Rủi ro tiềm ẩn khi cắt nếp mí quá to

4 năm trước 38

Hàn Quốc và Nhật Bản – 2 quốc gia nổi tiếng về thẩm mĩ mí mắt, đã từng có thời gian chạy theo “trend” mí to theo Phương Tây, nhưng hiện nay hầu hết các bác sĩ, bệnh nhân đều hiểu rõ tiềm ẩn, rủi ro của việc này nên đã đi theo xu hướng tạo nếp mí vừa phải, tự nhiên. Nhưng, Việt Nam của chúng ta lại đang đi vào vết xe đổ của họ.

Cắt mí tạo mắt hai mí là quy trình rất phổ biến hiện nay với nhiều chị em phụ nữ, và thậm chí với cả cánh mày râu. Tuy nhiên, vẫn còn có một quan niệm hết sức sai lầm mà thậm chí cứ 10 khách hàng cắt mí thì lại có đến 9 người gặp phải đó là: cắt nếp mí càng to, càng cao thì sẽ càng đẹp.

Lý do mà khách hàng đưa ra cho quan niệm này đó là: “nếp mí càng to thì trông mắt sẽ càng to hơn và long lanh hơn”; hay “cắt mí càng to thì sẽ càng lấy được nhiều mỡ thừa hơn và mắt sẽ trẻ trung lâu hơn”; hay “phải cắt nếp mí to hơn một chút để mấy năm sau mí gom lại là vừa”…

Rất nhiều quan niệm sai lầm như thế vẫn còn tồn tại và lan truyền trong cộng đồng, để dẫn đến những đôi mắt chưa thấy to đẹp, long lanh đâu đã thấy thiếu tự nhiên và các biến chứng đi kèm.

Tạo nếp mí quá to có thể dẫn đến những vấn đề gì?

Tạo nếp mí quá to sẽ không tự nhiên, hài hòa với tổng thể khuôn mặt

nếp mí quá cao 8

nếp mí quá cao 9

Chiều cao nếp mí thường được xác định dựa trên chiều cao của sụn mi trên. Với người Châu Á, chiều cao trung bình của miếng sụn mi vào khoảng 9 – 10 mm (nhưng cũng có người thấp khoảng 7mm) và nếp gấp mí cần phải được đặt thấp hơn khoảng này. Do đó, chiều cao nếp mí (khi nhắm mắt) tự nhiên nhất thường là từ 5 – 7 mm, và khi mở mắt là khoảng 2 -3 mm, bằng khoảng 1/3 toàn bộ khoảng cách từ viền mi đến đường viền dưới của chân mày.

Nếp mí được coi là to và cao thường sẽ có chiều cao khi nhắm mắt khoảng từ 9 đến 10mm hoặc thậm chí hơn 10mm. Nếp mí cao, to như thế chỉ phù hợp với từng dáng khuôn mặt nhất định như những người có hốc mắt lớn, cung mày và xương cung mày to. Trong khi đó, người Việt Nam chúng ta với đặc điểm chung là hốc mắt nhỏ, kích thước bé nên việc lạm dụng tạo nếp mí quá to sẽ không thể phù hợp, tự nhiên và hài hòa với khuôn mặt.

Tạo nếp mí quá to không những trông không “long lanh” hơn mà còn có thể trông dữ dằn hơn, mắt trợn và không nhắm kín được

nếp mí quá cao 7

Việc cố tình cố định nếp mí ở vị trí quá cao so với tỉ lệ phù hợp với đôi mắt và khuôn mặt hoặc cố tình hay vô tình lấy bỏ đi quá nhiều da và mỡ thừa tạo nếp mí cao có thể dẫn đến tình trạng nếp mí vừa cao, vừa sâu, mắt trợn, trông lờ đờ, và thậm chí còn không nhắm kín được hoặc bị lật mí. Việc mắt không thể nhắm kín như này lâu dần còn dẫn đến tình trạng khô mắt, viêm bờ mi hoặc viêm giác mạc. Thậm chí nếu không có các biện pháp chăm sóc can thiệp kịp thời còn có thể gây ảnh hưởng thị lực.

