Tháo bỏ, thay thế túi độn ngực

5 năm trước 27

Tháo bỏ túi độn ngực cũng được xếp hạng là một trong số những quy trình phẫu thuật được thực hiện nhiều

Tháo bỏ túi độn là gì?

Khi quyết định nâng ngực có lẽ bạn cũng chẳng nghĩ đến việc liệu mình có bao giờ phải tháo bỏ chúng ra hay không. Nhưng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, có đến 20% phụ nữ đặt túi độn yêu cầu tháo bỏ (và thường thay thế) trong 8 -10 năm đầu. Năm 2020, có gần 60.000 phụ nữ đã phẫu thuật tháo bỏ túi độn, tăng nhẹ so với năm 2019. Tháo bỏ túi độn ngực cũng được xếp hạng là một trong số những quy trình phẫu thuật được thực hiện nhiều.

Lý do dẫn đến quyết định “thu nhỏ” ngực này là gì?

Phụ nữ muốn tháo bỏ túi độn cũng có nhiều lý do như khi họ muốn đặt túi độn ngực vậy. Có thể để khắc phục các vấn đề liên quan đến sức khỏe, túi độn hư hỏng hoặc gặp các biến chứng sau nâng ngực, muốn thu giảm kích cỡ ngực hoặc thậm chí là muốn thay đổi hình ảnh cá nhân. Bệnh nhân sau khi thực hiện quy trình này đã chia sẻ rằng, cô ấy cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn và cảm nhận kết quả bộ ngực sau khi tháo bỏ túi độn. Cô rất thích đặt túi độn nhưng thực sự muốn có lại bộ ngực tự nhiên của mình.

Nhiều phụ nữ chọn treo sa trễ sau khi đã tháo gỡ túi độn để khắc phục tình trạng da vú chảy xệ, trong khi những người khác thì không làm gì thêm.

Ưu và nhược điểm của tháo bỏ túi độn

Ưu điểm

  • Túi độn ngực không tồn tại vĩnh viễn, thường cần thay thế sau mỗi 10 năm – với mức phí khá cao mà các hãng bảo hiểm thường không hỗ trợ chi trả. Tháo bỏ hoàn toàn đồng nghĩa với việc bạn sẽ không phải lo về chi phí thay thế túi độn trong tương lai nữa. Một bệnh nhân 58 tuổi khi thực hiện tháo bỏ túi độn đã chia sẻ, bà thà chi tiền cho một chuyến đi biển khi mình 72 tuổi còn hơn là tốn tiền tháo gỡ và thay thế cặp túi độn mới.
  • Với những người lo lắng về các rủi ro sức khỏe đến từ túi độn, việc tháo bỏ có thể giúp họ yên tâm hơn. Những rủi ro này bao gồm cả các vấn đề về bệnh túi độn (BLL) – một thuật ngữ phổ biến chỉ một loạt các triệu chứng đã được báo cáo nhưng chưa được công nhận về mặt y học, và một dạng ưng thư hiếm gặp liên quan đến túi vỏ nhám có tên: Ung thư lympho ác tính tế bào khổng lồ liên quan tới túi độn ngực (BIA-ALCL)
  • Nếu bạn từng đặt túi gel silicone, việc tháo bỏ sẽ giúp bạn không phải lo lắng về tình trạng vỡ trong im lặng (không phát hiện được) hoặc phải mất tiền chụp cộng hưởng từ MRI kiểm tra túi gel định kỳ theo khuyến cáo của FDA, mà hầu hầu hết các hãng bảo hiểm đều không hỗ trợ chi trả cho kiểm tra này.

