Tạo hình thành bụng mở rộng

3 năm trước 30

Tạo hình thành bụng mở rộng rạch vòng tròn quanh thân, căng da 360 độ, thắt cơ bụng, loại bỏ da mỡ thừa để vùng lưng-bụng thọn gọn và hài hòa hơn.

Tạo hình thành bụng mở rộng là thủ thuật cắt bỏ da thừa và căng da ở bụng-thắt lưng-ụ hông, thắt chặt cơ bụng xổ để làm thon gọn vùng thân giữa. Thủ thuật này có thể giúp bệnh nhân trở nên tự tin hơn, cũng như có động lực để bắt đầu một lối sống lành mạnh khi không còn phải chịu những bất tiện của hình thể quá khổ nữa.

Tạo hình thành bụng mở rộng là gì?

Tạo hình thành bụng có nhiều phiên bản, mỗi phiên bản sẽ phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Ví dụ như tạo hình thành bụng mini sẽ thích hợp với bệnh nhân muốn cắt bỏ da thừa và thắt cơ ở bụng dưới, còn tạo hình thành bụng toàn phần sẽ xử lý da-mỡ thừa ở toàn bộ bụng (cả vùng bụng trên và vùng bụng dưới). Đối tượng của tạo hình thành bụng mở rộng thì rộng hơn nữa. Ngoài vùng bụng, thủ thuật này sẽ xử lý thêm cả da-mỡ thừa ở ụ hông và mặt sau, vốn là hai vùng bị “bỏ quên” trong các phiên bản phẫu thuật thu gọn bụng khác.

Do phạm vi xử lý rộng hơn, nên tạo hình thành bụng mở rộng cũng cần một vết rạch dài hơn. Vết sẹo của nó có độ dài lớn nhất trong số các phiên bản tạo hình thành bụng.

Tóm lại, tạo hình thành bụng mở rộng là ca phẫu thuật thắt cơ bụng bị phân tách, cắt bỏ da thừa xung quanh thân mình (thắt lưng-ụ hông-bụng) và có thể kèm theo căng da vùng mông và vùng mu.

Đối tượng phù hợp làm tạo hình thành bụng mở rộng

Đa phần bệnh nhân làm tạo hình thành bụng mở rộng sẽ rơi vào nhóm thừa cân, béo phì. Những người có nhiều da và mỡ thừa ở hai bên ụ hông và mặt sau, hai nơi mà phương pháp tạo hình thành bụng tiêu chuẩn không cải thiện được. Trước khi làm phẫu thuật, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể ở lưng-bụng của bệnh nhân theo các tiêu chí như:

  • Số lượng và vị trí phân bổ mỡ trên cơ thể
  • Số lượng mỡ nội tạng (nằm bên dưới cơ bụng, nơi mà phẫu thuật thẩm mỹ không tiếp cận được).
  • Mức độ và vị trí vùng da chảy xệ. Da càng chảy xệ nhiều thì càng dễ kéo căng, tức là vết sẹo nằm càng thấp.
  • Độ dày của da. Da càng mỏng, sẹo liền càng mảnh.
  • Mức độ xổ của cơ bụng để tính toán bước thắt cơ.
  • Mức độ sa trễ của mông và vùng mu. Trong lúc làm tạo hình thành bụng mở rộng, các bác sĩ có thể tính toán để đồng thời cải thiện thẩm mỹ ở hai vùng này. Mục đích là tạo ra đường nét hài hòa cho cả cơ thể.
  • Vị trí rốn. Cần đảm bảo rốn cách mép vùng mu từ 10-13 cm.

Theo đó, bệnh nhân phù hợp với tạo hình thành bụng mở rộng là những người:

  • Có nhiều mỡ thừa, da thừa không chỉ ở bụng mà còn ở vùng mặt sau và ụ hông.
  • Cần làm căng da vùng mông, vùng mu.

Ngoài ra bệnh nhân cần là người khỏe mạnh nói chung, không hút thuốc, lạm dụng chất kích thích. Bệnh nhân béo phì cần duy trì mức cân nặng ổn định ít nhất 6 tháng trước khi có thể làm phẫu thuật.

Những người có mức cân nặng lớn mà giảm cân đột ngột, khiến cơ thể có một lượng da thừa lớn, cũng có thể áp dụng phương pháp tạo hình thành bụng mở rộng. Lượng da thừa lớn treo lủng lẳng quanh người không chỉ mất thẩm mỹ, mà còn gây bất tiện trong sinh hoạt, gây khó khăn trong việc vệ sinh thân thể, dẫn đến ngứa ngáy, phồng rộp, các bệnh ngoài da... Phẫu thuật cắt bỏ da thừa và làm căng da thông qua tạo hình thành bụng mở rộng sẽ giúp họ có cơ hội thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn.

