạy cảm. Tuy nhiên tất cả những vấn đề này đều không gây hạn chế gì cho bệnh nhân, mà hạn chế lớn nhất đối với họ là việc không thể ngồi trực tiếp lên mông trong 3 tuần đầu. Vì áp lực từ việc ngồi sẽ khiến các tế bào mỡ cấy không thể lấy được nguồn cung cấp máu và chết đi, không thể đem lại kết quả nâng mông như mong muốn.
Do đó trong thời gian này, bệnh nhân chỉ nên ngồi khi đi vệ sinh (nếu có thể thì nên ngồi xổm), hoặc chỉ ngồi trên gối chuyên dụng dành cho bệnh nhân cấy mỡ mông, loại gối này sẽ giúp dồn trọng lượng cơ thể vào đùi, thay vì vào mông. Khi ngủ hoặc nghỉ ngơi nên nằm sấp hoặc nằm nghiêng để không đè lên mông. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên đi lại thường xuyên để tăng tuần hoàn, giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và tập các bài tập căng cơ nhẹ nhàng giúp phục hồi nhanh hơn.
Trong thời gian 3 tuần đầu bệnh nhân cũng được yêu cầu mặc quần gen nịt/định hình liên tục cả ngày để vừa giúp giảm sưng nề vừa giúp định hình dáng mông. Quan trọng là phải mặc vừa vặn không được quá chặt vì chặt quá sẽ làm chặn đứng nguồn cung cấp máu đến các tế bào máu khiến chúng không thể tồn tại được. Quần gen nịt không nên gây khó chịu đến mức khiến bạn khó ngủ hoặc không thể ngủ được, cũng không nên gây ra các vết lõm hay vết nhăn trên da. Sau tuần thứ 3 bệnh nhân có thể giảm xuống chỉ mặc quần gen nịt 12 tiếng 1 ngày (ngày hoặc đêm).
Sau 1 -2 tuần bệnh nhân có thể đi làm trở lại, tuy nhiên cần lưu ý luôn luôn ngồi với ghế kê ở mông. Khoảng thời gian này bệnh nhân cũng có thể tập luyện trở lại nhưng chỉ nên tập các bạn tập ở phần trên cơ thể, tránh các bài tập gây áp lực lên mông như squat hay đẩy tạ chân trong 4 tuần đầu.
4 – 6 tuần sau phẫu thuật
Ở thời điểm này sưng nề, bầm tím đã giảm tối đa, bệnh nhân có thể bắt đầu ngồi bằng mông, tuy nhiên chỉ nên ngồi trong khoảng thời gian ngắn, sau đó lại thay đổi tư thế và tăng dần thời gian ngồi theo từng ngày. Ở thời điểm này thường thì mỡ cấy đã có được nguồn cung cấp máu của mình và có khả năng tồn tại, sống sót ở mông. Những tế bào mỡ sống sót được sẽ tồn tại vĩnh viễn và tăng hoặc giảm kích thước theo sự dao động cân nặng của bệnh nhân. Tuy nhiên cũng có một lượng mỡ không thể sống sót và chết đi (khoảng 20 – 50%), lượng mỡ này sẽ dần được cơ thể hấp thụ. Do đó phải 3 – 6 tháng sau phẫu thuật bạn mới có được kết quả cuối cùng.
2 – 3 tháng sau phẫu thuật
Mông gần như hết hẳn sưng nề và cho dáng cuối cùng. Các tế bào mỡ cấy sống sót đã trở nên mạnh mẽ hơn. Bệnh nhân có thể ngồi hay nằm thoải mái lên mông mà không lo ảnh hưởng đến kết quả, đồng thời có thể dần trở lại với các hoạt động và bài tập nặng, bao gồm cả tập luyện cơ mông, tuy nhiên ban đầu nên tập với cường độ thấp, sau đó tăng dần. Mông vẫn sẽ tiếp tục ổn định, tiêu giảm sưng nề, hấp thụ các tế bào mỡ chết và cho kết quả cuối cùng vào khoảng tháng thứ 6 sau phẫu thuật.
Làm gì để đẩy nhanh quá trình hồi phục
Để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng bệnh nhân nên:
- Tránh hút thuốc lá để đảm bảo lượng tế bào máu lưu thông đủ đến mô mỡ mới cấy
- Tránh dùng các loại thuốc làm loãng máu, thuốc giảm đau Aspirin, ibuprofen, Vitamin E và các chất bổ sung khác có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng đông máu
- Hạn chế rượu bia để đảm bảo tuần hoàn máu khỏe mạnh và giảm nguy cơ suy thoái mô mỡ
- Duy trì chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng giúp hồi phục nhanh, cung cấp nguồn máu khỏe mạnh và kích thích khả năng tồn tại của mỡ cấy.
- Duy trì matxa vùng hút mỡ, đồng thời tránh áp lực lên vùng mông cấy mỡ
- Duy trì chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng giúp hồi phục nhanh, cung cấp nguồn máu khỏe mạnh và kích thích khả năng tồn tại của mỡ cấy.
- Giữ cơ thể luôn đủ nước: uống thật nhiều nước trước và sau phẫu thuật giúp thúc đẩy quả trình lành thương và giảm sưng.
- Duy trì cân nặng ổn định, tránh tăng giảm cân nhiều để duy trì kích thước mông sau cấy mỡ.
Những vật dụng cần chuẩn bị cho quá trình hồi phục sau nâng mông kiểu Brazil
- Băng ép/đồ gen nịt: thông thường bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn
- Bọt đệm: đây là một tấm bọt để đệm giữa da và đồ gen nịt giúp giữ phẳng, không làm nhăn lớp băng ép hoặc gen nịt trên da và làm phẳng da ở những vị trí hút mỡ.
- Gối ngồi chuyên dụng dành cho bệnh nhân sau BBL: loại gối này sẽ giúp bệnh nhân không dồn áp lực vào đùi chứ không phải vào mông khi ngồi
- Kem arnica: một số bác sĩ khuyên bệnh nhân nên sử dụng Arnica để giảm đau, sưng và bầm tím.
- Nệm nilon bọc giường hoặc ghế: để tránh dịch vàng rỉ ra làm dơ giường hoặc ghế
- Băng gạc
- Khăn ướt
- Thuốc làm mềm phân hoặc thuốc chống táo bón để dùng trong tuần đầu
- Quần áo rộng rãi
Khi nào sẽ thấy được kết quả và kết quả sẽ kéo dài bao lâu?
Mông đẹp và sẽ to lên ngay lập tức sau khi được cấy mỡ, nhưng theo thời gian đến thời điểm 6 tháng sau phẫu thuật khi sưng nề giảm hết và 20 – 50% lượng mỡ cấy không thể sống sót đã được cơ thể hấp thụ đi, lúc này mông trông sẽ nhỏ đi một phần và cho kết quả cuối cùng.
Kết quả này sẽ duy trì vĩnh viễn nếu bạn giữ cân nặng ổn định. Tuy nhiên kích thước mông sẽ thay đổi nếu bạn tăng hoặc giảm cân. Vì khi tăng cân, các mô mỡ tự nhiên ở mông và các tế bào mỡ cấy sẽ tăng kích thước giúp vòng mông to hơn, nhưng khi bạn giảm cân những tế bào mỡ này sẽ teo nhỏ, khiến kích thước mông nhỏ đi. Như vậy kết quả sau cấy mỡ mông về lâu dài như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt cũng như tập luyện của chính bệnh nhân.