Chất khử mùi và chất chống mồ hôi là hai sản phẩm được sử dụng phổ biến để giảm mùi cơ thể. Nhiều người sử dụng chất khử mùi và chất chống mồ hôi mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết sự khác biệt giữa những sản phẩm này.
Chất khử mùi và chất chống mồ hôi là gì?
Không ít người nghĩ rằng chất chống mồ hôi và chất khử mùi là một nhưng thực ra, hai sản phẩm này có nhiều điểm khác biệt.
Chất khử mùi làm giảm mùi hôi trong khi chất chống mồ hôi làm giảm lượng mồ hôi. Cả hai sản phẩm đều phát huy tác dụng tại chỗ và được sử dụng chủ yếu cho vùng dưới cánh tay. Đôi khi, chất khử mùi và chất chống mồ hôi được kết hợp trong cùng một sản phẩm.
Chất khử mùi được coi là mỹ phẩm nhưng chất chống mồ hôi được coi là một loại thuốc. Điều này có nghĩa là chất chống mồ hôi được kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Chất khử mùi giúp làm giảm mùi hôi theo hai cơ chế đó là chứa các thành phần kháng khuẩn giúp làm giảm số lượng vi khuẩn gây mùi và chứa hương liệu giúp át đi mùi cơ thể.
Trong khi đó, chất chống mồ hôi lại có cơ chế là bít các tuyến mồ hôi eccrine trong da (eccrine sweat gland) và ngăn cản sự tiết mồ hôi. Chất chống mồ hôi thường có chứa thành phần gốc nhôm.
Do lo ngại về tác hại của các thành phần như nhôm và paraben mà ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng các sản phẩm chứa thành phần tự nhiên. Tuy nhiên, cả chất chống mồ hôi và chất khử mùi đều đã được chứng minh tính an toàn khi sử dụng hàng ngày và không gây hại cho sức khỏe. Cả Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute) đều đã khẳng định rằng chất khử mùi và chất chống mồ hôi không làm tăng nguy cơ ung thư.
Lợi ích của chất khử mùi và chất chống mồ hôi
Lợi ích của chất khử mùi
Mồ hôi vốn không mùi nhưng khi bị vi khuẩn trên da phân hủy, mồ hôi có thể có mùi khó chịu và tạo ra mùi cơ thể. Mùi cơ thể không phải vấn đề hiếm gặp nhưng vẫn sẽ gây mất tự tin và ảnh hưởng đến việc giao tiếp hàng ngày.
Chất khử mùi giúp làm giảm mùi hôi trên cơ thể và ngoài ra còn tạo mùi thơm nhờ chứa hương liệu.
Chất khử mùi giúp những người có mùi cơ thể cảm thấy tự tin hơn và cải thiện giao tiếp xã hội. Khi sử dụng chất khử mùi trước khi chơi thể thao, bạn sẽ không còn phải lo lắng về mùi cơ thể khi ra nhiều mồ hôi và nhờ đó sẽ chơi tốt hơn.
Lợi ích của chất chống mồ hôi
Đổ mồ hôi là một hiện tượng sinh lý tự nhiên của cơ thể để điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, ra nhiều mồ hôi có thể gây xấu hổ, mặc cảm và cản trở nhiều công việc hàng ngày.
Chất chống mồ hôi giúp làm giảm sự tiết mồ hôi bằng cách bít các tuyến mồ hôi và khi không có nhiều mồ hôi, mùi cơ thể cũng sẽ giảm bớt.
Cần lưu ý rằng những tác dụng này chỉ là tạm thời và cần bôi lại thường xuyên để duy trì hiệu quả trong suốt cả ngày. Khi tắm, chất chống mồ hôi trên da sẽ bị rửa trôi và các tuyến mồ hôi lại hoạt động bình thường.