Vết sẹo của tạo hình thành bụng mở rộng

Không phải lúc nào tạo hình thành bụng mở rộng cũng xử lý cả ba vùng thắt lưng-bụng-ụ hông một lúc. Tùy vào tình trạng của từng cá nhân và mức độ cần chỉnh sửa, mà vết rạch của tạo hình thành bụng mở rộng sẽ có độ dài khác nhau. Quy tắc chung là càng cần cắt bỏ nhiều da thừa, thì càng cần đường rạch mổ dài.

Ở những bệnh nhân có mức độ da chảy xệ và mỡ thừa vừa phải ở hông, bác sĩ có thể mở rộng đường rạch tạo hình thành bụng toàn phần ra sau lưng, nhưng chưa chạm đến chính giữa lưng. Vết sẹo vòng qua sau lưng này sẽ giúp cải thiện hông – bụng ở mức vừa phải và được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân không cần hoặc từ chối cải thiện vùng mặt sau.

Với bệnh nhân cần cải thiện 360 độ, tức là cắt bỏ da-mỡ dư thừa ở thắt lưng- bụng, thì vết rạch sẽ chạy ngang vùng mép trên vùng mu và vòng ra sau lưng, tạo thành một đường rạch nối tiếp. Vết sẹo sau phẫu thuật trông sẽ giống một vòng tròn bao quanh thân người.

Mục tiêu của tạo hình thành bụng mở rộng

Nhìn chung, tạo hình thành bụng mở rộng được thực hiện với mục đích là loại bỏ các cuộn mỡ, da thừa chảy xệ nhiều nhất có thể ở khu vực lưng bụng; thu gọn số đo vòng hai nhờ thắt cơ xổ bụng; nâng phần mông-mu, có thể là cả má đùi ngoài, nếu bị chảy xệ. Cuối cùng, vùng thân giữa (lưng và bụng) của bệnh nhân sẽ gọn gàng hơn trước khi phẫu thuật.

Bệnh nhân nên coi thủ thuật này như một cơ hội để đạt được đường nét chung hài hòa hơn, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống và lấy đó làm động lực để thay đổi lối sống cho lành mạnh hơn. Sau phẫu thuật, một chế độ ăn uống điều độ kết hợp tập luyện chăm chỉ sẽ vừa giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân, vừa giúp cơ thể mới của họ cải thiện hơn và đẹp hơn nữa.

Ưu và nhược điểm của tạo hình thành bụng mở rộng

Ưu điểm

  • Kết quả đẹp, tỉ lệ thành công cao. Bệnh nhân phù hợp với thủ thuật này đa phần rất hài lòng với kết quả.
  • Do đường rạch dài, nên có thể căng da hai bên hông mà không cần tới vết sẹo dọc.
  • Thời gian hồi phục không khác mấy so với các ca tạo hình thành bụng tiêu chuẩn, tuy nhiên cũng tùy vào từng ca cụ thể.

Nhược điểm

  • Sẹo dài, khó che.
  • Ca phẫu thuật có độ xâm lấn cao, cộng thêm đối tượng làm phẫu thuật thường là những người có lớp mỡ dày, khiến họ dễ gặp biến chứng và quá trình hồi phục của họ cũng phức tạp hơn.

Quy trình thực hiện phẫu thuật

Trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm và kiểm tra để xác định tình trạng sức khỏe nói chung, xu hướng đông máu, các loại bệnh nền...

Một khi đã bắt đầu phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây tê, gây mê thích hợp, cộng thêm công đoạn đánh dấu trước khi mổ.

Tạo hình thành hụng mở rộng thường bắt đầu ở mặt sau, rồi kết thúc ở mặt trước. Tuy nhiên, tùy vào thói quen của bác sĩ mà trình tự có thể thay đổi. Kết quả phẫu thuật không có gì khác biệt, cho dù thứ tự cách bước như thế nào.

