Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh: Chỉ định và quy trình

7 tháng trước 61

Nếu kết quả thăm khám hoặc chẩn đoán hình ảnh cho thấy bạn có dấu hiệu của ung thư vú, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm sinh thiết bằng kim để xác định chính xác tình trạng bệnh. Phương pháp này có thể thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm hoặc nhũ ảnh. Vậy sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh là gì? Chỉ định và quy trình như thế nào? Bài viết sau đây của thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TPHCM sẽ giải đáp cụ thể các vấn đề trên.

Sinh thiết vú bằng kim

Sinh thiết vú bằng kim là gì?

Sinh thiết vú bằng kim là thủ thuật mà bác sĩ sử dụng 1 cây kim rỗng để lấy các mảnh mô vú ra khỏi vùng tổn thương, việc sinh thiết được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm hoặc nhũ ảnh. Kim có thể được gắn vào 1 dụng cụ có lò xo giúp kim di chuyển vào, ra nhanh chóng hoặc kim được gắn với 1 thiết bị hút giúp kéo mô vú vào kim (sinh thiết lõi có hỗ trợ chân không – VABB).

Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh là gì?

Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh là phương pháp sử dụng hình ảnh chụp X-quang tuyến vú để hướng dẫn sinh thiết. Chụp X-quang tuyến vú chỉ chụp tia X ở liều thấp để phát hiện các mô bất thường hoặc những vùng “nghi ngờ” ung thư. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ loại bỏ mô đáng ngờ để kiểm tra tế bào ung thư. Sinh thiết là cách duy nhất để biết người đó có bị ung thư hay không.

Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh đã tồn tại hơn 35 năm. Phương pháp này đáng tin cậy và xâm lấn tối thiểu để xác nhận xem một người có bị ung thư vú hay không. [1]

Khi nào cần sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh?

Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh là bước đầu để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, giúp bác sĩ lâm sàng chẩn đoán chính xác khối u ở vú là lành tính hay ác tính và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Mẫu mô vú sau sinh thiết sẽ được bảo quản và gửi đến phòng xét nghiệm chuyên biệt. Sau đó, mẫu sẽ được quan sát dưới kính hiển vi hoặc được “nhuộm” với những chất chỉ điểm ung thư (xét nghiệm hóa mô miễn dịch). Kết quả sau khi đưa về cho bác sĩ sẽ có độ chính xác cao.

Ưu và nhược điểm của sinh thiết vú bằng kim tuyến vú định vị nhũ ảnh

1. Ưu điểm

Sinh thiết vú bằng kim tuyến vú định vị nhũ ảnh đều tuân theo nguyên tắc xâm lấn tối thiểu, chỉ lấy đủ số lượng mô cần thiết với một lỗ kim nhỏ. Quá trình sinh thiết gần như không để lại sẹo trên da.

Việc lấy mẫu mô dưới định vị nhũ ảnh giúp tăng độ chính xác trong xác định khối u ở vú lành hay ác tính.

Thời gian thực hiện sinh thiết nhanh, chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, bạn sẽ tỉnh táo trong toàn bộ quá trình nhưng ngực sẽ bị tê nên sẽ không cảm thấy đau.

2. Nhược điểm

Biến chứng không mong muốn thường gặp khi sinh thiết vú bằng kim tuyến vú định vị nhũ ảnh là có thể để lại 1 vết bầm, 1 khối máu tụ nhỏ dưới da. Những biến chứng này ít ảnh hưởng đến kết quả và tự khỏi hoàn toàn sau vài ngày nên bạn hoàn toàn yên tâm.

Có nguy cơ nhiễm trùng do trên da có những vi khuẩn cộng sinh lẫn vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng cần phải dùng kháng sinh rất thấp.

Thời gian ép tuyến vú lâu sẽ gây khó chịu hoặc đau làm bệnh nhân lo lắng.

Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnhĐịnh vị nhũ ảnh trước khi sinh thiết vú bằng kim tại BVĐK Tâm Anh TPHCM

Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

1. Chỉ định

Bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh nếu tìm thấy mô bất thường (có khả năng gây ung thư) trên chụp X-quang tuyến vú. Mặc dù hình ảnh có thể cho thấy những bất thường bên trong vú, nhưng sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh có thể xác nhận xem liệu sự bất thường đó có phải là dấu hiệu của ung thư, sự phát triển lành tính hay các bất thường khác.

Bạn có thể cần sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh nếu sang thương trên hình ảnh phát hiện:

  • 1 khối bất thường hoặc khối u trong vú.
  • Sự tích tụ cặn canxi, được gọi là vi vôi hóa.
  • Những thay đổi ở mô vú (đặc biệt là ở vùng trước đây đã phẫu thuật).

Nếu mô đó là ung thư, sinh thiết định vị có thể giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị.

2. Chống chỉ định

Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh không có chống chỉ định cụ thể. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ cân nhắc việc chỉ định hay không chỉ định làm sinh thiết, chẳng hạn như:

  • Sang thương ở vú quá khó định hướng để lấy sinh thiết, dù đã có định vị nhũ ảnh.
  • Bạn bị rối loạn khả năng đông máu nặng hoặc đang sử dụng thuốc đông máu để trị bệnh khác (thuốc kháng đông, aspirin,…).
  • Bạn có tiền căn dị ứng với thuốc gây tê hoặc gây mê.
  • Mô vú quá dày, cân nặng quá lớn, khiếm khuyết cơ thể,…

Quy trình sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh

1. Chuẩn bị trước sinh thiết

Bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi để đảm bảo quy trình an toàn và đúng thời gian:

  • Bệnh sử của bạn: bao gồm bệnh sử y tế của gia đình cũng như các tình trạng bệnh và phương pháp điều trị trong quá khứ và hiện tại của bạn. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ dị ứng nào, đặc biệt là gây tê cục bộ.
  • Thuốc bạn đang dùng: bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và thực phẩm bổ sung. Vì có nguy cơ chảy máu nên điều đặc biệt quan trọng phải cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, như aspirin. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ về việc tiếp tục hoặc ngừng dùng thuốc trước khi làm thủ thuật.
  • Mang thai: bác sĩ cần biết việc bạn có đang mang thai hay không vì chụp X-quang nhiều có thể gây hại cho thai nhi. Một số loại thuốc gây tê cục bộ cũng không được sử dụng trong thai kỳ.. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ về cách tiến hành nếu bạn đang mang thai.

Bạn cũng nên lên kế hoạch để 1 người bạn thân hoặc thành viên gia đình chở bạn về nhà. Hầu hết mọi người đều có thể lái xe sau khi sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục để xác định xem bạn bị ung thư hay không có thể khiến bạn kiệt sức và căng thẳng, sẽ rất tốt khi có người mà bạn tin tưởng ở bên cạnh.

Lập kế hoạch cho thủ thuật mất tổng cộng khoảng 1 giờ. Phần sinh thiết chỉ mất vài phút. Vào ngày sinh thiết bạn nên:

  • Mặc quần áo thoải mái để dễ thay áo choàng bệnh viện.
  • Mang theo áo ngực thể thao (bó sát và nâng đỡ) để mặc sau khi thực hiện thủ thuật sinh thiết.
  • Không sử dụng chất khử mùi hoặc sử dụng kem dưỡng, phấn phủ hoặc các sản phẩm liên quan khác trên cánh tay, nách hoặc ngực vì các loại này có thể làm biến dạng tia X và ảnh hưởng đến kết quả.
  • Tháo kính, răng giả, đồ trang sức (bao gồm cả bông tai) hoặc các đồ vật bằng kim loại khác vì các loại này cũng có thể cản trở tia X.
  • Không tắm trong 24 giờ sau khi thực hiện thủ thuật.

2. Tiến hành sinh thiết lõi

Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh sử dụng máy chụp nhũ ảnh đặc biệt để xác định vị trí mô nghi ngờ và hướng dẫn sinh thiết. Máy chụp X-quang vú từ nhiều góc độ và gửi thông tin này đến máy tính. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chọn vùng bất thường để sinh thiết. Dựa vào đó, máy tính sử dụng các tính toán để hướng dẫn bác sĩ đặt thiết bị sinh thiết vào đúng vị trí sang thương. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị này để sinh thiết và thu thập các mẫu từ khu vực đó.

Trong suốt quy trình, bác sĩ sẽ sử dụng công nghệ này để xác minh rằng họ đang lấy mẫu mô từ đúng vị trí, đảm bảo đã thu thập đủ mô cho 1 mẫu có thể cho kết quả chính xác.

Bạn sẽ tỉnh táo trong toàn bộ quá trình nhưng ngực sẽ bị tê nên bạn sẽ không cảm thấy đau. Quy trình sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh bao gồm các bước sau:

  • Bạn sẽ nằm úp mặt trên bàn khám có lỗ hở cho ngực. Vú sẽ mở rộng xuống dưới bàn thông qua lỗ mở. 2 tấm ép sẽ giữ vú đúng vị trí. Nếu bạn không thể nằm úp mặt, có một số máy ở một số địa điểm cho phép bạn ngồi, vì vậy hãy cho bác sĩ biết trước khi sinh thiết nếu trường hợp đó xảy ra.
  • Bàn sẽ nâng lên để bác sĩ có thể tiếp cận sang thương trong tuyến vú dễ hơn. Khi bạn đã vào vị trí, máy sẽ chụp X-quang cho thấy các góc khác nhau của vú và gửi thông tin này đến máy tính. Máy tính sẽ xác định các vị trí trên vú để hướng dẫn sinh thiết.
  • Bác sĩ sẽ làm sạch vú bằng chất khử trùng hoặc xà phòng và tiêm thuốc gây tê cục bộ để làm tê vú. Bạn có thể cảm thấy hơi châm chích.
  • Sau khi vú bị tê, bác sĩ sẽ tạo một vết rạch nhỏ trên da và đưa kim sinh thiết vào. 1 thiết bị hỗ trợ chân không (VAD) được kết nối với kim sẽ sử dụng áp lực để loại bỏ mô nhanh chóng. Bạn sẽ được cho tiêm nhiều thuốc gây tê hơn trong khi lấy mẫu. Bác sĩ có thể lấy nhiều mẫu chỉ với 1 đường kim qua da.
  • Sau khi kiểm tra dung mẫu thì bác sĩ sẽ rút kim ra.
  • Bác sĩ sinh thiết sẽ đưa 1 chiếc kẹp kim loại nhỏ vào nền tổn thương trong vú để đánh dấu vị trí lấy mô. Điều này có thể giúp ích nếu bạn cần các thủ thuật hoặc phẫu thuật trong tương lai ở khu vực vừa sinh thiết. Bạn sẽ không thể cảm nhận được chiếc kẹp và nó hoàn toàn an toàn. Kẹp không kích hoạt máy dò kim loại và bạn vẫn có thể chụp MRI về sau.
  • Sau đó, bác sĩ sẽ cầm máu vị trí sinh thiết. Bác sĩ sẽ che chỗ kim sinh thiết bằng gạc và băng thun ngực lại trong 24 tiếng. Nếu cần thiết có thể bác sĩ hướng dẫn bạn chườm túi nước đá để ngăn sưng tấy trong trường hợp bạn có cơ địa dễ chảy máu.
  • Cuối cùng, bạn sẽ được chụp X-quang tuyến vú nhẹ nhàng để bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể đảm bảo kẹp sinh thiết ở đúng vị trí nền của tổn thương.
sinh thiết tuyến vú bằng kimẢnh minh họa tế bào ung thư vú

3. Chăm sóc sau sinh thiết lõi

Bạn có thể cần 1 khoảng thời gian ngắn để hồi phục và về nhà ngay trong ngày. Bạn có thể nhận thấy vết bầm tím hoặc sưng tấy nhẹ và cảm thấy hơi đau nhức, nhưng tình trạng này thường cải thiện trong vòng vài ngày.

Nếu bạn không chịu được đau nhiều, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Bạn nên chườm túi nước đá lên vùng đó (20 phút chườm và 20 phút nghỉ) trong vài giờ đầu sau khi sinh thiết. Bạn sẽ nhận được hướng dẫn bổ sung về cách chăm sóc sau sinh thiết.

Bạn nên tránh mọi hoạt động gắng sức trong vòng 24-48 giờ sau khi sinh thiết. Hầu hết, mọi người có thể tiếp tục công việc thường ngày sau khoảng thời gian này, nhưng một số có thể cần thêm thời gian. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc bản thân trong khi hồi phục.

Kết quả sinh thiết vú bằng kim định vị nhũ ảnh

Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sĩ phẫu thuật điều trị chính sẽ cho bạn biết kết quả xét nghiệm là dương tính hay âm tính với bệnh ung thư. Bạn có thể cần xét nghiệm tiếp theo nếu kết quả không rõ ràng (không thuyết phục). Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên về bệnh tuyến vú khi thực hiện các bước tiếp theo.

Việc sinh thiết vú bằng kim dưới hướng dẫn của nhũ ảnh có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng vì cần tuân theo quy trình để tìm thấy mô đáng ngờ. Tuy nhiên, hầu hết các sinh thiết đều cho kết quả âm tính. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chưa đến 30% số người được sinh thiết vú bằng kim dưới hướng dẫn của nhũ ảnh có kết quả dương tính với bệnh ung thư. [2]

Biến chứng rủi ro sau sinh thiết vú bằng kim

Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh là thủ tục an toàn. Tuy nhiên, bất kỳ thủ thuật nào đòi hỏi phải có vết rạch da thì đều có những rủi ro nhất định, bao gồm chảy máu, tích tụ dịch hoặc tụ máu và nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ khi bạn nhận thấy các dấu hiệu cho thấy vị trí sinh thiết không lành lại như bình thường, bao gồm các triệu chứng:

  • Tình trạng sưng tấy không thuyên giảm (hoặc trở nên trầm trọng hơn).
  • Chảy máu hoặc chảy dịch (dịch hôi hoặc mủ) từ vị trí sinh thiết.
  • Đỏ, đau hoặc nóng ở vị trí sinh thiết.