Nhược điểm

  • Tháo bỏ túi độn ngực sẽ thay đổi hình dạng và kích cỡ ngực tự nhiên của bạn, thậm chí bác sĩ phẫu thuật cũng rất khó biết được chính xác hình dạng vú bạn sẽ như nào sau phẫu thuật. Ngực có thể bị giảm độ căng đầy, xuất hiện da thừa hoặc chảy xệ, hình dạng hai bên ngực không cân đối và mất độ đàn hồi. Bạn cũng có thể có những bất thường hoặc các vệt lõm trên ngực. Túi độn càng nhỏ, thời gian đặt càng ít thì cơ hội ngực trở lại như trước khi phẫu thuật càng cao.
  • Bác sĩ ban đầu có thể từ chối tháo bỏ túi độn vì trông chúng vẫn rất đẹp. Đây là trường hợp thường gặp ở những phụ nữ tin rằng họ bị mắc bệnh túi độn (BLL).
  • Cùng với những nguy cơ tiềm ẩn vốn có từ bất kỳ ca phẫu thuật nào, khi tháo bỏ túi độn bạn có thể còn gặp phải những thay đổi về cảm giác ở vú hoặc núm vú
  • Hầu hết các hãng bảo hiểm không hỗ trợ chi trả cho quy trình tháo bỏ túi độn (vì phẫu thuật đặt túi độn ngực là một quy trình thẩm mỹ tự chọn), do đó việc thực hiện quy trình này có thể tốn kém.

Đối tượng phù hợp với quy trình tháo bỏ túi độn?

Phẫu thuật tháo bỏ túi độn có thể là lựa chọn đúng đắn cho bạn nếu:

  • Bạn không hài lòng với vẻ ngoài bộ ngực có túi độn. Phần lớn phụ nữ muốn tháo bỏ túi độn vì họ muốn thay đổi để ngực mình đẹp hơn. Một số phụ nữ túi độn bị thay đổi vị trí, ngực chảy xệ hoặc thay đổi do tuổi tác, thay đổi cân nặng hoặc mang thai. Những người khác đơn giản chỉ muốn trở về với kích cỡ ngực tự nhiên của mình. Nhiều phụ nữ lại cảm thấy bộ ngực đặt túi độn không còn phù hợp với thân hình và lối sống của họ nữa, họ có thể đã tăng cân, sinh con, trải qua thời kì mãn kinh hoặc tham gia chạy marathon.
  • Bao xơ bao quanh túi độn cứng hoặc siết chặt lại. Bác sĩ Tâm cho biết, đôi khi bao xơ có thể cứng lại, vôi hóa hoặc siết chặt túi độn lại, khiến vú bị cứng, đau đớn hoặc biến dạng. Theo một nghiên cứu, đây được gọi là tình trạng co thắt bao xơ và là biến chứng phổ biến nhất do túi độn ngực, xảy ra ở khoảng 11% bệnh nhân.
  • Một hoặc cả hai túi độn của bạn bị rò rỉ hoặc vỡ. Các nghiên cứu về túi gel silicone – loại túi được dùng phổ biến nhất cho thấy, hầu hết túi độn duy trì được 7 - 12 năm. Tuy nhiên, có một số bị vỡ ngay trong vài tháng hoặc vài năm đầu, trong khi những trường hợp khác có thể duy trì được hơn 15 năm. Tỉ lệ vỡ được báo cáo khác nhau đối với từng loại túi độn, dao động từ 3.9% đến hơn 16%. Nguy cơ vỡ sẽ tăng lên mỗi năm sau đặt.
  • Bạn đang gặp phải các triệu chứng bệnh lý toàn thân có liên quan đến túi độn. Theo thống kê cho thấy, trong 4.400 bệnh nhân tháo bỏ túi độn chia sẻ thông tin trên một diễn đàn thẩm mỹ thì có đến 9% đề cập mắc bệnh túi độn (BLL). Mặc dù FDA đã tuyên bố rõ rằng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy túi độn ngực có liên quan đến những triệu chứng này, nhưng có một số phụ nữ sau khi tháo bỏ túi độn thì đã không còn các triệu chứng bệnh lý toàn thân nữa. Tuy nhiên vẫn chưa có dữ liệu cụ thể về tỉ lệ phụ nữ mắc BLL cảm thấy khỏe hơn sau khi tháo bỏ túi độn. Nhưng nguồn dữ liệu chính xác được bác sĩ Marisa Lawrence thu thập từ 245 bệnh nhân cho thấy hầu hết những phụ nữ này đều giảm các triệu chứng BLL sau 3 tháng tháo bỏ túi độn. Một bệnh nhân chia sẻ sau khi tháo túi độn rằng “Tôi đã đọc nhiều bình luận của những phụ nữ cảm thấy tuyệt vời sau khi tháo túi độn ra nhưng tôi vẫn rất sợ mình sẽ phải thất vọng…Tuy nhiên thật không thể tin được! Thực sự biết ơn vì đã lấy lại được chất lượng cuộc sống và bộ ngực trước kia của mình, tôi muốn được trở lại là mình một lần nữa”.

