Quá trình hồi phục sau nâng mông bằng túi độn

4 năm trước 40

Nâng mông bằng túi độn là quy trình tạo hình lại và nâng cao vùng mông, giúp mang lại cặp mông căng tròn, săn chắc vốn được coi là biểu tượng của sự nữ tính và gợi cảm.

Đặt túi độn mông là một phẫu thuật phức tạp, và để đạt được thành công thì không chỉ cần đến trình độ, tay nghề, con mắt thẩm mỹ của bác sĩ mà còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chăm sóc hậu phẫu của chính bệnh nhân.

Quá trình hồi phục sau nâng mông bằng túi độn so với các quy trình thẩm mỹ khác như nâng ngực bằng túi độn hay nâng mông bằng mỡ tự thân (BBL)… thường dài hơn và khó khăn hơn, đòi hỏi bệnh nhân phải nỗ lực hết sức và kiên trì để đảm bảo có được kết quả đẹp nhất.

Nhìn chung 2 tuần đầu là giai đoạn thách thức nhất với tình trạng sưng đau, căng chặt và khó chịu vì cơ mông rắn chắc và lớp mô bên trên đang giãn ra để nhường không gian cho túi độn. Mức độ đau đớn trong thời gian này thường nhiều hơn so với các vùng khác trên cơ thể vì mông thường được sử dụng nhiều cho các hoạt động như đi lại, chạy, đứng, ngồi…Do đó, bệnh nhân sẽ cần lên kế hoạch nghỉ việc hoàn toàn và dừng các hoạt động bình thường trong 2 - 3 tuần.

Dưới đây là thông tin chi tiết về những gì có thể xảy ra sau đặt túi độn mông cùng với danh sách các mẹo có thể áp dụng giúp bệnh nhân đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Chi tiết chăm sóc sau phẫu thuật nâng mông bằng túi độn

Sau phẫu thuật bạn và người chăm sóc của mình sẽ nhận được một hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc hậu phẫu, bao gồm các thông tin về:

Ngay sau khi phẫu thuật

Ống dẫn lưu: Thông thường tại vị trí vết mổ bệnh nhân sẽ được đặt dẫn lưu trong vài ngày để thoát dịch ra, giúp giảm sưng và giảm nguy cơ tụ dịch. Bạn sẽ phải thay/đổ túi đựng dịch dẫn lưu vài lần một ngày cho đến khi ống dẫn lưu được rút ra, thường thì khoảng 1 tuần sau đó.

dẫn lưuVị trí đặt ống dẫn lưu

Mặc quần định hình: Ngay sau phẫu thuật bệnh nhân cũng được mặc quần chuyên dụng để giúp túi độn nằm đúng vị trí, duy trì dáng mông mới cũng như giúp ổn định vùng mông. Thông thường bệnh nhân sẽ cần mặc quần này trong vài tuần, khoảng 6 – 8 tuần.

quần định hìnhQuần định hình bệnh nhân mặc sau khi đặt túi độn mông

Cảm giác đau: ngay khi thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ thấy đau. Mức độ đau thế nào còn tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của bạn cũng như kỹ thuật phẫu thuật mà bác sĩ thực hiện. Các bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát được cơn đau của mình bằng cách uống thuốc bác sĩ kê nếu cần.

2- 3 ngày sau phẫu thuật

Thường thì thời gian này bệnh nhân sẽ bị đau ở mức độ vừa phải đến nặng, tình trạng này có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm đau. Nên hạn chế cúi người, tuyệt đối không được ngồi hoặc nằm ngửa khi ngủ cho đến khi được bác sĩ cho phép. Nên nằm sấp, nằm nghiêng khi ngủ, nghỉ ngơi, xem ti vi hoặc đọc sách, thi thoảng nên đứng dậy đi lại để duy trì tuần hoàn tốt. Thời điểm duy nhất bạn nên ngồi là khi đi toilet. Bạn sẽ thấy bị bầm tím và sưng tấy ở vùng mông, thậm chí có thể lan đến vùng bụng hoặc đùi, cảm giác giống như bị đau nhức cơ sâu sau khi tập luyện lâu. Tuy nhiên tình trạng này hoàn toàn bình thường và sẽ bắt đầu giảm dần sau vài ngày hoặc vài tuần. Bệnh nhân duy trì uống kháng sinh mỗi ngày, đặt dẫn lưu và mặc quần định hình.