Việc cần sinh thiết định vị có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng vì điều đó có nghĩa là bạn có mô nghi ngờ ung thư. Điều quan trọng là quy trình này vẫn nhằm mục đích chẩn đoán. Hầu hết mọi người, kể cả những người có kết quả “nghi ngờ” từ quy trình tầm soát, đều không có kết quả xét nghiệm dương tính với ung thư.

Trong trường hợp đó, sinh thiết bằng kim dưới hướng dẫn của nhũ ảnh giúp bạn yên tâm hơn. Nếu chẳng may bạn mắc ung thư thì kỹ thuật này giúp phát hiện rất sớm, khi đó việc điều trị có hiệu quả nhất: phẫu thuật ít mô vú, giữ lại tuyến vú và không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, giai đoạn bệnh rất sớm hiếm khi phải hoá trị nên an toàn và tiết kiệm nhất.

sinh thiết bằng kim tuyến vúHình minh họa khối u ở tuyến vú

Các thắc mắc liên quan đến sinh thiết vú bằng kim tuyến vú

1. Sinh thiết vú bằng kim có đau không?

Hầu hết các trường hợp không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện do được gây tê tại chỗ. Bạn có thể cảm thấy hơi châm chích hoặc châm chích khi tiêm thuốc gây tê. Bạn có thể cảm thấy áp lực khi kim sinh thiết đi vào.

Một số người có khả năng chịu đau tốt hoặc cảm thấy khó chịu hơn những người khác. Ví dụ, nếu bạn có mô vú dày đặc hoặc nếu khối u nằm ngay sau khu vực nhạy cảm (như núm vú), bạn có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu khi sinh thiết.

Hầu hết sự khó chịu liên quan đến việc giữ nguyên tư thế trong 1 giờ. Ví dụ, quay đầu nằm úp mặt xuống bàn có thể gây cứng cổ sau đó.

2. Sinh thiết tuyến vú bằng kim bao lâu có kết quả?

Có thể mất từ ​​vài ngày đến tối đa 1 tuần để có kết quả. Trước khi kết thúc thủ thuật sinh thiết, bạn hãy hỏi bác sĩ xem mất bao lâu để có kết quả sinh thiết.

3. Sinh thiết vú bằng kim có nguy hiểm không?

Sinh thiết ở vú là thủ thuật an toàn nếu được thực hiện bởi bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Không những không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh, mà còn mang lại kết quả xét nghiệm chính xác, chẩn đoán sớm các bất thường ở tuyến vú.

Vì vậy, người bệnh cũng nên thực hiện sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sinh thiết.

4. Sinh thiết vú bằng kim có để lại sẹo không?

Sinh thiết vú bằng kim không để lại sẹo vì phương pháp này không cần phẫu thuật. Để đảm bảo an toàn, hạn chế những nguy cơ không đáng có, việc sinh thiết nên được thực hiện bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm và ở các bệnh viện uy tín.

5. Ai thực hiện sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh?

Bác sĩ được đào tạo đặc biệt về sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh sẽ thực hiện thủ thuật này và bác sĩ giải phẫu bệnh chuyên nghiên cứu bệnh học, sẽ kiểm tra mẫu mô dưới kính hiển vi để kiểm tra có tế bào ung thư hay không.

Khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh bệnh tuyến vú, chuyên gia can thiệp chẩn đoán hình ảnh đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu bệnh tuyến vú nói chung và ung thư vú nói riêng.

Ngoài ra, bệnh viện trang bị đồng bộ máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất như: máy siêu âm đàn hồi, máy chụp nhũ ảnh 3D, máy chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp DBT, máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp nhũ ảnh Hologic… giúp người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị.

Sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh là phương pháp sử dụng hình ảnh chụp X-quang tuyến vú để hướng dẫn sinh thiết vú. Bạn có thể cần sinh thiết vú bằng kim dưới định vị nhũ ảnh nếu quy trình chụp ảnh trước đó phát hiện mô bất thường nghi ngờ nhiều là ung thư, nhưng tổn thương này chỉ thấy trên nhũ ảnh. Quy trình giúp bác sĩ xác định và lấy 1 mẫu mô nhỏ để xét nghiệm mà không cần sử dụng các phương pháp phẫu thuật.

Đọc toàn bộ bài viết