Các vùng phân bố mỡ trên cơ thể và sự tái lập tăng sinh tế bào mỡ mới, tăng kích thước tế bào mỡ còn sót lại sau hút mỡ
Các vùng phân bổ mỡ trên cơ thể
Mỡ xuất hiện khắp mọi nơi trên cơ thể, nó nằm ngay bên dưới da, bao bọc quanh nội tạng và nằm rải rác bên trong cơ. Đến nay ta biết mỡ có ba loại chính
- Mỡ trắng: có màu vàng hoặc màu trắng, với vai trò chính là dự trữ mỡ
- Mỡ nâu: sinh nhiệt khi cơ thể gặp lạnh
- Mỡ beige (màu be) – có biểu hiện của cả hai tế bào mỡ trên dù khác hoàn toàn về biểu hiện gen.
Các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ chủ yếu hướng đến mỡ trắng (màu vàng) nằm dưới da. Hút mỡ và phẫu thuật tạo hình thành bụng là 2 phương pháp phổ biến nhất giúp loại bỏ mỡ nhanh và hiệu quả. Ngoài ra hiện nay còn một số phương pháp giảm mỡ không xâm lấn như đông hủy mỡ Coolsculpting và nhiệt laser hủy mỡ Sculpsure.
Dựa theo vị trí mỡ trắng được chia làm hai loại: mỡ nội tạng và mỡ dưới da. Mỡ nội tạng nằm sâu bên trong khoang bụng, bao bọc và làm đệm đỡ cho các cơ quan nội tạng. Mỡ dưới da thì nằm khắp nơi trên cơ thể, ngay bên dưới da, bảo vệ cơ thể khỏi nóng lạnh của môi trường.
Một số vùng mỡ dưới da thường được xử lý bằng hút mỡ:
- Vùng bụng
- Vùng hông/eo
- Cuộn mỡ dưới áo Bra
- Nọng cằm
- Cánh tay
- Đùi
- Ngực phì đại do mỡ ở nam giới
Sau khi loại bỏ tế bào mỡ, cơ thể có sản sinh thêm tế bào mỡ mới không?
Mỡ được sản sinh ngay từ khi mới sinh ra để giữ ấm cho cơ thể, sau đó tăng dần về số lượng cũng như kích thước tế bào mỡ trong giai đoạn từ trẻ em đến thiếu niên. Đến khi trưởng thành, người ta nhận thấy tổng số lượng tế bào mỡ của một người là không đổi, cho dù là gầy hay béo. Mỗi năm, có khoảng 10% tổng số tế bào mỡ được thay mới đối với tất cả mọi người, nhưng tổng số tế bào mỡ vẫn ở mức không đổi.
Ta đã biết các biện pháp phẫu thuật loại bỏ mỡ sẽ xóa sổ vĩnh viễn phần mô mỡ được cắt bỏ/hút bỏ, tức là làm giảm tổng số lượng tế bào mỡ của cơ thể. Câu hỏi đặt ra là, nếu tổng lượng mỡ ở người trưởng thành không thay đổi qua các năm, thì sau phẫu thuật, cơ thể có tạo thêm tế bào mỡ mới để bù vào tế bào bị loại bỏ?
Các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được kết luận cụ thể về vấn đề này do những hạn chế khi thực hiện nghiên cứu ở người, cũng như chưa có nghiên cứu cụ thể nào cho chủ đề này. Mặc dù vậy, trên mô hình động vật, ta nhận thấy sau khi cắt bỏ mỡ, xu hướng chung là mỡ sẽ quay lại (ở bụng nhiều hơn ở bẹn/đùi). Trong đó khi lý giải sự gia tăng về khối lượng mỡ, đa số nghiên cứu thiên về lý do tăng kích thước của các tế bào mỡ sót lại, còn lý do tăng số lượng tế bào mỡ mới thì chưa được kết luận chắc chắn. Có một nghiên cứu trên mô hình động vật (chuột thí nghiệm - với chế độ ăn gây béo phì), sau khi thực hiện loại bỏ mỡ, các nhà nghiên cứu quan sát thấy có sự thay đổi về quá trình biệt hóa tế bào mỡ và tạo mỡ liên quan đến việc mọc lại các mô mỡ đã bị loại bỏ.
Ở người, một nghiên cứu với hai nhóm bệnh nhân có chế độ ăn uống/tập luyện bình thường (tập luyện ở mức trung bình tầm 5 ngày/tuần), một nhóm làm phẫu thuật loại bỏ mỡ, một nhóm là nhóm đối chứng. Kết quả cho thấy, hút mỡ làm giảm tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể cũng như tổng lượng mỡ trong 6 tuần đầu, tuy nhiên mỡ dẫn quay lại sau 6 tháng đến một năm, cho thấy không có gì khác biệt về tổng khối lượng mỡ cơ thể giữa nhóm hút mỡ và nhóm không hút mỡ .
Có các nghiên cứu khác cho thấy bệnh nhân duy trì mức cân loại bỏ được sau 6 tháng từ khi hút mỡ (3kg sau hút mỡ thể tích lớn, 4,6kg sau hút mỡ thể tích nhỏ), tuy nhiên đó là do bệnh nhân chủ động duy trì cân nặng qua ăn kiêng và tập luyện.
Tóm lại, xu hướng chung của cơ thể (cả ở người và động vật) là bù lại cho lượng mỡ đã bị mất, chủ yếu là thông qua tăng kích cỡ của tế bào mỡ còn lại, ngoài ra có thể có hiện tượng mọc bù tế bào mỡ đã bị cắt bỏ, tuy nhiên chưa có kết luận khoa học về việc này.
Tuy nhiên, ta biết rõ là với chế độ ăn kiêng và tập luyện hợp lý thì bệnh nhân có thể duy trì kết quả thẩm mỹ/cân nặng sau phẫu thuật. Chính vì vậy sau hút mỡ hoặc tạo hình thành bụng bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân duy trì chế độ ăn và tập luyện lành mạnh để giữ vóc dáng, tránh để mỡ tái lập.
Sau hút mỡ, có sự thay đổi về phân bố tế bào mỡ không?
Trong một nghiên cứu về mỡ cơ thể sau hút mỡ (đùi, hông, một số hút mỡ bụng dưới,..), người ta nhận thấy mỡ dần quay lại sau từ 6 tháng đến 1 năm và nó quay lại ở những khu vực cụ thể thay vì trên toàn cơ thể bệnh nhân. Kết quả này cũng trùng khớp với các nghiên cứu trên động vật, với việc mỡ có các vùng ưu tiên, ví dụ như vùng sau màng bụng nhiều hơn ở bẹn đùi.
Ở người, nghiên cứu trên chỉ ra, mỡ ưu tiên tích tụ ở bụng cho dù vùng có được hút mỡ hay không, cả trong khoang bụng (mỡ nội tạng) và dưới da (mỡ dưới da). Kết quả thẩm mỹ ở khu vực đùi/hông duy trì trong một năm, nhưng sau đó mỡ có tích tụ trở lại ở vùng này, mặc dù chậm nhưng vẫn có thể nhận ra được. Những khu vực không hút mỡ khác (cánh tay, dưới vai...) không bị ảnh hưởng nhiều bởi hiện tượng tái phân bổ mỡ, nhưng vẫn có thể quan sát được sự gia tăng mỡ ở những chỗ này.