1 tuần sau phẫu thuật

Đau và sưng nề dù vẫn còn nhưng đã giảm đáng kể. Bệnh nhân được khuyến khích đi bộ nhiều hơn và bắt đầu có thể thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, tuy nhiên vẫn hạn chế cúi người hoặc ngồi ở mức tối thiểu. Thời gian này bệnh nhân có thể ngồi trên những chiếc gối mềm hình tròn hoặc hình chữ U, hở phần mông, hoặc kê gối ở đùi, khi ngồi dồn áp lực vào đùi chứ không phải vào mông. Tuy nhiên thời gian ngồi như này vẫn nên hạn chế, chỉ khoảng 30 phút một lần. Nhiều bệnh nhân đã hào hứng hơn khi bắt đầu dần nhìn thấy kết quả của mình.

3

4Một số loại gối bệnh nhân có thể ngồi sau khi PT

2 tuần sau phẫu thuật

Thời gian này có những bệnh nhân đã chuẩn bị được phép ngồi bình thường và nằm ngửa khi ngủ, tuy nhiên hầu hết chỉ duy trì trong thời gian ngắn khoảng 20 – 30 phút mỗi lần. Đi lại cũng thấy dễ chịu và giống bình thường hơn. Mặc dù lúc này đau đã giảm nhiều nhưng mông vẫn còn sưng. Bệnh nhân được phép đi làm trở lại, miễn là công việc không đòi hỏi quá nhiều về mặt thể chất và thường vẫn cần dùng gối kê dưới mông hoặc đùi khi ngồi.

3 – 4 tuần sau phẫu thuật

Hầu hết các vết bầm tím hoặc sưng nề ở vùng mông đã biến mất. Tuy nhiên cảm giác túi độn và mông vẫn còn cứng và chặt, túi độn vẫn chưa hạ xuống. Nhiều bệnh nhân đã được phép tập các bài tập mức độ nhẹ đến trung bình. Việc ngồi trên mông cũng dễ dàng hơn và cho phép thời gian ngồi lâu hơn.

5 – 6 tuần sau phẫu thuật

Hầu hết sưng nề bầm tím đã không còn, mông dần dần bộc lộ hình dạng cuối cùng. Các bác sĩ thường cho phép bệnh nhân trở lại tất cả các hoạt động cũng như bài tập thể dục, thậm chí cả các bài tập gắng sức và quan hệ tình dục. Bệnh nhân đã ngồi, đi lại thoải mái hơn, có người đã được phép tháo quần định hình nhưng nhiều bệnh nhân vẫn chọn mặc quần định hình đến khi hết 8 tuần vì nó cho họ cảm giác thoải mái hơn. Nhìn chung mọi thứ lúc này gần như đã trở lại bình thường. Nhưng mông vẫn tiếp tục ổn định về dáng cuối cùng, thường thì bệnh nhân sẽ cần khoảng 6 tháng mới thấy được kết quả.

Một số vấn đề liên quan đến quá trình hồi phục sau đặt túi độn mông

Vị trí túi độn

Ngay sau phẫu thuật túi độn thường có cảm giác cứng, chắc và nằm ở vị trí cao trên mông. Tuy nhiên theo thời gian nó sẽ bắt đầu mềm hơn và dần ổn định ở vị trí phù hợp. Do đó thời gian đầu bệnh nhân không nên lo lắng khi thấy túi độn nằm quá cao. Vào khoảng 6 tuần, mông sẽ bắt đầu giống với hình dạng cuối cùng.

Sẹo

Sẹo sau phẫu thuật sẽ để lại vĩnh viễn, tuy nhiên vết sẹo thường nhỏ (chỉ khoảng 5cm) và được giấu ở vị trí kín đáo, do đó hiếm khi bị lộ. Nếu muốn bệnh nhân có thể điều trị bằng laser để làm mờ nhanh vết sẹo.

Ngồi

Đây có thể nói là hạn chế lớn nhất trong thời gian đầu sau nâng mông. Thời gian đầu bệnh nhân sẽ không thể ngồi hoặc nằm ngửa vì lúc này vị trí túi mông chưa ổn định, việc gây áp lực lên có thể khiến nó bị dịch chuyển, sai vị trí hoặc khiến cho vết mổ bị rách, toác. Trên thực tế, bệnh nhân cũng thấy việc ngồi lâu hơn 10 -15 phút là rất khó khăn và không được thoải mái cho đến khi họ gần như hoàn toàn lành thương (sau 6 tuần).

