Các nhà sản xuất robot hút bụi của Trung Quốc đang chia phần thị trường toàn cầu.
Theo Nikkei, các công ty sản xuất robot hút bụi của Trung Quốc đang thống trị thị trường toàn cầu với các tính năng tiên tiến và giá cả phải chăng. Điều này được minh chứng khi năm ngoái, doanh số bán hàng Ecovacs của Trung Quốc vượt qua nhà sản xuất iRobot của Mỹ.
Công ty Trung Quốc có tên chính thức là Ecovacs Robotics. Không chỉ kiếm tiền nhiều hơn từ người tiêu dùng, Ecovacs còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng. Vốn hoá thị trường Ecovacs lên gần 44 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,38 tỷ USD) - gấp 5 lần so với iRobot, nhà sản xuất máy hút bụi Roomba có trụ sở tại Mỹ.
"Chúng tôi sử dụng công nghệ di chuyển tự động", đại diện bán hàng của Ecovacs cho biết. Người này mô tả về mẫu máy hút bụi Deebot mới nhất của công ty sử dụng chip trí tuệ nhân tạo và công nghệ học sâu để điều khiển chuyển động.
Robot hút bụi Deebot được cung cấp năng lượng bởi con chip do Horizon Robotics, một công ty cung cấp công nghệ lái xe tự động của Trung Quốc, sản xuất. Horizon Robotics thành lập năm 2015 trên cơ sở hợp tác với Volkswagen.
Máy hút bụi Deebot cũng có hệ thống cảm biến lidar - phát hiện ánh sáng và khoảng cách - do chính Ecovacs sản xuất, cũng như camera độ phân giải cao để có thể lập bản đồ ngôi nhà bằng dữ liệu thu thập được nhằm mục đích vệ sinh hiệu quả.
Ecovacs cung cấp nhiều dòng sản phẩm, từ mẫu cơ bản có giá khoảng 1.000 nhân dân tệ đến loại lai giữa máy hút bụi và lau nhà với giá 6.999 nhân dân tệ. Để so sánh, mẫu máy hai trong một hàng đầu của iRobot, Roomba Combo j7+, có giá đề xuất là 1.099 USD ở Mỹ - và dường như không được bán chính thức ở Trung Quốc.
"Thật tuyệt khi ứng dụng trên smartphone hiển thị những vị trí robot đã hoạt động trong phòng", một người dùng máy hút bụi Deebot 43 tuổi đến từ Thượng Hải cho biết.
Ecovacs cho biết doanh số bán hàng đang tăng vọt ở Nhật Bản và các thị trường mới nổi ở châu Á. Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của họ tăng 23% lên 10,1 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,46 tỷ USD, vượt qua mức 1,18 tỷ USD của iRobot trong cả năm 2022.
Ecovacs đang dần giành giật khách hàng từ iRobot. Theo nghiên cứu từ Statista và từ chính iRobot, thị phần toàn cầu của nhà sản xuất Roomba đã giảm từ 64% vào năm 2016 xuống 46% vào năm 2020. Trong khi đó, Ecovacs đã tăng thị phần từ 7% năm 2014 lên 17% vào năm 2020.
Là công ty đi đầu trong lĩnh vực robot hút bụi, iRobot đang vật lộn với sự suy thoái ở Mỹ và châu Âu. Vào tháng 8 năm ngoái, họ đã bắt đầu đàm phán để được Amazon mua lại, và nhà sản xuất robot gia đình này cho biết vào tháng 2 năm nay rằng họ sẽ cắt giảm 85 việc làm, tương đương 7% lực lượng lao động.
Công ty Mỹ đã tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc trong việc phát triển sản phẩm. Mãi đến tháng 9/2022 họ mới ra mắt sản phẩm lai giữa máy hút bụi và lau nhà. Giá cổ phiếu của họ đã giảm khoảng 30% sau thông báo về việc được Amazon đề nghị mua lại.
"Roombas cực kỳ phổ biến ở Nhật Bản, nhưng Ecovacs đang dần thu hút người hâm mộ với các mẫu máy hiệu suất cao, và việc cải thiện nhận diện thương hiệu sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng cao hơn", một nhân viên bán hàng tại một cửa hàng điện tử lớn ở Nhật Bản cho biết.
Các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đang trỗi dậy. Roborock, được hậu thuẫn bởi gã khổng lồ điện thoại thông minh Xiaomi, hiện đang bán robot hút bụi tại hơn 100 thị trường, xếp thứ ba về thị phần toàn cầu sau Ecovacs.
Dreame Technology - xếp thứ năm ở Trung Quốc, đã tham gia thị trường Nhật Bản vào năm ngoái sau khi xâm nhập vào châu Âu và Mỹ. Công ty bán sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử như Amazon và Rakuten ở Nhật Bản, và có kế hoạch mở bán tại các cửa hàng vật lý trong thời gian tới.
Dreame đang xây dựng một nhà máy mới ở thành phố Tô Châu, Trung Quốc, với mục tiêu bán 200.000 sản phẩm, bao gồm cả máy hút bụi cầm tay.
Các công ty Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của thị trường nội địa. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh giúp robot hút bụi trở thành một thiết bị gia dụng phổ biến. Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan dự báo quy mô thị trường robot hút bụi Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2022 - 2026, đạt 28,1 tỷ nhân dân tệ.
Thị trường tăng trưởng cho phép các công ty Trung Quốc, những doanh nghiệp vốn duy trì sản xuất nội bộ, tận dụng lợi ích của sản xuất hàng loạt. Sự trỗi dậy của mua sắm trực tuyến toàn cầu cũng giúp các nhà sản xuất này - thường không có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà bán lẻ truyền thống, tiếp cận người tiêu dùng.
Những “người chơi” Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài phải đối mặt với thách thức là cải thiện nhận diện thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng. Tại thị trường quê nhà, nhiều nhà sản xuất tự mở cửa hàng vật lý để người tiêu dùng đến trải nghiệm sau đó chuyển hoá thành đơn hàng.