Với mặt trước, bác sĩ sẽ thực hiện các bước như tạo hình thành bụng tiêu chuẩn, có thể kèm theo hút mỡ hoặc không. Trước hết bác sĩ sẽ rạch một đường ngang, nằm sát mép trên của vùng mu. Sau đó, vạt da sẽ được bóc tách lên đến mỏm mũi kiếm, khi gặp rốn thì rạch quanh rốn để tiếp tục bóc tách đến điểm đã định. Với tạo hình thành bụng mở rộng, bác sĩ sẽ bóc tách da ở hai bên bụng cao hơn một chút so với tiêu chuẩn, để có thể loại bỏ nhiều da thừa ở hai bên hơn. Bác sĩ sẽ tiếp tục với công đoạn chữa cơ bụng xổ bằng cách khâu hai khối cơ bị phân tách với nhiều lớp chỉ khâu. Một khi đã hài lòng với mức độ chỉnh sửa, bác sĩ sẽ kéo vạt da xuống dưới, cắt bỏ phần da thừa và khâu đóng vết mổ. Vị trí rốn mới sẽ được đánh dấu khi kéo vạt da xuống. Bác sĩ rạch một lỗ kích thước vừa đủ ở chỗ đó, lôi rốn từ dưới vạt da lên trên, sau đó khâu cố định rốn vào vị trí mới trên vạt da bụng. Công đoạn hoàn thành với việc khâu kín vết mổ dưới và đặt ống dẫn lưu.

Bệnh nhân sau đó sẽ được đội ngũ phẫu thuật lật ngược lại để tiến hành phẫu thuật mặt sau. Với mặt sau, hướng kéo da sẽ là từ dưới lên, thay vì từ trên xuống như với mặt trước. Mặt sau sẽ được đánh dấu với hai đường vẽ; một đường nằm ở vùng thắt lưng, ngang với đường rạch thấp ở mặt trước; một đường còn lại nằm thấp hơn ở dưới mông. Bác sĩ sẽ rạch mổ ở đường phía trên, sau đó bóc tách từ đường trên xuống đường dưới, nâng vạt da dưới khỏi lớp mạc cơ. Sau đó, bác sĩ kéo vạt da đã được bóc tách lên trên, thực hiện nhiệm vụ căng da mông, má đùi ngoài, má đùi trước. Kết thúc với việc khâu đóng vết mổ và đặt ống dẫn lưu.

Trong một số trường hợp, cần bóc tách vạt da bên trên (ở sau lưng) để loại bỏ hoặc làm giảm bớt các cuộn mỡ lưng, nhưng phương án này sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ bị tụ dịch nên cần tránh hết mức có thể.

Kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được băng bó. Rất nhiều bác sĩ làm tạo hình thành bụng mở rộng không cho bệnh nhân mặc đồ bó định hình, gen nịt, băng ép ngay sau phẫu thuật. Họ thường chờ khoảng 5-7 ngày sau rồi mới để bệnh nhân mặc đồ bó định hình. Lý do là vì thủ thuật này bóc tách da rất nhiều, nên rủi ro thiếu máu cung cấp đến vạt da sau phẫu thuật tăng cao hơn. Tuy nhiên cũng có những bác sĩ có phong cách làm việc khác, họ tin rằng nên để bệnh nhân mặc đồ nịt ôm khít vừa phải để hạn chế tối đa tụ dịch sau phẫu thuật. Bệnh nhân nên nghe theo và phối với bác sĩ phẫu thuật của mình.

Thời gian hồi phục sau phẫu thuật

Bệnh nhân sau khi làm phẫu thuật sẽ được theo dõi tại bệnh viện trong 3-5 ngày. Sau khi được cho xuất viện, bệnh nhân vẫn cần nghỉ ngơi trong 1-2 tuần, hoặc tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân sẽ hồi phục mỗi ngày sau phẫu thuật. Sau khoảng 2-4 tuần, đa số bệnh nhân đã có thể quay lại làm công việc bàn giấy và những việc nhà đơn giản. Việc vận động, ăn uống và nghỉ ngơi theo đúng lời dặn của bác sĩ sẽ giúp quá trình hồi phục sau đó diễn ra suôn sẻ hơn. Bệnh nhân sẽ nhìn thấy kết quả cuối cùng sau khoảng 4-6 tháng, tuy nhiên có những trường hợp cần tận 1 năm mới hồi phục hoàn toàn.

Những tuần đầu sau hồi phục là khó khăn nhất, nhưng bạn sẽ được kê thuốc giảm đau, kháng sinh và bạn cũng nên tìm một ai đó để hỗ trợ bạn trong giai đoạn khó khăn này. Càng về sau, các vấn đề hậu phẫu như sưng nề, bầm tím và đau sẽ càng giảm nhẹ. Phần lớn trường hợp, bệnh nhân chỉ cần chờ đợi và thời gian sẽ giúp cơ thể chữa lành mọi thứ. Quan trọng là trong quá trình hồi phục, bạn cần liên tục theo dõi và thông báo cho bác sĩ biết về những dấu hiệu bất thường sau phẫu thuật để được hướng dẫn và điều trị nếu cần thiết.