Để khắc phục hạn chế này, bệnh nhân chỉ nên nghỉ ngơi và ngủ ở tư thế nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Ngồi xổm (thay vì ngồi) khi đi vệ sinh. Tận dụng các loại gối kê mông hoặc kê đùi đề ngồi khi lái xe hoặc làm việc.

2Bệnh nhân có thể kê gối ở đùi khi ngồi
1hoặc thậm chí có thể kê bằng tấm thảm tập yoga

Cúi người

Việc cúi, khom người sẽ rất khó khăn trong vài tuần đầu và nên được hạn chế thực hiện. Bệnh nhân nên đảm bảo đặt những thứ cần thiết trong tầm tay và nhờ người lấy giúp nếu cần.

Sử dụng nhà vệ sinh

Nên chọn loại quần định hình hở ở phía dưới, như thế bạn sẽ dễ dàng dùng nhà vệ sinh hơn. Đôi khi cũng nên dùng thuốc làm mềm phần để dễ dàng đi ngoài hơn vì bạn có thể bị táo bón và sẽ không thể ngồi lâu (tốt nhất nên ngồi xổm). Sau khi vệ sinh xong cần lau chùi thật cẩn thận, tránh để vi khuẩn lan đến vị trí vết mổ sẽ dẫn đến các vấn đề phiền phức hơn.

Tập thể dục và quan hệ tình dục

Không nên vội vàng tập luyện và quan hệ hay làm bất cứ việc gì gây áp lực khiến vết mổ bị căng. Nếu muốn tập luyện thời gian đầu bạn chỉ nên tập nhẹ nhàng phần thân trên. Sau 6 tuần bạn có thể thoải mái trở lại những hoạt động này.

Mẹo giúp quá trình hồi phục sau nâng mông nhanh hơn

  • Đảm bảo tuân thủ theo tất cả các hướng dẫn hậu phẫu của bác sĩ
  • Đến tái khám đầy đủ
  • Không ngồi, nằm ngửa hoặc cúi sâu người cho đến khi được bác sĩ cho phép
  • Cố gắng ngồi xổm khi đi vệ sinh
  • Duy trì mặc quần định hình đều đặn
  • Hạn chế bất kỳ hoạt động thể chất gắng sức nào
  • Xắp xếp nghỉ làm trong 2 – 3 tuần, và nhờ người giúp đỡ trong những ngày đầu
  • Cố gắng nghỉ ngơi và ngủ nhiều
  • Ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước
  • Mặc quần áo rộng rãi
  • Đừng cố ngoái lại nhìn vào vết mổ của mình vì như thế dễ kéo căng và khiến nó bị rách ra.

Khi nào sẽ thấy kết quả và kết quả kéo dài bao lâu?

Mông của bạn trông sẽ tròn hơn ngay lập tức sau khi phẫu thuật nhưng vẫn còn cao. Dần dần sau 6 7 tháng khi sưng nề tiêu hết, túi độn hạ xuống, mông sẽ dần dần căng tròn, tự nhiên và mềm mại

Vì túi độn mông không thể bị vỡ hay rò rỉ nên chúng được coi là vĩnh viễn, tuy nhiên bạn có thể cần phẫu thuật chỉnh sửa nếu muốn thay đổi kích cỡ túi, hoặc cơ thể của bạn thay đổi nhiều theo thời gian nên cần điều chỉnh cho phù hợp hoặc phát sinh các biến chứng.

Tóm lại, quá trình hồi phục sau đặt túi độn mông mặc dù có thể khó khăn và đau đớn hơn so với các quy trình thẩm mỹ khác tuy nhiên kết quả bạn nhận lại sau đó sẽ rất đáng. Một vòng mông căng tròn, nảy nở duy trì vĩnh viễn sẽ không chỉ tôn lên vóc dáng mà còn giúp bạn tự tin hơn. Điều quan trọng cần hiểu rằng, mỗi bệnh nhân sẽ có quá trình hồi phục khác nhau vì ngưỡng chịu đau và cơ địa mỗi người khác nhau. Ngoài ra các yếu tố khác nhau trong quá trình phẫu thuật cũng khiến quá trình hồi phục khác nhau, ví dụ size và vị trí đặt túi độn mông khác nhau cũng dẫn đến quá trình hồi phục khác nhau. 

Đọc toàn bộ bài viết