Thứ sáu, 22/3/2024, 11:02 (GMT+7)
Sâm Mỹ tăng trưởng 15-20% sau gần 10 năm đến Việt Nam, nhưng việc tìm chỗ đứng tại đây cũng không dễ, theo các chuyên gia.
Sau 4 năm nghiên cứu, một doanh nghiệp tại thành phố Thủ Đức (TP HCM) gần đây trình làng dòng thức uống làm từ sâm Mỹ. Họ nhắm đến khách hàng văn phòng, độ tuổi 30-40, cần bồi bổ sức khỏe, chăm sóc ngoại hình.
Thương hiệu này là một trong 5 công ty Việt Nam gần đây bắt đầu nhập nguồn sâm từ Mỹ để phát triển sản phẩm và kinh doanh. Ông Cao Chí Dũng, CEO Công ty TCS - một nhà nhập khẩu từ bang Wisconsin - cho biết sâm Mỹ bắt đầu vào Việt Nam từ một thập niên trước. Ban đầu, sản phẩm này chủ yếu tìm cách tiếp thị vì quá mới lạ, nhưng từ 2018 tăng trưởng mạnh, 15-20% mỗi năm.
"Sâm Mỹ đang có triển vọng tốt vì ngày càng nhiều người biết tới. Chúng tôi nhập dạng củ và viên nang để cung cấp cho các đại lý phân phối, chuỗi bán lẻ", ông Dũng cho biết. Nhưng sản lượng nhập về hàng năm không được các doanh nghiệp tiết lộ.
Thị trường Việt Nam nhỏ, nhưng đủ thu hút ông Kirk Baumann, Chủ nông trại sâm Baumann tại Marathon, bang Wisconsin đến nhiều lần. Nông trại của ông chiếm khoảng 40% sản lượng của toàn bang. Trong khi, Wisconsin được xem là thủ phủ sâm Mỹ, với lịch sử canh tác từ những năm 1800 thế kỷ trước. "Việt Nam là thị trường nhiều cơ hội cho sâm Mỹ", ông Baumann nói tại buổi trình diễn nông sản Mỹ, tối 21/3 ở TP HCM.
Nhưng tìm chỗ đứng cho mặt hàng này tại thị trường Việt Nam không dễ. Giới kinh doanh cho biết Hàn Quốc vẫn là nhà cung cấp chính cho Việt Nam. Đây cũng là quốc gia có thị phần phân phối sâm lớn nhất thế giới, chiếm 55%, bất chấp Trung Quốc là nước có sản lượng cao nhất.
"Thị trường Việt khá thách thức vì nơi đây đã quen với các sản phẩm châu Á. Nhiều người bất ngờ khi biết Mỹ cũng trồng sâm", ông Baumann nói thêm.
Giá cao cũng là trở ngại của sản phẩm này khi tiếp cận người dùng Việt. Loại nông sản từ xứ cờ hoa có quy trình sản xuất tuân thủ nhiều tiêu chuẩn canh tác, an toàn và thổ nhưỡng. Chẳng hạn, sâm Wisconsin thu hoạch sau 4 - 5 năm và phải trồng trên đất nguyên sơ, tức đất trồng một lần, không tái canh.
Sản phẩm này cũng chịu thêm thuế, phí khi nhập vào Việt Nam. Vì thế, sâm Mỹ hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp,
Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 9 của Mỹ, trong khi Mỹ là bạn hàng mua nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch thương mại nông nghiệp hai nước đạt 5,5 tỷ USD.
Ông Andrew Anderson, Tùy viên Nông nghiệp cấp cao Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM đánh giá, các sản phẩm nông sản Mỹ được đón nhận nhiều nhưng chịu cạnh tranh lớn từ các nước.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Straits Research (Ấn Độ), quy mô thị trường nhân sâm toàn cầu đạt gần 680 triệu USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên 1 tỷ USD vào 2031. Tăng trưởng sản phẩm này bình quân 4,6% một năm đến 2030.
Các nước trồng nhiều nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và Mỹ. Ngoài ra, thị trường Việt Nam cũng có sâm bản địa quý, như Ngọc Linh. Straits Research cho rằng các yếu tố, như thay đổi lối sống, nhận thức ngày càng tăng về sức khỏe đang thúc đẩy nhu cầu các sản phẩm chế biến từ sâm. Bản thân sâm Wisconsin cũng được khách hàng Trung Quốc bao tiêu 95%.
Một doanh nghiệp mua sâm Mỹ cho biết ngoài triển vọng tiêu thụ ở Việt Nam, các nhà trồng cũng muốn đa dạng hóa thị trường, trong lúc Trung Quốc gia tăng sản lượng.
Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM cũng thừa nhận hiện còn một số thách thức để nông sản Mỹ gia nhập thị trường Việt Nam. "Nhưng tôi tin rằng nhu cầu của khách hàng tại đây rất lớn", bà nói.
Dỹ Tùng