Tăng sắc tố da là tình trạng thường gặp, đặc biệt là đối với phụ nữ ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nơi có chỉ số UV cao với mùa Hè và nắng nóng kéo dài như Việt Nam. Nám là một trong những biểu hiện phổ biến của tăng sắc tố da và là vấn đề nan giải của nhiều phụ nữ. Hãy cùng ELLE tìm hiểu về chứng tăng sắc tố cùng những kiến thức hữu ích cho hành trình làm đẹp của bạn.
———
“Vẻ đẹp đích thực sẽ được khai mở khi bạn hiểu rõ làn da của mình. KHI ĐƯỢC Nuôi dưỡng và bảo vệ, làn da bạn sẽ rạng ngời sức sống” – Tiến sĩ Zein Obagi.
Tăng sắc tố da là gì?
Tăng sắc tố da (hyperpigmentation) là tình trạng thường gặp do sự tăng sản xuất melanin – chất tạo màu sắc tự nhiên của làn da. Tăng sắc tố có thể xuất hiện dưới dạng đốm hoặc mảng sẫm màu hơn các vùng da xung quanh, có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào, đặc biệt là những vùng da hay tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như khuôn mặt, cổ, vai, bàn tay…
Dấu hiệu da bị tăng sắc tố
Nám da
Nám da, biểu hiện phổ biến của chứng tăng sắc tố, thường xuất hiện ở nữ giới và không giới hạn độ tuổi. Theo một nghiên cứu đăng trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ 2023, phụ nữ có nguy cơ bị nám gấp 9 lần so với nam giới. Nguyên nhân hình thành nám da là do tia UV, rối loạn nội tiết tố, tác dụng phụ khi dùng thuốc, mang thai hoặc căng thẳng. Nám thường xuất hiện dưới dạng các mảng tối màu trên da mặt, đặc biệt là ở vùng trán, gò má và mũi.
Đốm mặt trời
Đốm mặt trời (sunspots) là các đốm sẫm màu xuất hiện trên các vùng hay thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng. Đốm mặt trời xuất hiện dưới dạng các đốm nhỏ lấm tấm trên da và có màu tối từ nhạt đến đậm. Không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, đốm mặt trời còn có thể là dấu hiệu của những bệnh da liễu nghiêm trọng hơn như ung thư da.
Thâm da
Thâm da, hay còn được gọi là chứng tăng sắc tố sau viêm (Post-inflammatory hyperpigmentation – PIH), xảy ra sau quá trình điều trị mụn viêm. Các nốt mụn thâm sẽ nhạt dần từ một đến ba tháng và thời gian này có thể được rút ngắn nếu bạn sử dụng những sản phẩm chăm sóc da chứa thành phần có khả năng làm sáng như Glycolic Acid, Azelaic Acid, Vitamin C…
Nguyên nhân của tình trạng tăng sắc tố da
Ánh nắng mặt trời
Làn da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chủ yếu gây nên chứng tăng sắc tố. Ánh nắng mặt trời kích thích tế bào da sản xuất melanin, sắc tố tự nhiên giúp bảo vệ da khỏi tác động có hại của tia UV. Tuy nhiên, việc tiếp xúc quá mức với ánh nắng có thể gây ra sự gia tăng sản xuất melanin, khiến da bị tăng sắc tố.
Thời gian và tần suất làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời càng kéo dài, chứng tăng sắc tố sẽ càng nghiêm trọng. Số lượng các đốm/mảng da sẫm màu sẽ tăng dần, vùng da bị tăng sắc tố trở nên đậm màu hơn, dẫn đến việc điều trị và phục hồi khó khăn hơn.
Nội tiết tố
Ảnh hưởng từ nội tiết tố là nguyên nhân phổ biến của nám da và đồi mồi. Tình trạng này phổ biến ở phụ nữ và thường xảy ra khi các hormone sinh dục gồm estrogen và progesterone kích thích sản xuất quá mức melanin khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mang thai hoặc tác dụng phụ từ thuốc.
Lão hóa
Khi da lão hóa, quá trình trao đổi chất trong tế bào da giảm đi, gây ra sự thay đổi về cấu trúc và chức năng của các melanocytes – những tế bào chịu trách nhiệm sản xuất melanin. Cụ thể, khi số lượng melanocytes giảm đi, các tế bào melanocytes còn lại trở nên thiếu ổn định và dễ bị tổn thương hơn. Điều này dẫn đến việc sản xuất melanin không đồng đều, khiến cho da dễ tăng sắc tố.
Cách phòng tránh tăng sắc tố da
Nguyên nhân hàng đầu của chứng tăng sắc tố là do tiếp xúc thường xuyên với tia UV. Vì vậy, sử dụng kem chống nắng phổ rộng SPF30+ trở lên và thoa lại sau mỗi 2 giờ là bước bắt buộc để bảo vệ làn da. Bên cạnh đó, bạn đừng quên che chắn cẩn thận với mũ, áo khoác, khẩu trang và hạn chế ra ngoài vào thời điểm nắng gắt.
Cách điều trị tăng sắc tố da
Khi da bị tăng sắc tố, việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đối với tình trạng nhẹ như thâm mụn, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng các sản phẩm chứa thành phần có khả năng làm sáng như Glycolic Acid, Azelaic Acid, Vitamin C, Niacinamide…
Tuy nhiên, với các trường hợp nặng hơn hoặc khi nguyên nhân của tình trạng tăng sắc tố da không đến từ ánh nắng mặt trời, bạn nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để được đánh giá toàn diện và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
ELLE gợi ý sản phẩm: