Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 16.887 ca mắc sốt xuất huyết, so với cùng kỳ năm 2023 số mắc giảm 1,6 lần; có 1 trường hợp tử vong, giảm 5 ca so với cùng kỳ. Số ca sốt xuất huyết giảm nhưng người dân không nên chủ quan.
TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, tuy vậy trong năm 2023 tuýp D2 chiếm 88,7%; năm 2024 tuýp D2 chiếm 70,7%.
Hằng năm, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường cao điểm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11. Tuy nhiên, vào những khoảng thời gian còn lại trong năm, trên toàn quốc vẫn ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có ca bệnh nặng, nguy kịch.
Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11). Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra.
Riêng Hà Nội, báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết TP ghi nhận gần 600 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023). Dịch sốt xuất huyết có xu hướng tăng khi vào mùa hè.
Các chuyên gia cho hay, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Do đó, đây là bệnh phải tập trung phòng, chống số một. Mặc dù số ca mắc giảm nhưng sốt xuất huyết có thể diễn biến đột ngột, gây nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu. Vì thế người dân không nên chủ quan và cần chủ động phòng, chống dịch.
Để phòng, chống sốt xuất huyết, người dân cần tiếp tục loại bỏ bọ gậy, tiêu diệt muỗi trưởng thành khi có ổ dịch nhỏ; khoanh vùng, cách ly điều trị bệnh nhân, nhất là diệt véc tơ; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, tổ chức phun diệt muỗi tại các ổ dịch, trong cơ sở y tế điều trị.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt, cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm máu, các bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.