Tạo nếp mí quá cao còn dẫn đến tình trạng sụp mí, không thể mở to mắt sau phẫu thuật, thậm chí là đau đầu

nếp mí quá cao 6

Trường hợp bóc tách mô để tạo nếp mí cao có thể dẫn đến bóc tách quá mức và không cần thiết vào cân cơ nâng mi, dẫn đến cân cơ nâng mi bị tách ra khỏi sụn mi hoặc bị tổn thương gây sụp mí sau phẫu thuật. Tình trạng sụp mí đi kèm với nếp mí quá cao sẽ khiến bệnh nhân không thể mở mắt to để nhìn, lúc nào cũng phải nhướng mày lên mới nhìn được. Việc này về lâu dài có thể khiến bệnh nhân bị đau đầu do liên tục phải co cơ trán để nhướng mày, gây áp lực lên cơ trán.

Tạo nếp mí quá cao có thể khiến hốc mắt trũng sâu

nếp mí quá cao 5

Việc cắt bỏ đi quá nhiều da và mỡ ở mí mắt trên để tạo nếp mí cao có thể sẽ khiến hốc mắt bị trũng sâu và lộ vẻ già nua.

Chỉnh sửa nếp mí to thường rất khó khăn

nếp mí quá cao 4

Nếp mí to là nguyên nhân rất phổ biến khiến các bệnh nhân phải tìm đến phẫu thuật chỉnh sửa, nhưng việc chỉnh sửa lại không hề dề dàng. Đây được coi là một trong những tình trạng khó khắc phục nhất trong số các biến chứng gặp phải sau cắt mí. Vì đã qua một lần phẫu thuật, lượng da dư, mỡ thừa còn lại rất ít, nên rất khó thao tác. Ngoài thiếu hụt mô da, quy trình chỉnh sửa cũng còn liên quan đến nhiều các yếu tố khác như sự liên kết ở nếp mí cũ cũng như tình trạng sụp mí, lật mí có thể có. Để chỉnh sửa triệt để có thể bệnh nhân sẽ cần kết hợp thêm cấy mỡ tự thân hoặc ghép da hoặc có thể sẽ phải chỉnh sửa trong 2 lần mới đạt kết quả ưng ý.

Để chỉnh sửa, bác sĩ sẽ cần đánh giá kỹ lượng mô da, mỡ hốc mắt và cơ vòng mi. Trong quá trình thao tác chỉ cắt da và để lại mô sẹo, cơ vòng mi để hỗ trợ cho vạt bên trên, nhưng cũng không được cắt đi quá nhiều da vì có thể khiến cho nếp mí sau khi hạ thấp lại bị kéo lên cao và dẫn đến lật mí.

Ngoài ra nếu không có đủ mỡ hốc mắt và cơ vòng mi thì có thể chọn các giải pháp thay thế như: ghép vạt da mỡ, cấy mỡ hoặc tiêm mỡ tự thân. Một điều vô cùng quan trọng trong phẫu thuật chỉnh sửa nếp mí cao đó là phải giải phóng hoàn toàn mô sẹo, nếu không giải phòng hết quanh nếp mí cũ và/hoặc các mô liên kết trở lại sau khi được giải phóng thì sẽ dẫn đến hình thành nhiều nếp mí và quy trình chỉnh sửa thất bại.

Tóm lại, chỉnh sửa nếp mí quá cao sau cắt mí là một quy trình cực kỳ khó. Do đó, ngay từ đầu bệnh nhân không nên chạy đua theo người khác tạo nếp mí quá cao. Nếu lỡ tạo nếp mí cao rồi mà cần chỉnh sửa thì việc quan trọng nhất là phải tìm cho mình một bác sĩ có trình độ chuyên môn và giàu kinh nghiệm trong chỉnh sửa mí hỏng. Đây cũng phải là người sẵn sàng cung cấp cho bạn các bộ ảnh tham khảo của những bệnh nhân cũ đã từng chỉnh sửa nếp mí cao thành công ở chỗ họ.

Đọc thêm các biến chứng cắt mí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm

Đọc toàn bộ bài viết