Trước đó, ngày 11/3, Moody's đã hạ xếp hạng trái phiếu của Vanke xuống Ba1 tương đương với mức rủi ro cao. Điều này đồng nghĩa công ty phải đưa ra mức lãi suất trái phiếu cao hơn để bù đắp cho rủi ro vỡ nợ cao hơn.
Tập đoàn này bị Moody's hạ xếp hạng giữa lúc nhà chức trách Trung Quốc đang chật vật khôi phục niềm tin trên thị trường bất động sản.
"Động thái hạ xếp hạng cho thấy Moody's dự báo rằng các chỉ số tín dụng, thanh khoản của Vanke sẽ suy yếu trong vòng 12-18 tháng do doanh số bán nhà giảm. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận vốn cũng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh khủng hoảng địa ốc kéo dài ở Trung Quốc", ông Kaven Tsang, phó chủ tịch cấp cao tại Moody's, nhấn mạnh trong báo cáo.
Trong khi đó, các công ty xếp hạng tín nhiệm khác là S&P và Fitch vẫn giữ nguyên xếp hạng của trái phiếu Vanke có rủi ro vỡ nợ tương đối thấp.
Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng ngăn một vụ vỡ nợ khác, sau khi Evergrande và Country Garden vỡ nợ trái phiếu, đẩy ngành bất động sản nước này chìm sâu vào khủng hoảng.
12 ngân hàng lớn của Trung Quốc đang thảo luận về việc cung cấp một khoản vay lên tới 80 tỷ nhân dân tệ cho Vanke để công ty hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán sắp tới hạn.
Theo Economic Observer, một công ty bảo hiểm đã cử người tới trụ sở của Vanke để thảo luận và thương lượng với các chủ nợ của công ty để tránh vỡ nợ.
Năm 2023, Vanke là một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất tại Trung Quốc tính theo doanh thu. Tuy nhiên, công ty này đang đứng trước bờ vực sụp đổ do nhu cầu nhà ở và giá nhà tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm sâu.
Vanke cũng là một trong số ít công ty bất động sản Trung Quốc được các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá là có sức khỏe tài chính tốt.
Tuy nhiên, năm ngoái, doanh thu của Vanke giảm 10% xuống còn 376,12 tỷ nhân dân tệ. Tháng 1 năm nay, doanh số của công ty tiếp tục giảm 32%.
Động thái của Moody's cho thấy mối lo ngại về thị trường bất động sản Trung Quốc khi nhu cầu yếu và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn.