Tạo hình thành bụng toàn phần (tiêu chuẩn)

3 năm trước 25

Tạo hình thành bụng toàn phần cắt bỏ da thừa, mỡ thừa, khâu thắt chặt cơ bụng giúp thu gọn và làm phẳng mịn thành bụng (bụng trên và bụng dưới).

Tạo hình thành bụng toàn phần (còn gọi là tạo hình thành bụng tiêu chuẩn, tạo hình bụng toàn bộ) là phương pháp phẫu thuật tạo hình thành bụng phổ biến nhất, với khả năng xử lý nhiều vấn đề về đường nét, chất lượng da và cả độ săn chắc cơ bụng cho chị em phụ nữ. Tạo hình thành bụng tiêu chuẩn là một công cụ mạnh mẽ, giúp phụ nữ có được vóc dáng gọn gàng mà họ đã đánh mất qua thời gian và/hoặc quá trình mang thai.

Tạo hình thành bụng toàn phần là gì?

Tạo hình thành bụng toàn phần là kỹ thuật sẽ tác động lên da và cơ trên phạm vi toàn bộ bụng, tức là cả bụng trên và bụng dưới. Bác sĩ sẽ rạch một đường dài gần mép mu, giải phóng rốn, nhấc toàn bộ lớp da và mỡ khỏi cơ (tính từ mép mu lên đến mép dưới xương sườn), thắt cơ bụng lỏng lẻo, cắt bỏ da vùng bụng dưới, kéo da bụng trên xuống giúp làm căng da, tạo lỗ rốn mới, sau đó khâu tất cả lại. Toàn bộ những thao tác trên là phương pháp tạo hình thành bụng tiêu chuẩn.

Phương pháp này giúp bệnh nhân:

  • Loại bỏ những khiếm khuyết ở vùng bụng dưới (rạn da, da chảy xệ, mỡ bụng dưới, sẹo bụng dưới...).
  • Thu gọn vòng bụng nhờ thắt hai khối cơ bụng bị xổ lại với nhau.
  • Làm căng da bụng.
  • Có thể cải thiện đau lưng hoặc các vấn đề về tiêu hóa, bí tiểu... trong trường hợp mỡ phân bổ quá nhiều ở bụng khiến cột sống gặp áp lực gây đau lưng và chèn ép vào nội tạng gây ra các vấn đề về tiêu hóa.

Đặc điểm của tạo hình thành bụng toàn phần là:

  • Vết sẹo dài, nằm sát mép vùng mu, chạy từ hông này sang hông kia. Có thể có thêm sẹo ở rốn.
  • Cắt bỏ toàn bộ lớp da-mỡ từ rốn đến mu và kéo da từ vị trí rốn cũ xuống mu
  • Thắt toàn bộ cơ bụng, từ mép dưới xương ức xuống đến mép trên mu.

Ưu điểm và nhược điểm của tạo hình thành bụng toàn phần

Ưu điểm

  • Khả năng thành công cao, kết quả đẹp.
  • Kết quả tồn tại vĩnh viễn, trừ khi có các tác động tiêu cực (mang thai lần nữa, cân nặng tăng vọt trong thời gian ngắn, va chạm mạnh làm đứt chỉ thắt cơ... Cần lưu ý, không phải lúc nào mang thai sau tạo hình thành bụng cũng làm mất kết quả thẩm mỹ)
  • Chữa được tách cơ bụng, nguyên nhân là tăng kích thước vòng hai mà thủ thuật khác như hút mỡ, các phương pháp không xâm lấn hay tập thể hình không thể khắc phục được.
  • Sẹo nằm thấp, dễ giấu dưới cạp quần.
  • Ngoài thu gọn bụng, còn làm đẹp vòng hai nhờ tác dụng căng da bụng và loại bỏ hoàn toàn các khuyết điểm vốn có ở bụng dưới.

Nhược điểm

  • Thời gian hồi phục lâu. Bạn có thể phải nghỉ làm từ 1-2 tuần. Quá trình hồi phục hoàn toàn có thể kéo dài 2-6 tháng, thậm chí 1 năm.
  • Phải chấp nhận rủi ro. Mặc dù thực tế và nghiên cứu đã chứng minh đây là một thủ thuật an toàn, nhưng bạn hoàn toàn có thể gặp các vấn đề xấu trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật. Biến chứng sau phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn phần có thể từ nhẹ (sưng nề, bầm tím...) đến nặng (nhiễm trùng, hoại tử...). Số ca tử vong rất ít (theo nghiên cứu tỉ lệ tử vong là 0,02%-0,16%).
  • Quá trình hồi phục có thể không nhẹ nhàng. Tùy vào thể trạng từng người, có người hồi phục nhanh chóng và khá nhẹ nhàng sau tạo hình thành bụng. Nhưng có những người mất rất lâu mới có thể thấy thoải mái. Việc không thể đứng thẳng, bị đau, khó tìm được tư thế để thư giãn... là những điều dễ gặp phải trong quá trình hồi phục. Chưa kể có khả năng bạn sẽ phải đối đầu với các biến chứng. Tuy nhiên, với những biện pháp an toàn chắc chắn sẽ được áp dụng trước-trong-sau phẫu thuật, cùng những chỉ dẫn hậu phẫu của bác sĩ, thì đa phần bệnh nhân sẽ có một quá trình hồi phục suôn sẻ và có được vòng bụng như ý muốn.

Đối tượng phù hợp với tạo hình thành bụng toàn phần

Bệnh nhân muốn làm đẹp bằng phẫu thuật tạo hình thành bụng, cần đáp ứng những tiêu chí như:

  • Chất lượng da kém. Bệnh nhân có nhiều da thừa, da chảy xệ thì mới có thể kéo căng da từ trên xuống khi làm căng da bụng. Bệnh nhân với làn da săn chắc, hoặc chỉ chảy xệ rất ít, thì có thể cân nhắc làm hút mỡ hoặc các biện pháp khác đều được.
  • Cơ bụng bị phân tách toàn bộ. Bệnh nhân làm tạo hình không bắt buộc phải là người bị tách cơ bụng, tuy nhiên, nếu bạn muốn thu gọn bụng mà bị tách cơ, thì chỉ có các biến thể của tạo hình thành bụng mới có thể giúp được bạn. Tạo hình thành bụng toàn phần sẽ chữa cơ bụng bị phân tách từ trên xuống dưới, còn nếu chỉ bị tách cơ bụng dưới thì có thể cân nhắc tạo hình thành bụng mini.
  • Mỡ dưới da dày. Bệnh nhân nhiều mỡ dưới da với chất lượng da kém thường rất phù hợp với tạo hình thành bụng toàn phần, tuy nhiên nếu xác định mỡ bụng của bạn nằm chủ yếu quanh nội tạng, bên dưới cơ, thì bạn chỉ có thể thu gọn bụng thông qua tập luyện và ăn kiêng.
  • Bệnh nhân béo phì cần có mức cân nặng ổn định trong khoảng 6 tháng trước phẫu thuật và cần duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh sau phẫu thuật.
  • Với bệnh nhân nữ thì nên chọn làm căng da bụng toàn phần khi đã quyết định sẽ không sinh thêm con nữa.

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được khám và xét nghiệm trước khi làm phẫu thuật để đảm bảo họ có sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền hoặc những yếu tố bất lợi như dễ bị đông máu, chậm lành thương... Bệnh nhân càng khỏe mạnh và ổn định trước phẫu thuật, thì kết quả họ nhận được càng tối ưu.

Những bệnh nhân có sức khỏe kém bao gồm bệnh tim phổi nặng, xơ gan và bệnh tiểu đường không kiểm soát được... sẽ không phù hợp làm thủ thuật này. Hút thuốc sẽ gây nhiều bất lợi, vì nó ngăn khả năng cung cấp máu để nuôi vạt da sau phẫu thuật. Nhiều bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay coi hút thuốc lá là một tiêu chí loại trừ bệnh nhân đối với thủ thuật này.

Để biết chắc chắn mình có phù hợp làm tạo hình thành bụng toàn phần hay không, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để được khám trực tiếp và xin ý kiến chuyên môn.

Sẹo tạo hình thành bụng tiêu chuẩn

Tạo hình thành bụng toàn phần có một vết sẹo dài đặc trưng. Với mục đích cắt bỏ hoàn toàn da thừa ở vùng bụng dưới, bác sĩ phải rạch một đường dài, hơi cong cong như miệng cười, bắt đầu từ hông bên này kéo sang hông bên kia. Vết sẹo khi lành sẽ nằm sát mép vùng mu và dễ dàng được che lại bởi mép quần lót hoặc cạp quần. Ngoài vết sẹo ngang này, bệnh nhân còn có một vết sẹo vòng quanh rốn, do cần tạo rốn mới khi kéo căng da. Vết sẹo này thường được các bác sĩ chú ý xử lý sao cho ít lộ nhất có thể, không nhiều bệnh nhân phàn nàn về vết sẹo này.

So với các phiên bản tạo hình thành bụng khác (tạo hình thành bụng mini và tạo hình thành bụng mở rộng), vết sẹo ngang của tạo hình thành bụng tiêu chuẩn có độ dài trung bình. Sẹo tạo hình thành bụng mini là ngắn nhất, thường chỉ dài bằng hoặc dài hơn độ dài mép trên vùng mu một chút. Còn sẹo tạo hình thành bụng mở rộng sẽ kéo dài cả ra sau lưng và là đường sẹo dài nhất trong cả ba phiên bản. Theo nguyên tắc, rạch càng dài càng xử lý được nhiều da thừa, nên trong một số trường hợp vết sẹo dài là hoàn toàn đáng để đổi lại vòng hai thon gọn và phẳng mịn. Trong cả ba phiên bản, chỉ tạo hình thành bụng mini là không có sẹo quanh rốn.

Lưu ý là trên thực tế, tùy vào ca bệnh cụ thể mà độ dài vết sẹo sẽ thay đổi. Ví dụ, đôi khi tạo hình thành bụng mini có thể cho vết sẹo dài như tạo hình thành bụng tiêu chuẩn, hoặc có những lúc sẹo mini lại ngắn hơn mức bình thường.

01 mini tummy tuckSẹo tạo hình thành bụng mini
full tummy tuck2Sẹo tạo hình thành bụng toàn phần
tummy tuck circumferentialSẹo tạo hình thành bụng mở rộng

Quy trình phẫu thuật diễn ra như thế nào

Tạo hình thành bụng toàn phần có những thao tác chính sau:

  • Bóc tách vạt da, từ mép trên mu lên đến mép dưới xương sườn.
  • Giải phóng rốn.
  • Khâu thắt cơ.
  • Cắt bỏ da thừa, kéo căng vạt da xuống và tạo lỗ rốn mới.
  • Khâu đóng vết mổ, đặt ống dẫn lưu (tùy ca).

Mỗi bác sĩ sẽ có phương pháp và kỹ thuật riêng và thứ tự các bước có thể đổi chỗ một chút, nhưng kết quả cuối cùng sẽ tương tự nhau.

Tạo hình thành bụng toàn phần diễn ra khi bệnh nhân được gây mê toàn thân, tức là bệnh nhân sẽ ở trong trạng thái ngủ và không có ý thức gì trong suốt quá trình làm phẫu thuật.

Ca phẫu thuật bắt đầu với một vết rạch dài từ hông bên này sang hông bên kia, bác sĩ sẽ cân nhắc vị trí rạch sao cho thấp nhất có thể. Sau đó, bằng các dụng cụ như dao rạch mổ, dao mổ điện... bác sĩ dần bóc tách mỡ và da khỏi lớp cơ bên dưới. Bóc dần từ dưới lên trên, đến khi gặp rốn thì bác sĩ sẽ rạch một đường quanh rốn, giải phóng rốn khỏi vạt da đang được nâng lên. Cuống rốn, với vai trò cung cấp máu cho rốn, vẫn gắn liền với cơ bụng bên dưới. Sau đó bác sĩ sẽ tiếp tục bóc tách theo hình hình chữ V ngược, cho tới khi chạm đến mép dưới của xương sườn thì dừng lại.

Bóc tách da xong sẽ đến phần chữa tách cơ bụng, nếu cần. Bác sĩ dùng động tác ấn để một lần nữa xác định khoảng cách của hai khối cơ bụng. Đánh dấu bằng bút màu vị trí để khâu. Sau đó bác sĩ sẽ trực tiếp khâu hai khối cơ lại với nhau bằng hai hoặc nhiều lớp chỉ vĩnh viễn. Một số bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ vùng cơ đã thắt, để giúp giảm đau cho bệnh nhân trong giai đoạn ngay sau phẫu thuật.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ kéo vạt da đã bóc tách xuống, hoặc gập bàn mổ lại để bệnh nhân vào tư thế co người, và xác định lại mức độ dư thừa của da và đánh dấu lại vị trí để cắt bỏ nếu cần thiết. Bác sĩ cắt bỏ vạt da thừa. Kéo vạt da còn lại xuống dưới, trùm qua rốn. Tạm cố định vạt da còn lại với mép rạch bên dưới bằng chỉ khâu hoặc dụng cụ khác. Xác định vị trí cuống rốn, rạch một lỗ hổng ở vạt da đã kéo xuống và lôi rốn lên trên sau đó khâu lại, như vậy là được lỗ rốn mới.

Công đoạn tiếp theo là khâu đóng vết rạch và đặt ống dẫn lưu.

Khâu giảm căng tịnh tiến

Mặc dù các công đoạn chính của tạo hình thành bụng gần như không thay đổi và vẫn rất hiệu quả trong nhiều năm qua. Nhưng đã có một số kỹ thuật mới được áp dụng để cố gắng giảm những bất cập của ca phẫu thuật. Mặc dù vậy, những kỹ thuật này vẫn chưa quá phổ biến và không phải bác sĩ nào cũng áp dụng chúng.

Một trong số những phương pháp cải tiến thường được nhắc tới là khâu giảm căng tịnh tiến. Sau khi kéo vạt da từ trên xuống, bác sĩ sẽ dùng chỉ khâu vạt da dính với lớp cơ bên dưới, trước khi khâu hai mép vết mổ lại với nhau. Mục đích là để loại bỏ khoảng trống giữa lớp da-mỡ và cơ, không cho dịch có nơi để tích tụ và hạn chế nguy cơ tụ dịch. Với phương pháp này, bệnh nhân thường không phải đặt ống dẫn lưu. Những bác sĩ áp dụng biện pháp này công nhận mức độ hiệu quả của nó và nói rằng bệnh nhân của họ không bị tụ dịch dù không đặt ống dẫn lưu. Tuy nhiên, phương pháp này không loại bỏ hoàn toàn rủi ro bị tụ dịch.

Quá trình hồi phục

Ngay sau phẫu thuật

Sau khi kết thúc ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa thẳng đến phòng hồi sức và sẽ được y tá theo dõi sát sao. Tất cả bệnh nhân đều được cho sử dụng tất áp lực y tế (nhiều loại) để đề phòng huyết khối tĩnh mạch sâu. Việc kiểm soát cơn đau ngay sau phẫu thuật sẽ tùy vào nhu cầu của bệnh nhân, thường là truyền morphine hoặc tiêm bắp Demerol. Bệnh nhân sẽ được kê thuốc giảm đau để dùng ở nhà khi xuất viện. Một số bệnh nhân cần nhập viện theo dõi qua đêm, một số khác thì có thể về nhà ngay hôm làm phẫu thuật. Bệnh nhân muốn về trong ngày cần đáp ứng một số tiêu chí, bao gồm khả năng di chuyển từ giường sang ghế, có thể uống thuốc mà không bị nôn-buồn nôn và cần có người chăm sóc thích hợp trong 24 giờ tiếp theo.

Những ngày sau đó

Bệnh nhân có thể sẽ phải nghỉ làm từ 7-14 ngày, có người nghỉ hẳn 1 tháng nếu công việc đòi hỏi thể lực hoặc cảm thấy cơ thể chưa sẵn sàng. Bệnh nhân sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật, quá trình hồi phục sẽ tiếp tục diễn ra, thời gian có thể lên đến 6-12 tháng.

Thời gian đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tránh những hoạt động gắng sức, làm căng kéo vết khâu da và cơ. Những hoạt động này bao gồm: mang vác vật nặng, vận động mạnh, vươn vai, vặn mình khi chưa hồi phục đủ.

Bệnh nhân được khuyến khích giữ tư thế khom người khi ngồi, nằm, hoặc đi lại trong vài ngày đầu, sau đó từ từ duỗi thẳng người tùy theo mức độ mà họ chịu được. Bệnh nhân nên đi lại sớm sau phẫu thuật và duy trì đi lại, di chuyển nhẹ nhàng trong những ngày sau. Việc nằm im một chỗ sẽ gây bất lợi nói chung tới quá trình hồi phục và làm gia tăng khả năng bị huyết khối tĩnh mạch sâu, vốn là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca tử vong sau tạo hình thành bụng.

Cần tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu của bác sĩ trong giai đoạn hồi phục. Bạn thường sẽ được yêu cầu mặc đồ nịt, gen nịt, băng ép trong khoảng 6 tuần. Ăn uống lành mạnh, đầy đủ và uống đủ nước. Sau khoảng 2-3 tháng, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc quay lại tập luyện thể dục và chỉ nên tập trở lại khi bác sĩ đã cho phép.

Bệnh nhân sau tạo hình thành bụng cần duy trì một lối sống lành mạnh để có thể giữ kết quả đẹp lâu bền.

Những vấn đề có thể gặp phải trong quá trình hồi phục

Về mặt sinh hoạt

Bạn sẽ phải nghỉ ngơi toàn phần trong ít nhất 2-3 ngày đầu sau phẫu thuật, nghỉ làm trong 1-2 tuần sau đó. Có thể bạn sẽ không đứng hay nằm thẳng được, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây đau lưng và ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân. Chèn gối hoặc ngủ trên ghế tựa ngả lưng là giải pháp phù hợp. Việc có người ở bên để hỗ trợ bạn đứng dậy hoặc đi lại, cho tới khi bạn tự đứng dậy được, có thể có ích.

Nếu đặt ống dẫn lưu thì bạn sẽ phải chú ý chăm sóc vị trí đặt ống và lượng dịch chảy ra, bạn cần tham khảo bác sĩ để có những chỉ dẫn cụ thể.

Bạn không thể trông con hay chăm sóc nhà cửa trong những ngày đầu, vì vậy hãy tính toán và chuẩn bị trước lượng thức ăn cần thiết cho các bữa đầu sau phẫu thuật, hoặc nhờ người thân, bạn bè tới hỗ trợ. Thuốc mê, thuốc tê có thể khiến bạn thấy nôn nao và không muốn ăn uống sau phẫu thuật, vậy nên một số bệnh nhân chuẩn bị thức ăn lỏng cho các bữa đầu tiên.

Biến chứng sau phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn phần có thể xảy ra

Sưng nề, bầm tím, đau, co rút cơ là những biến chứng vô cùng phổ biến sau phẫu thuật. Gần như bất kỳ ai cũng sẽ gặp hiện tượng này ngay sau phẫu thuật, vậy nên đây không phải dấu hiệu đáng lo. Với các biện pháp thích hợp, mặc gen nịt đều đặn, qua thời gian cơ thể bạn sẽ dần loại bỏ những biến chứng trên.

Tụ dịch và tụ máu khá phổ biến sau hút mỡ. Cần báo cho bác sĩ để được theo dõi và can thiệp nếu cần thiết. Nếu để lâu không chữa, nó có thể gây hoại tử do chặn đường máu cung cấp đến da hoặc gây nhiễm trùng và có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm.

Biến chứng nguy hiểm phổ biến nhất sau tạo hình thành bụng toàn phần vẫn là nhiễm trùng vết mổ và bục vết mổ, xảy ra khi vết khâu chịu quá nhiều áp lực. Mặc dù để bệnh nhân duy trì tư thế khom người có thể làm giảm nguy cơ, nhưng tỉ lệ vẫn khá cao. Các biến chứng nguy hiểm khác có thể xảy ra trong quá trình hồi phục là hoại tử, viêm mô bào, huyết khối tĩnh mạch sâu, tổn thương dây thần kinh...

Nếu không gặp các biến chứng nguy hiểm, thì bạn chỉ việc tuân thủ các chỉ dẫn hậu phẫu và chờ đợi cho sưng nề, bầm tím biến mất và thế là hoàn thành quá trình hồi phục. Còn nếu gặp các biến chứng khác thì hãy phối hợp với bác sĩ để điều trị, những biến chứng này có thể sẽ làm thời gian phục hồi kéo dài hơn nhưng đa phần sẽ khỏi khi điều trị đúng cách. Việc phát hiện sớm cũng rất quan trọng đối với quá trình điều trị, vì vậy hãy đi tái khám đầy đủ và theo dõi tình trạng của mình thật kỹ, nếu có dấu hiệu nghi ngờ hãy báo ngay cho bác sĩ.

Ngoài các biến chứng toàn thân thì còn các biến chứng về mặt thẩm mỹ, ví dụ như sẹo quá cao, sẹo quá lộ, thừa mỡ, da chảy xệ... nếu sau 6 tháng mà tình trạng vẫn chưa cải thiện hơn thì bạn sẽ cần một ca phẫu thuật chỉnh sửa để chữa các biến dạng về mặt thẩm mỹ không mong muốn này.

ĐỌC THÊM:

Đọc toàn bộ bài viết