Sụp mí do tiêm Botox thẩm mỹ

4 năm trước 20

Sụp mí do tiêm botox thẩm mỹ vùng mặt có thể khiến bệnh nhân có cảm giác nặng mí, hoặc thậm chí ảnh hưởng đến thị lực, tầm nhìn.

Sụp mí là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của quy trình tiêm botox hay các loại độc tố botulinum loại A khác như Dysport, Azzalure, Xeomin, Bocouture vv… Theo nghiên cứu tình trạng này xảy ra ở 5% bệnh nhân khi được điều trị bằng botox thẩm mỹ bởi một người không có kinh nghiệm. Khi một bác sĩ, chuyên gia thực hiện tiêm đúng kỹ thuật, thì tỉ lệ sụp mí sẽ giảm xuống dưới 1% các trường hợp.

Tình trạng, dấu hiệu sụp mí

501Bệnh nhân bị sụp mí sau tiêm botox vùng gian mày và vùng quanh mắt

Botox là chất điều biến thần kinh hoạt động bằng cách ngăn chặn các tín hiệu thần kinh đến cơ, qua đó sẽ khiến cơ bị suy yếu, giãn ra và giảm hoạt động. Do đó, khi người thực hiện tiêm không đúng kỹ thuật hoặc dùng liều lượng tiêm quá nhiều, botox sẽ làm tê liệt các khối cơ không chủ đích nhắm tới và gây ra các vấn đề không mong muốn, trong đó có cả sụp mí.

Với những bệnh nhân bị sụp mí sau tiêm botox, thì cảm giác vùng mí sẽ rất nặng nề, mí mắt hoặc da, mô ở mí trên sẽ xệ xuống làm che khuất tầm nhìn, khiến bệnh nhân lúc nào cũng phải cố gắng nhướng mày lên để giúp mắt mở to và nhìn rõ hơn. Việc trang điểm mắt cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều, bệnh nhân đôi khi sẽ phải kéo da mắt lên mới trang điểm được. Tình trạng sụp mí thường sẽ bắt đầu biểu hiện vào lúc 2 – 4 ngày sau tiêm, khi botox bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng sau 1 – 2 tuần sẽ trở nên rõ rệt hơn vì lúc này botox phát huy tối đa hiệu quả.

Các trường hợp có thể gây sụp mí và nguyên nhân

Sụp mí do botox thường xảy ra sau các quy trình điều trị nếp nhăn ở vùng mặt trên, cụ thể như xóa nếp nhăn trán, xóa nếp cau mày (nếp nhăn giữa hai đầu lông mày) và xóa nếp nhăn chân chim đuôi mắt.

500Bệnh nhân bị sụp mí sau tiêm 25 unit botox vào vùng trán và chân mày: A - 6 ngày sau tiêm; B - 4 tháng sau tiêm
  • Sụp mí do tiêm botox xóa nếp nhăn trán: Để xóa nếp nhăn trán, sẽ cần tiêm botox vào cơ trán. Đây chính là khối cơ có nhiệm vụ nâng lông mày và mí mắt. Do đó nếu tiêm ở vị trí quá thấp trên cơ trán hoặc tiêm liều quá cao sẽ khiến khối cơ này bị tê liệt hoàn toàn, dẫn đến xệ trán và không còn đảm nhận được chức năng nâng lông mày. Điều này dẫn đến sụp lông mày kéo theo sụp mí. Tình trạng này càng dễ xảy ra ở những người vốn đã có lông mày thấp, hoặc da thừa ở mí mắt trên nhiều và thường xuyên phải co cơ trán để kéo lông mày lên.
  • Sụp mí do tiêm botox xóa nếp cau mày: Trong trường hợp này, nguyên nhân dẫn đến sụp mí là do bác sĩ tiêm botox vào cơ cau mày nhưng ở vị trí quá sát chân mày, hoặc tiêm quá nhiều, quá nông vào khối cơ này khiến botox khuếch tán vào cơ nâng mi trên gây sụp mí. Hoặc cũng có thể xảy ra do khi tiêm vào vùng gian mày nhưng đặt mũi tiêm hướng quá gần về phía ổ mắt, khiến botox ảnh hưởng đến cơ nâng mi.
  • Sụp mí do tiêm botox xóa nếp nhăn chân chim: Mặc dù tiêm botox xóa nếp chân chim hiếm khi gây sụp mí vì vị trí tiêm để có thể gây sụp mí là nằm ở ngay phía trên phần giữa lông mày, cách rất xa vị trí tiêm botox để xóa nếp chân chim, nhưng vẫn có thể xảy ra nếu quy trình được thực hiện bởi người tiêm có kỹ thuật quá kém. Nguyên nhân là do tiêm quá gần rìa ổ mắt và mí mắt trên và/hoặc pha loãng botox quá mức khiến dung dịch tiêm vào lan đến cơ nâng mi gây sụp mí.