Quy trình tháo bỏ túi độn ngực diễn ra như thế nào?

Hầu hết các ca phẫu thuật loại này đều là quy trình ngoại trú, nghĩa là bệnh nhân có thể về nhà ngay sau đó. Ca phẫu thuật này sẽ diễn ra trong khoảng 1 đến 3 giờ hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào kỹ thuật của bác sĩ, và liệu bệnh nhân có kết hợp nâng ngực chảy xệ hay nâng ngực bằng mỡ tự thân hay không, hay liệu bác sĩ có loại bỏ bao xơ hay không. Việc tháo bỏ có thể dễ dàng hoặc phức tạp hơn tùy thuộc vào phẫu thuật ban đầu.

Việc tháo bỏ túi độn trong trường hợp không có bao xơ dày hoặc không phải lo lắng về BIA-ALCL có thể rất đơn giản và được thực hiện với gây tê tại chỗ. Thông thường, quy trình này sẽ được thực hiện qua một vết rạch ở nếp gấp dưới vú hoặc qua vết sẹo cũ của bệnh nhân.

Việc một bao xơ có nên được cắt bỏ hay không sẽ phụ thuộc vào cấp độ co thắt của nó (có 4 cấp độ từ 1 đến 4), được xác định bởi vẻ ngoài và cảm giác của bao xơ. Một bao xơ dày, bị vôi hóa cần phải được cắt bỏ, nếu không có thể sẽ cảm nhận và nhìn thấy nó. Trong trường hợp này bắt buộc phải gây mê toàn thân, quy trình này cũng có mức độ đau đớn và quá trình hồi phục giống như ở quy trình đặt túi độn ban đầu.

Nhiều phụ nữ dùng túi nước muối lựa chọn làm xẹp túi độn trước khi tháo bỏ nó. Nước muối sẽ được hút qua da bằng kim và ống tiêm, sau đó các mô vú dần dần xẹp xuống. Điều này cho phép bệnh nhân và bác sĩ đánh giá hình dạng bộ ngực sau khi tháo bỏ túi độn và quyết định xem có nên thực hiện treo sa trễ hay không.

Treo sa trễ có thể được thực hiện cùng lúc với tháo bỏ túi độn, nhưng nhiều bác sĩ phẫu thuật khuyên bệnh nhân nên chờ ít nhất vài tháng để xem việc này có cần thiết hay không. Trong tất cả các ca phẫu thuật tháo bỏ túi độn, mô vú đều bị kéo giãn căng và xẹp mỏng đi. Nhưng trong vài tháng, chúng sẽ “phồng” trở lại, mang lại vẻ ngoài ít xẹp hoặc ít nhăn nheo hơn. Và lúc này bệnh nhân có thể đưa ra một quyết định về việc muốn đặt túi độn cỡ lớn, cỡ nhỏ hay không cần đặt nữa. Nếu còn băn khoăn về có nên nâng chảy xệ hay không thì khoảng thời gian chờ đợi này cũng cho phép mô vú co săn lại, từ đó bệnh nhân có thể quyết định xem liệu thực hiện một ca nâng ngực chảy xệ nữa có khiến họ hài lòng hơn hay không.

Sau khi tháo bỏ túi độn ngực, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi sức để theo dõi cho đến khi bác sĩ cho về nhà. Bệnh nhân sẽ được mặc áo ngực phẫu thuật trong thời gian hồi phục, để thúc đẩy quá trình “đóng” khoang chứa túi độn, và ngăn chặn tích tụ dịch lỏng có thể dẫn đến các biến chứng, như nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, các bác sĩ chọn cách đặt ống dẫn lưu trong ba đến năm ngày sau phẫu thuật giúp ngăn ngừa tụ dịch. Cũng giống như bất kỳ ca phẫu thuật ngoại trú nào, hãy đảm bảo có ai đó đưa bạn về nhà sau phẫu thuật và ở lại với bạn ít nhất trong đêm đầu tiên.

Tháo bỏ túi độn nguyên khối là gì?

Cắt bỏ bao xơ nguyên khối (en bloc) có nghĩa là cắt bỏ đồng thời toàn bộ bao xơ cùng với túi độn nằm bên trong.

Trong nhiều năm, kỹ thuật cắt bỏ bao xơ nguyên khối đã được thực hiện để loại bỏ túi gel silicone bị vỡ, thường trong trường hợp co thắt bao xơ cấp độ 3 đến 4. Việc loại bỏ cả khối bao xơ và túi độn bên trong giúp ngăn chặn gel silicone chảy tràn ra từ túi độn bị vỡ và giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Việc tháo bỏ túi độn nguyên khối như này không phải là một kỹ thuật mới. Tất cả các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đều thực hiện quy trình này nhưng gần đây kỹ thuật này được yêu cầu nhiều hơn khi phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn từ túi độn. Những người ủng hộ cho rằng, đây là kỹ thuật tiêu chuẩn để tháo bỏ túi gel silicone. Đối với hầu hết các bác sĩ phẫu thuật, cắt bỏ nguyên khối luôn là kỹ thuật ưu tiên hàng đầu của họ, nhưng có một số trường hợp thực hiện sẽ khó khăn cũng như tiềm ẩn nguy cơ cao hơn. Đối với các bác sĩ mới, cần phải có một đường rạch lớn hơn để loại bỏ cùng một lúc nguyên khối túi độn và bao xơ. Vì vậy, nếu bác sĩ cảm thấy họ không thể bóc tách hết bao xơ qua một đường rạch nhỏ, thì đôi khi họ sẽ tháo bỏ túi độn ra trước và sau đó đến bao xơ. Đây được gọi là kỹ thuật cắt bỏ toàn bộ bao xơ (capsulectomy), kỹ thuật này cũng giúp làm giảm nguy cơ gel silicone tràn ra.

Trong trường hợp mắc BIA-ALCL, vì đó là một loại U lympho ở bao xơ, nên cần phải thực hiện kỹ thuật cắt bỏ bao xơ nguyên khối để loại bỏ bao xơ mà không làm chảy chất lỏng (dịch tụ chứa tế bào ung thư) quanh túi độn. Ở giai đoạn đầu mắc BIA-ALCL, khi mới chỉ có U lympho ở dịch tụ xung quanh túi độn, thì việc giữ bao xơ còn nguyên vẹn sẽ giúp ngăn lan tràn các tế bào u lympho. Việc loại bỏ bao xơ nguyên khối là kỹ thuật tiêu chuẩn cho những trường hợp mắc BIA-ALCL. Đây là một ca phẫu thuật ung thư, nên chắc chắn bệnh nhân sẽ được chỉ định rạch một đường mổ lớn để loại bỏ nguyên khối mô chứa tế bào ung thư.

