Thuyết trình là một kỹ năng mềm quan trọng cả khi bạn đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc đã bắt đầu ở môi trường công sở. Việc có một kỹ năng thuyết trình tốt sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong quá trình giao tiếp và trình bày ý kiến của bản thân. Từ đó mang đến kết quả tốt và nhiều cơ hội thăng tiến trong tương lai. Tìm hiểu ngay cách cải thiện kỹ năng thuyết trình một cách hiệu quả trong bài viết dưới đây!
I. Kỹ năng thuyết trình là gì?
1.1.Thuyết trình là gì?
Thuyết trình hiểu đơn giản là nói trước đám đông nhằm một hay nhiều mục đích nào đó. Đó là quá trình bạn trình bày một chủ đề, một ý tưởng hoặc cung cấp, truyền đạt một thông tin trước nhóm người mục tiêu nhằm truyền tải một thông điệp, thuyết phục, truyền cảm hứng hoặc gây ảnh hưởng đến tệp người nghe.
Thuyết trình được thực hiện thông qua việc sử dụng lời nói, ngôn ngữ hình thể, hình ảnh, âm thanh, video, biểu đồ, số liệu phân tích minh họa một cách trực quan để người nghe dễ dàng nắm bắt thông tin. Bên cạnh đó, việc rèn luyện một kỹ năng thuyết trình tự tin, thuần thục sẽ giúp người thuyết trình đạt được mục tiêu của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả.
1.2. Kỹ năng thuyết trình là gì?
Kỹ năng thuyết trình là khả năng truyền đạt tốt một thông điệp, thông tin hoặc một kiến thức đến với một nhóm người nghe xác định, từ đó đạt được hiệu quả thuyết trình một cách tối đa.
Kỹ năng thuyết trình bao gồm những khía cạnh cơ bản quan trọng dưới đây:
- Lập kế hoạch và chuẩn bị: Trước khi thuyết trình, việc lập kế hoạch cho bài diễn thuyết là vô cùng quan trọng. Điều này bao gồm: xác định mục tiêu, đối tượng khán giả, nghiên cứu chủ đề – nội dung và phương pháp trình bày phù hợp,…
- Nắm vững kiến thức chuyên môn: Bạn cần hiểu rõ về chủ đề thuyết trình, nắm vững các kiến thức và thông tin liên quan để có thể giải đáp những thắc mắc từ khán giả.
- Xác định và xây dựng cấu trúc bài diễn thuyết
- Sử dụng đồ họa phù hợp: Có thể bao gồm hình ảnh, biểu đồ, đồ thị, video, mini game, câu đố, slide… Điều này giúp tạo sự hấp dẫn và dễ hiểu cho khán giả.
- Kỹ năng giao tiếp: Một bài thuyết trình có lối dẫn dắt lôi cuốn, ngữ điệu nhấn nhả những phần quan trọng và sử dụng ngôn ngữ đơn giản sẽ giúp thu hút sự chú ý của khán giả.
- Thực hành và phong thái tự tin: Đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong kỹ năng thuyết trình. Nếu bạn chuẩn bị bài thuyết trình tốt mà không dành thời gian thực hành, luyện tập thì phần trăm thành công trong buổi thuyết trình của bạn chắc chắn sẽ giảm đi. Luyện tập thuyết trình trước khi diễn thuyết thực tế mang đến sự tự tin và chắc chắn trong lời nói của bạn.
- Tương tác với khán giả: Đặt câu hỏi, tương tác và lắng nghe phản hồi từ khán giả giúp sự kết nối giữa khán giả và bài thuyết trình tăng cao, mang lại những ấn tượng tích cực và hiệu quả. Kỹ năng thuyết trình không chỉ là trình bày cho xong một chủ đề, mà là cách bạn tạo ảnh hưởng và giao tiếp hiệu quả với khán giả thông qua bài thuyết trình của mình
1.3 Phân loại thuyết trình
Dựa vào mục tiêu của bài thuyết trình, người ta chia thuyết trình thành các loại dưới đây:
- Thuyết trình truyền đạt thông tin, ý tưởng cá nhân
- Thuyết trình thuyết phục, bảo vệ luận điểm cá nhân
- Thuyết trình truyền cảm hứng
Với từng dạng thuyết trình khác nhau, người thuyết trình cần vận dụng linh hoạt những yếu tố khác nhau trong kỹ năng thuyết trình để phù hợp với mục tiêu của bài thuyết trình và đạt được hiệu quả đã đề ra.
Xem thêm: Kỹ năng lắng nghe là gì? Phương pháp lắng nghe hiệu quả
II. Tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình
Kỹ năng thuyết trình tốt không chỉ đơn thuần là việc đứng trước đám đông, nói và hoàn thành mục tiêu của bài thuyết trình. Nó mang lại nhiều lợi ích hơn cho cá nhân và tổ chức. Một số lợi ích phải kể đến khi bạn có kỹ năng thuyết trình tốt là:
- Giao tiếp hiệu quả: Kỹ năng thuyết trình giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp trước đám đông. Bằng cách chuẩn bị và thực hiện một bài thuyết trình tốt, bạn sẽ tự tin hơn trong việc giao tiếp với người khác trong các tình huống khác nhau. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường công sở quốc tế, nơi có sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và phong cách làm việc.
- Nâng cao khả năng thuyết phục và truyền đạt ý tưởng: Kỹ năng thuyết trình giúp bạn học cách sử dụng ngôn từ và cử chỉ hiệu quả để truyền tải thông điệp của mình. Việc sử dụng các kỹ thuật thuyết phục như lập luận, ví dụ và minh họa, bạn có thể thuyết phục người nghe về quan điểm của mình.
- Tổ chức ý tưởng logic và quản lý thời gian hiệu quả: Kỹ năng thuyết trình yêu cầu bạn phải sắp xếp và tổ chức ý tưởng của mình một cách rõ ràng và logic. Điều này giúp bạn phát triển kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian hiệu quả. Nắm vững kỹ năng này sẽ hỗ trợ bạn không chỉ trong việc thuyết trình mà còn trong nhiều khía cạnh khác của đời sống.
- Khả năng nghiên cứu và học tập những kiến thức mới: Để có một bài thuyết trình tốt, bạn phải tìm hiểu kỹ càng về chủ đề của mình. Điều này giúp bạn phát triển kỹ năng nghiên cứu mở rộng của mình. Việc tìm hiểu sâu hơn về chủ đề mang lại cho bạn phong thái tự tin và đầy sức thuyết phục hơn.
- Tạo ấn tượng tích cực với khán giả: Một bài thuyết trình tốt có thể tạo ấn tượng tích cực với khán giả của bạn. Nó giúp bạn tăng cường uy tín và sự tôn trọng của mình trong mắt người nghe. Điều này đặc biệt quan trọng trong các tình huống như thuyết trình sản phẩm, dự án hoặc kế hoạch.
III. Tiêu chí đánh giá một buổi thuyết trình tốt
Một buổi thuyết trình tốt là một buổi thuyết trình mà người nói đạt được mục tiêu thuyết trình của mình, người nghe hiểu được nội dung và nhận được lợi ích từ bài thuyết trình đó. Phải kể đến các yếu tố cụ thể phía dưới đây:
- Nội dung chất lượng: Bài thuyết trình cần chứa nội dung cô đọng và hữu ích đối với người nghe. Hình ảnh, biểu đồ, video,… được kết hợp sử dụng linh hoạt để minh họa ý tưởng sao cho đơn giản và dễ hiểu nhất.
- Tổ chức bố cục hợp lý, khoa học: Buổi thuyết trình cần có cấu trúc, bố cục rõ ràng. Người trình bày phải sắp xếp thông tin một cách có logic và dễ hiểu. Chia thành các phần nhỏ, đặt ra các điểm chính để giúp người nghe theo dõi và hiểu rõ. Từ đó, giúp bạn quản lý thời gian thuyết trình theo kế hoạch, tránh lan man dài dòng gây ra nhàm chán.
- Giao tiếp xuất sắc – Truyền tải hiệu quả: Kiến thức xoay quanh chủ đề cần được nắm vững để có thể truyền tải một cách chính xác và thú vị. Đây là một phần vô cùng quan trọng trong kỹ năng thuyết trình. Sử dụng ngôn ngữ mạch lạc, mạnh mẽ và phù hợp với khán giả. Sự lưu loát trong nói và khả năng truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng, dễ hiểu là phần quan trọng trong kỹ năng thuyết trình.
- Tương tác với khán giả: Buổi thuyết trình xuất sắc là một buổi thuyết trình mà ở đó khán giả có nhiều cơ hội tham gia, đặt câu hỏi và thảo luận. Sự tương tác giữa người trình bày và khán giả là một yếu tố quan trọng tạo nên thành công của buổi thuyết trình
- Ứng phó tình huống hợp lý: Trong mọi buổi nói chuyện/ tương tác giữa người với người, sẽ luôn xảy ra những tình huống bất ngờ mà bạn không thể đoán trước được, trong các buổi thuyết trình cũng vậy. Nên việc có khả năng ứng phó, kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh nhạy sẽ giúp bài thuyết trình của bạn suôn sẻ và trọn vẹn hơn.
Xem thêm: Kỹ năng đặt câu hỏi: Vai trò và nguyên tắc đặt câu hỏi
IV. Cách giúp cải thiện kỹ năng thuyết trình
Không ai sinh ra mà đã có một kỹ năng thuyết trình tốt cả, những thành tựu mà người khác đạt được, thần thái thuyết trình tự tin tỏa ra ánh hào quang của một người mà bạn đang theo dõi phía trên sân khấu, đó là kết quả của sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, của sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cả của sự luyện tập, thực hành không ngừng nghỉ mà có được.
Vậy nên, trong chúng ta ai cũng có khả năng đạt được sự thành thạo ở kỹ năng thuyết trình của mình trong tương lai. Và cải thiện kỹ năng thuyết trình là một quá trình dài và liên tục đòi hỏi sự cố gắng và kiên trì, dưới đây là một vài cách đơn giản giúp bạn cải thiện kỹ năng thuyết trình hiện tại:
1. Chuẩn bị bài thuyết trình kỹ càng
Để có một buổi thuyết trình thành công, việc đầu tiên bạn cần làm chính là chuẩn bị bài thuyết trình thật kỹ càng. Bạn phải xây dựng nền móng vững chắc thì trong buổi thuyết trình bạn mới có thể thăng hoa, tự tin mà tỏa sáng. Đây cũng là điều đầu tiên bạn cần luyện tập để cải thiện kỹ năng thuyết trình của mình.
1.1. Xác định mục tiêu và đối tượng của buổi thuyết trình:
- Cần xác định rõ chủ đề, mục đích của buổi thuyết trình (thuyết phục, giáo dục, thông tin, v.v.)
- Hiểu rõ đối tượng mục tiêu, bao gồm cả nhu cầu của họ để xây dựng nội dung xoay quanh chủ đề cho phù phù hợp
1.2. Nghiên cứu kỹ càng về chủ đề:
- Hiểu rõ về chủ đề để xây dựng nội dung thuyết trình.
- Tìm kiếm, thu thập thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như sách, bài báo và nghiên cứu.
1.3. Sắp xếp nội dung có cấu trúc rõ ràng, theo trình tự thống nhất
- Xác định các phần chính của buổi thuyết trình (mở đầu, phân tích, kết luận), dẫn dắt người nghe nhẹ nhàng bước vào câu chuyện của buổi thuyết trình của bạn.
- Sắp xếp, phân chia thời gian hợp lý cho từng phần, tránh bị dẫn dắt lan man, gây tốn thời gian và nhàm chán cho người nghe.
1.4. Tạo slide hỗ trợ trình bày
- Tạo một slide thuyết trình rõ ràng, trực quan và phù hợp với chủ đề sẽ tạo ấn tượng rất tốt
- Sử dụng hình ảnh, biểu đồ, video một cách hợp lý, tránh việc sử dụng quá nhiều, gây rối mắt mà không thể hiện rõ được chủ đề, mục đích của bài nói
1.5. Tạo kịch bản và luyện tập:
- Tạo kịch bản cho buổi thuyết trình, xác định từng phần và lời nói.
- Làm quen với phương tiện trình bày và thiết bị.
- Luyện tập thuyết trình trước để biết được sự phân chia bố cục bài đã hợp lý hay chưa, nội dung đã gãy gọn, dễ hiểu hay còn lan man dông dài, có điểm nào gây khó hiểu cho người nghe, có phần nào thiếu luận điểm, luận cứ hay không,… Ngoài ra, luyện tập trước còn giúp bạn căn chỉnh thời gian thuyết trình từng phần sao cho hợp lý, hiệu quả.
- Kiểm tra thiết bị trình chiếu, máy chiếu, máy tính, remote, v.v.
2. Sử dụng ngôn ngữ hình thể
Ngôn ngữ hình thể (cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười, bước đi,…) là một công cụ hữu hiệu trong kỹ năng thuyết trình, nó làm người nghe chú ý hơn vào bài thuyết trình, giúp bài thuyết trình trở nên thu hút và “có hồn” hơn.
Những cử chỉ bàn tay linh hoạt, một ánh mắt tương tác hay một cái gật đầu khi nói sẽ giúp bạn tự tin hơn và kiểm soát được trạng thái của cơ thể khi thuyết trình, giúp bạn dễ dàng tạo sự kết nối với khán giả đang lắng nghe.
Lưu ý: Không nên lạm dụng cử chỉ tay (quơ tay liên tục gây rối mắt) hay ngôn ngữ cơ thể vì quá nhiều sẽ làm sao nhãng lời nói của bạn, nên giữ mọi thứ ở trạng thái vừa đủ.
3. Giọng nói rõ ràng, tốc độ nói vừa phải
Bạn cần diễn đạt rõ ràng, trong sáng, mạch lạc, dễ hiểu, cô đọng thông tin. Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, truyền cảm và dễ nhớ. Số lượng từ càng nhiều, càng phong phú, sinh động, giàu hình ảnh càng dễ gây ấn tượng, cảm xúc mạnh.
Người nói phải nắm được trình độ hiểu biết của người nghe, biết điều chỉnh cách nói cho phù hợp với trình độ và đặc điểm tâm lý của người nghe. Phong cách nói phải trí tuệ, khoa học và đôi khi phải pha lẫn sự hài hước. Khi cần, có thể nhắc lại những điểm chính yếu để gợi nhớ cho người nghe.
Tốc độ nói hoàn toàn phụ thuộc vào đối tượng đang nghe. Với đối tượng cao tuổi cần nói chậm, nhẹ nhàng nhưng thuyết trình trước hội trường toàn thanh niên cần hào hùng, hoành tráng mới thuyết phục. Vì vậy, khi thuyết trình phải luôn quan sát và đo được phản ứng của người nghe với cách trình bày của ta để điều chỉnh cho phù hợp.
Lời nói của chúng ta cần phù hợp với nội dung, hoàn cảnh và đối tượng. Tốc độ trình bày nhanh hoặc chậm sẽ ảnh hưởng đến sự chú ý của người nghe, nhưng chúng ta đừng nên tăng hay giảm tốc độ mà không có chủ ý. Kiểm soát được tốc độ nói sẽ giúp bạn cải thiện được chất lượng lời nói của mình.
4. Kết nối với thính giả
Một buổi thuyết trình thành công là buổi thuyết trình mà ở đó, khán giả hào hứng đặt câu hỏi thảo luận xoay quanh chủ đề thuyết trình, điều đó chứng tỏ họ thực sự chú ý theo dõi những gì bạn đang nói. Và khả năng kết nối với thính giả là một kỹ năng thuyết trình quan trọng mà bạn cần phải luyện tập nếu muốn tạo ra được một buổi thuyết trình thành công.
Kết nối với thính giả bằng cách nào? Bạn có thể lồng ghép chủ đề vào những câu chuyện, sau đó là những câu hỏi tương tác “có hoặc không”, hoặc tổ chức mini game ngắn thu hút tương tác của khán giả,… Trong quá trình thuyết trình, đừng quên giao lưu mắt hay đặt câu hỏi bất kỳ để thu hút sự chú ý từ người nghe.
V. Cách giải quyết nỗi sợ thuyết trình trước đám đông
1. Quan sát và học hỏi những người thuyết trình tốt
Một trong những cách nhanh nhất để ngày càng tốt lên trong một lĩnh vực hay một kỹ năng chính là quan sát và học hỏi từ những người đã làm tốt nó. Không nhất thiết là bạn phải copy y như đúc cách làm của những người thuyết trình tốt, cái bạn cần chính là quan sát cử chỉ, phong thái, giọng điệu của họ mỗi khi thuyết trình, học tập cách nhấn câu từ, cách đặt và giải quyết tình huống, cách ngắt nghỉ đúng chỗ,…
Học tập từ những người có kinh nghiệm và thực hành thường xuyên, sẽ giúp kỹ năng thuyết trình của bạn được cải thiện một cách đáng kể và nỗi sợ thuyết trình trước đám đông cũng từ đó mà biến mất thôi!
2. Thả lỏng cơ thể
Khi nỗi sợ lấn át, cơ thể bạn sẽ trở nên cứng đơ và khó kiểm soát. Hãy hít thở thật sâu, rồi thả lỏng cơ thể hoặc có thể uống một ngụm nước để điều chỉnh tâm trạng của mình dần trở nên thoải mái hơn. Trạng thái cơ thể thả lỏng sẽ mang đến sự thoải mái giúp bạn tự tin hơn khi trình bày bài nói của mình.
3. Tự tin vào bản thân
Sự tự tin bên trong sẽ bộc lộ thành thần thái bên ngoài. Khi bạn đặt niềm tin rằng bản thân là một người thuyết trình tốt, bạn sẽ hoàn thành tốt bài thuyết trình ngày hôm nay thì phong thái toát ra khi bản thuyết trình sẽ vô cùng cuốn hút, từ đó giúp bạn có một bài thuyết trình hiệu quả.
Để có được sự tự tin đó, bạn cần làm tốt ở khâu chuẩn bị và luyện tập trước đó đã. Từ đó, mới có cơ sở để bạn mạnh dạn đứng lên mà nói với mọi người về bài thuyết trình mà bạn đã chuẩn bị. Sự tự tin cần một quá trình dài để rèn luyện, không ai ngay từ đầu đã tốt hơn ai, chỉ có sự rèn luyện và chuẩn bị mới tạo nên sự tự tin ngày hôm nay mà thôi.
4. Xem khán giả là những người thân thiết
Tâm lý sợ nói trước mặt nhiều người lạ cũng là một trong những nguyên nhân của nỗi sợ thuyết trình trước đám đông. Bạn có thể tự nhiên trình bày câu chuyện, ý kiến của mình trước mặt bạn bè và những người thân thiết. Nhưng khi có sự hiện diện của những người xa lạ, bạn trở nên lúng túng gây nói vấp, nói không mạch lạc.
Bạn có thể cải thiện kỹ năng thuyết trình bằng cách xem những vị khán giả kia là những người bạn thân thiết luôn chăm chú lắng nghe bạn như hàng ngày. Thực ra, họ cũng chỉ là những người đang chuẩn bị lắng nghe những gì bạn nói, cần những thông tin mà bạn cung cấp mà thôi, họ không hề đáng sợ như bạn đã hình dung. Bằng cách tưởng tượng này, tâm lý bạn sẽ được thả lỏng và thoải mái hơn trong phần thuyết trình của mình.
5. Luyện tập thường xuyên cùng bạn bè
Như đã nói ở trên, muốn đạt đến trình độ thành thạo ở bất kỳ kỹ năng nào, bạn cũng cần luyện tập thường xuyên và đó là một quá trình dài. Nếu muốn cải thiện kỹ năng thuyết trình của mình và vượt qua nỗi sợ của bản thân, bạn có thể luyện tập thuyết trình thường xuyên trước mặt bạn bè. Điều đó giúp rèn luyện được giọng điệu, cử chỉ, phong thái tự tin và một tâm lý thoải mái mỗi khi bạn lên thuyết trình. Từ đó nâng cao kỹ năng thuyết trình của bản thân hiệu quả
Bạn đã tìm hiểu xong “Tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình và cách thức để có buổi thuyết trình hiệu quả”. Hy vọng bài viết trên giúp bạn hình dung và cải thiện được kỹ năng thuyết trình của mình, nhờ đó mang lại nhiều cơ hội việc làm và thăng tiến hơn trong tương lai.
Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc phù hợp, hãy tìm việc ngay tại website Vietlam.net. Những thông tin tuyển dụng luôn được cập nhật thường xuyên với mức lương hấp dẫn nhất. Đặc biệt, đừng quên tạo hồ sơ tìm việc để các nhà tuyển dụng liên hệ với bạn nhanh hơn khi họ có nhu cầu tuyển dụng nhé!
Có thể bạn quan tâm