Những biến chứng có thể gặp phải

Những biến chứng phổ biến như sưng nề, bầm tím, đau gần như sẽ luôn xảy ra sau phẫu thuật, đặc biệt là sưng nề. Cơn đau của tạo hình thành bụng khá đáng kể, nhất là những ngày đầu. Nhưng khi đó bạn vẫn sẽ được hỗ trợ từ thuốc giảm đau, cộng thêm tác dụng còn lại của gây tê trong quá trình làm phẫu thuật, nên cơn đau sẽ nằm trong mức kiểm soát được. Sưng nề và bầm tím sẽ tự khỏi mà không cần tác động gì, nhưng việc mặc gen nịt, hoặc quấn băng ép đều đặn sẽ giúp bạn kiểm soát mức độ sưng, bầm tím.

Những biến chứng nặng hơn có thể kể đến như:

  • Tụ dịch, tụ máu: là những ổ dịch bất thường trong cơ thể, thường nằm dưới da. Ổ tụ dịch thường nằm dưới da, mềm, ấn vào thì có tính chất như bóng nước. Ổ tụ máu thường cứng hơn.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng có nhiều nguyên nhân, do ổ tụ dịch bị nhiễm trùng, nhiễm trùng vết mổ, viêm mô bào... Biểu hiện chung là tăng nhiệt độ, sốt, đỏ tấy, đau...
  • Hoại tử da: do cung cấp không đủ máu đến vạt da, có thể là vì nhiễm trùng chuyển biến nặng hoặc do hút thuốc lá...
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu: cục máu đông trong tĩnh mạch sâu dưới chân, do yếu tố di chuyền và bất động trong thời gian dài trong và sau phẫu thuật. Đây là lý do bệnh nhân nên đi lại sớm và thường xuyên sau phẫu thuật. Cục máu đông có thể vỡ ra và chạy theo mạch máu vào phổi hoặc tim, gây nguy hiểm chết người. Biểu hiện thường là sưng, đau bất thường ở bắp chân của một bên chân.

Bệnh nhân cần tuân thủ mọi chỉ dẫn của bác sĩ để giảm nguy cơ gặp biến chứng đến tối đa. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên theo dõi tình trạng của mình thường xuyên, trao đổi với bác sĩ để nắm biết những dấu hiệu bất thường và báo ngay cho bác sĩ khi phát hiện những dấu hiệu đó. Can thiệp điều trị sớm sẽ ngăn các triệu chứng chuyển biến nặng hơn và đảm bảo kết quả thẩm mỹ sau phẫu thuật.

Những điều bệnh nhân nên làm trước và sau phẫu thuật

Trong các buổi tư vấn trước phẫu thuật, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để biết cụ thể mình nên và không nên làm những gì trước và sau phẫu thuật.

Trước phẫu thuật:

  • Ngừng hút thuốc và tránh khói thuốc (trong bao lâu sẽ tùy vào quy định của mỗi bác sĩ).
  • Tránh một số loại thuốc và thực phẩm chức năng: aspirin, thực phẩm chức năng chứa tỏi, vitamin E liều cao...
  • Duy trì lối sinh hoạt điều độ, duy trì mức cân nặng ổn định.

Sau phẫu thuật bệnh nhân nên:

  • Cố gắng đi lại sớm ngay khi được bác sĩ cho phép. Chỉ cần đi lại nhẹ nhàng, có người dìu đỡ, trong một quãng đường ngắn. Tăng dần mức độ hoạt động nhẹ nhàng sau phẫu thuật.
  • Uống đủ thuốc được kê, làm theo chỉ dẫn mà bác sĩ đã đưa ra.
  • Không mang vác đồ nặng, không vận động quá mạnh bạo trong giai đoạn đầu, không vặn duỗi mình hay làm những động tác là căng kéo vết mổ.
  • Không tập thể dục trước khi được bác sĩ cho phép, cần tham khảo bác sĩ về mức độ nặng nhẹ của bài tập.
  • Ăn uống đầy đủ, không ăn kiêng, ăn nhiều protein, hạn chế muối, uống nhiều nước.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ
  • Tránh khói thuốc (trong bao lâu sẽ tùy vào quy định của mỗi bác sĩ).
  • Đi tái khám đầy đủ.
Đọc toàn bộ bài viết