Tâm sự của người “cầm cân nảy mực” trong các vụ án gia đình

4 năm trước 38

Nguyên tắc của người làm nghề

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Tòa án, về các thẩm phán, những người được “Nhân danh Nhà nước…”, tôi may mắn được trò chuyện với bà Đặng Thị Thanh, Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên – Hội Luật gia Việt Nam. Qua buổi chia sẻ quý báu, chúng tôi mới thấy được trách nhiệm vô cùng lớn lao và cũng không ít day dứt trong quá trình hoạt động của những người gánh trên vai trọng trách bảo vệ công lý.

Qua giọng kể trầm ấm, bà Thanh tâm sự nhân duyên với ngành Tòa án sau khi rời khỏi quân ngũ vào tháng 6/1976. Năm 1993, bà được bổ nhiệm là Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa. Sáu năm sau, bà được bổ nhiệm làm Phó Chánh tòa Hình sự TANDTC, tới tháng 12/2009 thì nghỉ hưu. Quá trình công tác, bà trực tiếp tham gia xét xử nhiều vụ án trong đó nhiều vụ bị cáo là người chưa thành niên, bị hại là trẻ em…

Bà Đặng Thị Thanh, Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên – Hội Luật gia Việt Nam.

Tâm sự đến đây, giọng bà Thanh có chút trùng xuống. Bà nói: “Sau mỗi lần xét xử, đặc biệt là những phiên tòa xử các vụ liên quan đến trẻ em, cảm nhận đầu tiên của tôi là mong không có những vụ án như thế này xảy ra, vì đằng sau mỗi vụ án để lại cho các bị hại hậu quả vô cùng lớn; bản thân kẻ phạm tội cũng phải nhận những hình phạt nặng nề. Đó là cánh cổng trại giam đối với bị cáo bị phạt tù, là những mặc cảm tội lỗi của người phạm tội, là sự đau khổ của những bậc cha mẹ vì con bị ngồi tù, là sự ám ảnh suốt cuộc đời của những người bị xâm hại tình dục (bị cưỡng dâm, hiếp dâm..), là sự bất hạnh của những đứa trẻ sau khi cha mẹ ly hôn…”.

Đây không chỉ là suy nghĩ riêng của bà Thanh mà là của nhiều người từng làm nghề “cầm cân nảy mực” như bà. Vì vậy, nguyên tắc làm việc bà Thanh tự đặt ra cho mình là phải xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật (các vụ án hình sự). Bên cạnh đó, khi ra bản án phải thấu tình đạt lý trong các vụ dân sự, hôn nhân gia đình (án ly hôn).

Người mang công lý đến với những đối tượng yếu thế

Hơn 30 năm trong nghề, bà Đặng Thị Thanh tâm sự đã cố gắng thực hiện mục tiêu của mình cũng như của ngành Tòa án đặt ra “tránh xử oan, hạn chế sai”.

Nhớ lại thời gian ngồi trên vị trí nhân danh Nhà nước để tuyên 1 bản án, có vụ án ly hôn khiến vị nữ thẩm phán chẳng thể nào quên.

Bà Thanh kể: Chị M. đơn phương ly hôn do không thể chịu đựng thêm được những trận đòn roi vô cớ từ người chồng vũ phu. Tòa quyết định cho vợ chồng chị M. ly hôn, tuyên bố trích trong khối tài sản gia đình chồng bồi thường cho người vợ một số tiền công sức duy trì bảo quản tài sản.

Đánh giá về vụ án, bà Thanh cho biết: Đây là vụ án ly hôn khó về đường lối giải quyết về tài sản mà HĐXX đã phải cân nhắc rất nhiều trước khi ra quyết định. Sau khi án tuyên xong, bà trở về với gia đình mà trong lòng vẫn không khỏi đau đáu về vụ án của chị M. Cùng lúc này, bà Thanh gặp lại chị M. cùng đứa con nhỏ, chị M. mắt ngấn lệ nói với bà: “Thưa tòa, mẹ con tôi không biết đi đâu về đâu”?!.

“Nhìn cháu bé thơ dại, còn chị ấy nước mắt lưng tròng, tôi không thể cầm lòng và câu nói của chị theo tôi mãi khi giải quyết các vụ án ly hôn. Đằng sau mỗi vụ án, mỗi vụ kiện, với những người làm công tác xét xử như chúng tôi đều có ít nhiều suy nghĩ day dứt về tâm trạng của người thua kiện trong các vụ dân sự, sự đau khổ của chị em phụ nữ, những người thiệt thòi nhất sau các vụ ly hôn. Vì vậy, đòi hỏi người thẩm phán luôn phải có trách nhiệm rất cao trước mỗi vụ án, mỗi sự việc”, bà Thanh tâm sự.

Từ khi nghỉ hưu đến nay, bà Thanh tiếp tục làm Phó Giám đốc công ty Luật. Từ năm 2013, bà làm Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên – Hội Luật gia Việt Nam nay là trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên. Với tâm huyết nghề nghiệp, bà Đặng Thị Thanh luôn mong muốn tiếp tục bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình bảo vệ cho trẻ em - đối tượng dễ bị xâm hại, đặc biệt trong vấn nạn xâm hại tình dục ngày một nhức nhối như hiện nay hay trong các vụ bạo hành gia đình đang ngày càng gia tăng, chưa kể tội phạm về người chưa thành niên cũng không giảm.

Bà Thanh cho biết, những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với hội Luật gia, hội Liên hiệp Phụ nữ, TAND các tỉnh và các cơ quan địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí tại nhiều địa phương cho hơn 1.000 đối tượng đặc thù là phụ nữ và trẻ em về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em theo luật Hôn nhân và Gia đình, luật Bảo vệ trẻ em, luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em và bảo vệ chứng cứ.

Hoạt động của Trung tâm được trải rộng khắp các xã vùng cao với chuyên đề “Tuyên truyền và tư vấn pháp luật tại cơ sở, đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tới phụ nữ, thanh thiếu niên vùng sâu,vùng xa thuộc các huyện của tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang...

Quan tâm đến các đối tượng yếu thế, các trẻ em vi phạm pháp luật, Trung tâm đã thực hiện tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho học sinh và giáo viên trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, TP.Hồ Chí Minh về kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; hoặc tuyên truyền phổ biến cho học viên trường Giáo dưỡng số 2 bộ Công an về chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, nhằm giúp họ cải tạo tốt nhanh chóng trở về với cộng đồng…

Hiện nay với cương vị Giám đốc Trung tâm, bà Đặng Thị Thanh luôn tâm niệm một điều, làm thế nào để bảo vệ được trẻ em - đối tượng dễ bị xâm hại, đặc biệt xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em đang ngày càng gia tăng.

“Đây cũng là tâm nguyện của tôi cũng như các thành viên, cộng tác viên trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên – Hội Luật gia Việt Nam, nhất là các chị em đã từng là những người mẹ, người bà và đều đã từng trải qua những năm tháng hoạt động ở các cơ quan pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án, bộ Tư pháp) nay đã nghỉ hưu vẫn say mê với sự nghiệp “Tất cả vì sự bình đẳng và phát triển của trẻ em””, bà Thanh cho hay.

Đọc toàn bộ bài viết