Tác hại của chất khử mùi và chất chống mồ hôi
Các nghiên cứu đã chứng minh chất khử mùi và chất chống mồ hôi không làm tăng nguy cơ ung thư như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên có một số vấn đề khác cần cân nhắc trước khi sử dụng chất chống mồ hôi và chất khử mùi. Những sản phẩm này có thể chứa hương liệu nên nếu bạn bị dị ứng với hương liệu thì phải đọc kỹ bảng thành phần khi chọn mua.
Sử dụng chất khử mùi hoặc chất chống mồ hôi có hương thơm có thể làm tăng nguy cơ bị viêm da tiếp xúc dị ứng (allergic contact dermatitis). Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất khử mùi và chất chống mồ hôi thuộc nhóm các sản phẩm gây dị ứng da phổ biến nhất.
Tuy nhiên, không phải chất khử mùi và chất chống mồ hôi nào cũng gây ra vấn đề này. Nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng tùy thuộc vào thành phần có trong sản phẩm. Do đó, điều quan trọng là phải đọc kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm khi mua và tránh các thành phần mà bản thân bị dị ứng.
Dưới đây là một số thành phần cần lưu ý trong chất khử mùi và chất chống mồ hôi.
- Triclosan: Chất kháng khuẩn này được sử dụng trong chất chống mồ hôi và chất khử mùi để tiêu diệt vi khuẩn gây mùi trên da. Tuy nhiên, triclosan có thể gây rối loạn nội tiết tố do hoạt động giống như các hormone tự nhiên trong cơ thể và cản trở tín hiệu hormone. Triclosan còn có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư vú. FDA đã cấm sử dụng triclosan trong xà phòng rửa tay nhưng thành phần này vẫn được dùng trong chất khử mùi hoặc chất chống mồ hôi, vì vậy nên cần phải đọc nhãn sản phẩm cẩn thận.
- Phthalate: Đây là nhóm hóa chất có mặt trong rất nhiều loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da, bao gồm cả chất khử mùi và chất chống mồ hôi. Phthalate giúp làm tăng tính linh hoạt của các thành phần khác và kéo dài tuổi thọ của hương liệu trong sản phẩm. Tuy nhiên, phthalate có thể làm xáo trộn hệ nội tiết, đặc biệt là ở nam giới. Các hóa chất này còn có thể dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em gái và làm tăng nguy cơ ung thư vú trong tương lai.
- Paraben: Paraben có vai trò là chất bảo quản giúp chất chống mồ hôi và chất khử mùi có hạn sử dụng lâu hơn. Tuy nhiên, paraben được hấp thụ dễ dàng qua da và có thể mô phỏng hoạt động của hormone estrogen trong cơ thể. Lượng paraben quá lớn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
- Hương liệu: Mùi thơm của các loại chất chống mồ hôi và chất khử mùi có thể được tạo nên từ hàng trăm thành phần khác nhau. Vì công thức tạo ra mùi hương của sản phẩm thường là độc quyền hoặc bí mật nên nhãn sản phẩm thường sẽ không liệt kê hết tên của các loại hương liệu. Nếu bạn dễ bị dị ứng với hương liệu thì tốt nhất nên tránh xa các loại chất chống mồ hôi và chất khử mùi có mùi thơm.
- Dietanolamin: Thành phần này còn có một cái tên khác là DEA và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Butan và isobutan: Đây là những loại khí giúp đẩy chất khử mùi dạng xịt ra khỏi chai. Butan và isobutan bị hạn chế ở một số quốc gia như Anh và Canada do có liên quan đến ung thư và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như là sự phát triển của bào thai. Tuy nhiên, một số quốc gia khác vẫn cho phép sử dụng butan và isobutan. Nếu lo ngại thì hãy tránh sử dụng chất khử mùi hay chất chống mồ hôi có chứa hai thành phần này.
- Nhôm: Kim loại này được sử dụng rất phổ biến trong chất chống mồ hôi để bít các ống dẫn mồ hôi trong da và ngăn mồ hôi chảy lên bề mặt da. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm có chứa nhôm có thể làm tăng nguy cơ đột biến gen ở cấp độ tế bào và tăng nguy cơ ung thư.