Sắp xây trạm dừng chân trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây

8 tháng trước 46

(PLO)- Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị Bình Thuận chuẩn bị thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng để xây các trạm dừng chân trên hai tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh.

Ngày 25-2, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết tại buổi làm việc trực tuyến của Đoàn công tác Chính phủ với hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận vào ngày 23-2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã thống nhất các chủ trương kiến nghị của tỉnh Bình Thuận.

cao tốc Vị trí dự kiến đặt trạm dừng chân trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh: PN

Cụ thể, thống nhất kiến nghị bổ sung kết nối đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú với hệ thống đường bộ tỉnh Bình Thuận, đồng thời điều chỉnh vị trí ga Mương Mán thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận.

Đối với kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện các công trình phục vụ cao tốc, nhất là sớm xây dựng các trạm dừng chân trên hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, người đứng đầu Bộ GTVT cho biết hiện nay Bộ đang thực hiện các thủ tục để tuyển chọn nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chuẩn bị thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng các trạm dừng chân trên hai tuyến cao tốc nêu trên.

binh-thuan4-1285.jpg Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.

Được biết, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt hai vị trí trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8 km) tại Km144+560 (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong) và Km205+602 (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc).

Riêng đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (99 km) Bộ GTVT đã phê duyệt một vị trí tại Km47+500 (xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, giáp ranh với tỉnh Đồng Nai).

Đối với việc bổ sung kết nối đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú với hệ thống đường bộ tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất về mặt chủ trương; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch để thuận lợi cho quá trình thực hiện dự án…

Cao tốc Dầu Giây-Tân Phú có quy mô bốn làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/giờ, khoảng 4-5 km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 9.000 tỉ đồng và dự kiến khởi công trong năm 2024.

Trong đó, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 60,24 km. Điểm đầu giao với Quốc lộ 1A tại Km1829+500 trùng với điểm cuối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận huyện Thống Nhất; điểm cuối giao cắt với Quốc lộ 20 thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, Đồng Nai.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú kết nối với hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thông qua bốn nút giao liên thông gồm nút giao Dầu Giây (Km0+000), nút giao ĐT.763 (Km16+500), nút giao Cao Cang (Km38+000) và nút giao Tân Phú (Km57+700).

cao-toc1-1029-1759.png Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết.

Qua khảo sát tại vị trí nút giao Tân Phú, dự án có đầu tư đoạn tuyến với chiều dài khoảng 1,4 km kết nối với Quốc lộ 20; vị trí nút giao này chỉ cách ranh giới huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận khoảng 1 km, chưa có đường kết nối với hệ thống giao thông huyện Đức Linh.

UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long và đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung tuyến đường kết nối cao tốc Dầu Giây - Tân Phú với hệ thống đường bộ của tỉnh Bình Thuận vào hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.

Việc bổ sung này sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân giữa các vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 200km đường cao tốc không có trạm dừng chân

Nghịch lý: 200km đường cao tốc không có trạm dừng chân

(PLO)- Việc lưu thông 200km qua cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết; Phan Thiết-Dầu Giây nhưng chưa có trạm dừng chân đã khiến rất nhiều người bức xúc.

PHƯƠNG NAM

Đọc toàn bộ bài viết