Ruột ‘rơi xuống’ bìu

7 tháng trước 51

Ruột tụt xuống bìu khiến vùng kín anh K. sưng phồng như trái cam. Anh vướng víu lúc mặc quần, sốc hông, đuối sức khi chạy bộ.

Ruột rơi xuống bìu

Bìu sưng to bằng quả cam

Anh V.Đ.K. (43 tuổi, Long An) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám do bìu bên phải sưng to bất thường. Lúc nằm lâu, nhất là mới ngủ dậy buổi sáng, khối sưng xẹp xuống nhưng sau khi ăn sáng, kích thước khối sưng lại tăng lên, kèm theo tức.

Anh chia sẻ tình trạng này đã xuất hiện khoảng 3 tháng nay nhưng ngại đi khám. Khối sưng khiến anh vướng víu khi mặc quần, lúc chạy bộ dễ sốc hông, nhanh đuối sức.

Ban đầu anh nghĩ do mới tập chạy, các nhóm cơ còn yếu. Sau một thời gian chạy bộ đều đặn 30 phút/ngày kết hợp tập gym 3 buổi/tuần, tình trạng sốc hông, nhanh đuối sức vẫn tiếp diễn, anh nghi ngờ do khối sưng ở bìu.

Qua thăm khám, bác sĩ Trần Huy Phước, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết vùng bìu bên phải của anh K. sưng lớn, cỡ quả cam, chẩn đoán thoát vị bẹn.

Đây là tình trạng các cơ quan nội tạng trong bụng như ruột, mạch máu, mỡ thừa tụt khỏi vị trí ban đầu, đi qua lỗ bẹn xuống bìu làm bìu sưng to. Khi chạy bộ, vận động mạnh, khối thoát vị ở bìu sốc nảy khiến anh bị sốc hông.

Bác sĩ Phước giải thích thông thường trong quá trình phát triển của bé trai, tinh hoàn từ trong bụng và dần di chuyển xuống bìu thông qua lỗ bẹn. Khi tinh hoàn đã xuống bìu hoàn toàn, lỗ bẹn sẽ đóng lại. Tuy nhiên, ở một số nam giới, lỗ này không đóng lại nên các nội tạng vùng bụng dưới có thể chui qua để xuống bìu khiến bìu sưng lớn bất thường.

“Anh K. là trường hợp thoát vị bẹn nặng do ruột đã tụt xuống bìu”, bác sĩ Phước đánh giá. Do đó, người bệnh cần phẫu thuật với phương pháp Lichtenstein – kỹ thuật điều trị thoát vị bẹn phổ biến, ít xâm lấn, hiệu quả cao, tỷ lệ tái phát thấp.

Thông qua đường mổ dài khoảng 4-5cm nằm xéo trên mu bên phải (vị trí ống bẹn phải), ê kíp mổ bóc tách ống bẹn, đặt lưới để tái tạo thành bẹn đã suy yếu, giải phóng khối thoát vị, đóng lại lỗ bẹn dưới để ngăn tái phát. Một ngày sau mổ, anh K. phục hồi, ít đau, có thể đi lại bình thường và được xuất viện.

Từ phải qua, bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện, bác sĩ Trần Huy Phước, bác sĩ Phạm Xuân Long, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đang phẫu thuật thoát vị bẹn cho anh KTừ phải qua, bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện, bác sĩ Trần Huy Phước, bác sĩ Phạm Xuân Long, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đang phẫu thuật thoát vị bẹn cho anh K

Phẫu thuật là phương pháp duy nhất

Bác sĩ Phước cho biết mỗi tuần, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận khoảng 3-5 ca tổng số nam giới đến khám, phần lớn ở nhóm tuổi trung niên và lớn tuổi.

Hình minh họa thoát vị bẹn ở nam giớiHình minh họa thoát vị bẹn ở nam giới

Bác sĩ Phước cho biết thoát vị bẹn thường không nguy hiểm đến sức khỏe, chức năng sinh lý, chỉ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của nam giới. “Có những nam giới có thể sống khỏe mạnh bình thường cả đời với khối thoát vị vùng bìu mà không cần điều trị”, bác sĩ Phước cho biết.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu, phần nội tạng “rơi” xuống bìu không thể trở lại ổ bụng (thoát vị nghẹt) dẫn đến thiếu máu nuôi, dần hoại tử hoặc dễ gặp chấn thương dẫn đến dập vỡ. Ngoài ra, khối thoát vị có thể chèn ép thừng tinh, cản trở lưu thông máu đến tinh hoàn, ảnh hưởng sản xuất tinh trùng, tăng nguy cơ vô sinh nam.

Phẫu thuật là phương án điều trị thoát vị bẹn duy nhất. Sau phẫu thuật, thoát vị bẹn có thể tái phát dù ở tỷ lệ thấp. Để tránh tái phát, nam giới cần giảm các hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng, suy yếu cơ bụng như: thừa cân béo phì, táo bón, ho dai dẳng, nâng vật nặng, hút thuốc lá. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, trái cây, ngũ cốc…) và tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức mạnh vùng cơ bụng.

Bác sĩ Phước khuyến cáo tuy thoát vị bẹn xảy ra phần lớn do cơ bụng lão hóa và suy yếu dần theo tuổi tác. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng gây biến chứng nguy hiểm nhưng rủi ro luôn tiềm ẩn, do đó, nam giới có dấu hiệu bệnh cần đến bệnh viện khám, xác định mức độ thoát vị để có phương án điều trị, chăm sóc phù hợp.

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của tình trạng “ruột rơi xuống bìu” là bìu sưng phồng bất thường, nhất là khi ăn no, ho hay hoạt động thể chất. Ngoài ra, vùng bìu còn có thể cảm thấy đau, ngứa, nóng rát.

Đọc toàn bộ bài viết