Sâu răng và lựa chọn nhổ bỏ hay bảo tồn - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 100

Hiện nay, ý thức giữ vệ sinh răng miệng trong cộng đồng còn chưa cao. Bên cạnh đó, còn nhiều quan niệm sai lầm đưa đến tâm lý sợ nhổ răng mà không biết hết được những tác hại của việc không nhổ bỏ các răng cần nhổ. Liên quan đến vấn đề này, BS. Chương Thị Minh Loan có một số thông tin trao đổi như sau

Theo bác sĩ, quan niệm cho rằng bị sâu răng thì nên đi nhổ để tránh “lây” sang răng khác là đúng hay sai?

BS. Chương Thị Minh Loan: Khi sâu răng thì nên đi đến BS răng hàm mặt để được trám lại. Tốt nhất là nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện răng sâu. Nếu không có điều kiện thì nên đi khám ngay khi phát hiện lỗ đen trên răng. Với vật liệu trám composite, miếng trám có màu tương tự như màu răng nên trông như răng thật, rất tự nhiên. Nếu không được điều trị thì sâu răng sẽ ăn lan đến tủy răng, gây đau nhức. Nếu tiếp tục vẫn không được điều trị thì tủy răng chết sẽ gây nhiễm trùng, thân răng sẽ bị bể dần chỉ còn chân răng và lúc đó không còn bảo tồn được, phải nhổ bỏ.

Xin BS cho biết những răng nào nên được nhổ bỏ?

BS. Chương Thị Minh Loan: Với những tiến bộ trong công nghệ nha khoa, các răng hư được giữ lại và bảo tồn ngày càng nhiều, các chỉ định nhổ răng ngày càng ít đi. Tuy nhiên, đôi khi vẫn phải thực hiện việc nhổ răng đối với những răng không thể giữ lại được như: răng sâu quá lớn chỉ còn lại chân, răng lung lay do bệnh nha chu, răng khôn mọc kẹt, mọc lệch gây tai biến hoặc cần nhổ bớt răng để điều trị chỉnh hình…

Nếu vệ sinh răng miệng tốt thì có thể giữ lại được những chân răng này trong miệng không, thưa BS?

BS. Chương Thị Minh Loan: Thật ra, chính những răng này gây trở ngại cho việc vệ sinh răng miệng, dễ tích tụ thức ăn, mảng bám và vôi răng, gây hôi miệng làm hạn chế giao tiếp xã hội. Nặng hơn có thể đưa đến áp-xe xương ổ răng. Đây là dạng nhiễm trùng cấp tính có biểu hiện bên ngoài là sưng đỏ và rất đau vùng niêm mạc, nướu quanh chân răng; đôi khi nhiễm trùng lan rộng ra các mô lân cận gây sưng rất lớn ở vùng môi, má, kèm theo sốt, đau nhức (chuyên môn gọi là viêm mô tế bào). Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm mô tế bào là nhiễm trùng máu, có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Vậy theo bác sĩ nhổ răng có nguy hiểm không?

BS. Chương Thị Minh Loan: Việc nhổ bỏ các chân răng thường không phức tạp như nhiều người thường nghĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ khám trên miệng xem có cần thiết phải chụp X-quang hay thực hiện một vài xét nghiệm đơn giản trước nhổ. Hiện nay, với sự phát triển của nhiều loại thuốc tê rất hiệu quả, sau khi gây tê là sẽ không còn cảm giác đau tại vùng răng cần nhổ, BS sẽ sử dụng những dụng cụ thích hợp để nhổ bỏ chân răng nhiễm trùng, nạo sạch các mô bệnh lý ở vùng quanh chóp. Sau khi nhổ, bệnh nhân chỉ cần nắn gòn chặt tại chỗ nhổ trong 30 phút đến 1 giờ để cầm máu, dùng thuốc theo toa của BS nếu cần thiết.

Theo BS, bệnh nhân cần lưu ý những điều gì khi đi nhổ răng?

BS Chương Thị Minh Loan: Tất nhiên là răng đó được BS chỉ định nhổ bỏ và không đang đau nhức, không đang sưng tấy. Nên nhổ vào buổi sáng sau khi ăn no. Thật ra có thể nhổ răng vào bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng được khuyên nhổ vào buổi sáng vì cơ thể trải qua một đêm nghỉ ngơi tốt, sức đề kháng sẽ tốt hơn. Còn buổi chiều, sau một ngày làm việc, cơ thể mệt mỏi, sức chịu đựng kém hơn. Ngoài ra, nhổ vào chiều tối nếu có xảy ra chuyện gì (chẳng hạn không cầm máu) thì việc quay lại cơ sở điều trị hoặc cấp cứu sẽ bất tiện hơn. Sau khi nhổ thì nên cắn chặt gòn trong 30 phút để cầm máu, không được xúc miệng mạnh, tuyệt đối không xúc hay ngậm nước muối, không chạm tay dơ vào. Ăn uống nhẹ vào ngày hôm sau (tránh nhai cứng, mạnh), nếu có thức ăn lọt vào thì nên dùng tăm khều nhẹ ra. Nếu đau, có thể uống thuốc giảm đau thông thường (paracetamol), tuyệt đối không được uống Aspirin (dù là Aspirin pH8) vì sẽ gây chảy máu kéo dài.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết