Số ca mắc bệnh dại tăng đột biến, người dân cần cảnh giác

7 tháng trước 44

Theo TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hơn 70 % các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là 1 trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người: A/H5N1, SARS, dại,than, dịch hạch, ký sinh trùng… Có 14/45 bệnh truyền nhiễm phải báo cáo là bệnh lây truyền từ động vật, trong đó có 10 bệnh phải báo cáo trong vòng 24 giờ khi phát hiện ca bệnh.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2024 đến nay đã có16/63 tỉnh ghi nhận ca bệnh dại trên người, trong đó khu vực miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại tử vong gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (10 ca); Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (trong đó, Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca).

"100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định"- TS Hoàng Minh Đức thông tin và cho biết có đến 43,8% người dân chủ quan cho rằng chó nhà cắn tại thời điểm chó đang bình thường nên không đi tiêm vaccine phòng dại.

Cũng theo TS Hoàng Minh Đức, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận hơn 143.000 người đi tiêm phòng dại. Trước đó, từ năm 2019-2023, trung bình ghi nhận từ hơn 387.000 - hơn 674.000 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại.

Số ca mắc bệnh dại tăng đột biến, người dân cần cảnh giác. Ảnh minh hoạ

Trước đó theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, từ tháng 2 đến nay, mỗi ngày đơn vị này tiêm cho hơn 240 lượt người. Chỉ hơn 2 tháng sau Tết Nguyên đán, đã có 5.300 lượt tiêm vaccine phòng dại được thực hiện tại đây, tăng hơn 1.000 lượt với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh viện này cũng đã tiếp nhận điều trị 7 ca mắc bệnh dại, tất cả đều ở các tỉnh, thành phố khác chuyển đến, chưa ghi nhận bệnh nhân mắc dại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cả 7 bệnh nhân được điều trị tại đây đều tiên lượng rất nặng, người nhà xin đưa về nhà và tử vong sau đó.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hơn 4.800 lượt tiêm vaccine phòng bệnh dại. Tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, đã có 19.552 lượt người trên địa bàn Thành phố đi tiêm vaccine phòng dại. Khảo sát tại các điểm tiêm phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh ghi nhận loài vật gây thương tích cho người chủ yếu là chó với 74,8%, tiếp đến là mèo 20,5%, dơi 0,2% và 4,6% là các loài vật khác; hơn 60% trường hợp là vết thương ở mức độ 3 (vết cắn sâu, xuyên qua da, gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên đây là bệnh có thể phòng ngừa được. Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay sau khi bị cắn, đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Việc tiêm vaccine phòng dại thực hiện càng sớm càng tốt. Người dân cần tuân thủ liệu trình số mũi tiêm theo hướng dẫn của nhân viên y tế; tuyệt đối không sử dụng thuốc Đông y hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế.

Trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người và động vật tại nhiều nơi, để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương: Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.

Đồng thời, đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 01 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.

Bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, xã hội trong công tác phòng chống bệnh dại.

Tuấn Minh (t/h)

Đọc toàn bộ bài viết