Phương pháp khắc phục khi bị sụp mí

Thường thì chỉ một phần botox được tiêm bị khuếch tán và làm suy yếu cơ nâng mi, do đó tình trạng sụp mí thường không kéo dài lâu như thời gian botox cho tác dụng (3 – 4 tháng) và trên thực tế có thể biến mất trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, nếu mí mắt bị sụp sớm ngay sau khi tiêm khoảng 3 – 4 ngày, thì có thể cơ nâng mi của bạn đã nhận được một lượng đáng kể botox và tình trạng sụp mí lúc này có thể kéo dài từ 1 – 2 tháng, thậm chí lâu hơn. Một lưu ý nhỏ nữa là, bạn có thể bị tăng nguy cơ sụp mí nếu bạn vốn có cơ mi trên bị suy yếu vì các lý do thần kinh hoặc có lông mày nằm ở vị trí thấp ngay từ đầu, điều này sẽ khiến lông mày dễ bị sụp và da sa xệ xuống mí mắt, kéo theo sụp mí. Trong quá trình tư vấn bác sĩ cần loại trừ cả hai vấn đề này để đảm bảo bạn phù hợp với phương pháp tiêm botox.

Khi mí mắt trên bị sụp do tiêm botox ngoài việc chờ botox hết tác dụng và mắt trở lại bình thường thì có thể áp dụng một số cách dưới đây để khắc phục tạm thời:

  • Xoa bóp, kích thích cơ: Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện các bài tập cơ bằng máy hoặc kích thích điện. Việc kích thích cơ như thế sẽ giúp rút ngắn thời gian sụp mí. Một phương pháp mà nhiều bác sĩ thường sử dụng nhất đó là dùng mặt sau của bàn chải đánh răng bằng điện, đặt lên cơ mí mỗi ngày vài phút.
  • Dùng thuốc nhỏ mắt: Trường hợp sụp mí nặng hơn gây ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt apraclonidine 0.5% (hay còn gọi là Iopidine) nhỏ 3 lần mỗi ngày và mỗi lần 1 – 2 giọt. Thuốc nhỏ mắt này sẽ tác động vào cơ muller – một trong những cơ nâng mi, khiến cơ nâng co lên khoảng 2mm khi bạn thức, và qua đó giúp mắt mở to hơn.

Cách giảm thiểu/ngăn ngừa nguy cơ sụp mí sau tiêm botox

Để tránh biến chứng sụp mí sau tiêm botox xóa nhăn, cả bác sĩ và bệnh nhân đều cần đảm bảo một số lưu ý dưới đây:

Về phía bác sĩ:

  • Khi tiêm điều trị nếp nhăn trán, vị trí tiêm cần đảm bảo nằm phía trên lông mày ít nhất từ 1,5 – 2cm (hoặc cách rìa ổ mắt trên ít nhất 2 – 3 cm) để tránh sụp lông mày, kéo theo sụp mí.
  • Ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc những người có lông mày thấp và vùng da giữa lông mày và mí mắt vốn đã lỏng lẻo chảy xệ, thì tốt nhất khi điều trị cơ trán chỉ nên tiêm ở 1/3 phía trên trán.
  • Khi tiêm điều trị nếp cau mày, vị trí tiêm phải luôn đảm bảo cao hơn lông mày ít nhất 1cm, không tiêm quá sát vào chân mày. Đồng thời khi tiêm phải dùng tay còn lại ấn vào bờ ổ mắt để giảm nguy cơ khuếch tán botox.
  • Khi tiêm xung quanh vùng gian mày/giữa hai bên lông mày, cần đảm bảo mũi tiêm hướng ra xa ổ mắt.
  • Khi tiêm điều trị nếp chân chim, tuyệt đối không tiêm quá gần rìa ổ mắt và mí mắt trên để tránh botox lan vào cơ nâng mi.

Về phía bệnh nhân:

  • Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần phải tìm được người tiêm có đủ trình độ và kinh nghiệm trong về tiêm botox vùng mặt.
  • Nói cho bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc giãn cơ, thuốc ngủ, thuốc/thực phẩm gây làm loãng máu hoặc thuốc dị ứng…
  • Sau khi tiêm tránh chà xát hoặc matxa vùng mặt trong ngày đầu tiêm, đồng thời tránh các hoạt động mạnh, tập thể dục, xông hơi, tập yoga nóng… Điều này giúp ngăn ngừa thuốc lan ra ngoài vùng được tiêm.

Tóm lại, chỉ cần bác sĩ hiểu rõ đặc điểm giải phẫu cơ xung quanh vùng điều trị và bệnh nhân tuần thủ các hướng dẫn sau tiêm thì nguy cơ sụp mí gần như không thể xảy ra.

Đọc toàn bộ bài viết