Tuy nhiên, đối với bệnh túi độn, không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ việc áp dụng kỹ thuật cắt bỏ bao xơ nguyên khối. Theo bác sĩ Tâm, hàng ngàn bệnh nhân cho rằng họ gặp phải các triệu chứng bệnh lý toàn thân và gọi đó là bệnh túi độn, do túi độn gây ra. Một số bác sĩ cũng ủng hộ quan điểm này mặc dù vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh (một phần là vì hiện tại vẫn thiếu các nghiên cứu về bệnh túi độn). Mặc dù vậy, FDA cũng đã công nhận rằng, một số phụ nữ phát triển các triệu chứng bệnh lý toàn thân, bao gồm sương mù não, đau khớp và mệt mỏi cùng nhiều triệu chứng khác sau khi đặt túi độn ngực.

Trong khi các nghiên cứu vẫn đang diễn ra, nhiều câu hỏi vẫn cần lời giải đáp. Liệu túi độn ngực có gây ra các triệu chứng này, hay là do màng xơ sinh học quanh túi độn? Đó có phải phản ứng viêm nhiễm do sự hiện diện của túi độn ở đó không? Đó có phải là phản ứng khi túi gel silicone bị vỡ? Tùy vào nguyên nhân mà có thể chỉ cần tháo bỏ nguyên túi độn là đủ, nhưng vì không có bất kỳ nghiên cứu dài hạn, đáng tin nào nên chúng ta vẫn chưa thể biết được nguyên nhân chính xác là gì và cần áp dụng kỹ thuật nào, tháo bỏ riêng túi độn, hay cắt bỏ nguyên khối bao xơ.

Vẫn còn một câu hỏi nữa: Tại sao không thực hiện phẫu thuật cắt bỏ nguyên khối bao xơ cho những bệnh nhân yêu cầu? Về vấn đề này, bác sĩ Tâm cho biết, nếu việc cắt bỏ nguyên khối có thể được thực hiện một cách an toàn thì quá tốt. Tuy nhiên, đôi khi bao xơ quá mỏng manh nên không thể cắt bỏ hết cả khối được. Hoặc, nếu túi độn được đặt ở dưới cơ (thường là thế) thì sẽ rất khó, hoặc thậm chí là không thể cắt bỏ nguyên khối như vậy vì không gian giữa xương sườn và phổi rất mỏng. Không có lớp cơ để bảo vệ xương sườn, phổi, mạch máu lớn và các kênh bạch huyết đến cánh tay sẽ khiến những khu vực này có nguy cơ bị tổn thương, có thể dẫn đến chấn thương lâu dài. Bác sĩ Tâm cho biết, trong trường hợp mắc BIA-ALCL, quan trọng là phải chữa khỏi bệnh u lympho có khả năng gây tử vong này nên mới áp dụng kỹ thuật cắt bỏ nguyên khối. Tuy nhiên, trong trường hợp BLL thì không đáng mạo hiểm thực hiện kỹ thuật này để phải đặt ống dẫn lưu ngực và đối mặt với nguy cơ đau xương sườn mạn tính hoặc phù bạch huyết ở cánh tay. Vì vậy bác sĩ nên từ chối thực hiện kỹ thuật này nếu xác định thấy nguy cơ nhiều hơn lợi ích đạt được.

Trong một số trường hợp bị co thắt bao xơ mức độ 1, khi bao xơ gần giống như một miếng khăn giấy ướt, nếu thực hiện kỹ thuật cắt bỏ nguyên khối thì sẽ buộc phải cắt bỏ một lượng đáng kể cơ ngực nếu có. Vì vậy trong những trường hợp này, đầu tiên cần cắt bỏ một lượng bao xơ nhiều nhất có thể cùng với túi độn, sau đó cắt nốt phần bao xơ còn lại.

Quá trình phục hồi sau tháo bỏ túi độn ngực?

Thông thường, quá trình hồi phục sau phẫu thuật tháo bỏ túi độn ngực sẽ dễ dàng hơn nhiều so với quy trình phẫu thuật nâng ngực ban đầu. Bệnh nhân có thể bị đau, nhưng chỉ ở mức độ tối thiểu, và thường không cần dùng đến thuốc giảm đau gây nghiện quá 1 ngày. Trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật là có thể trở lại các hoạt động bình thường hàng ngày, như tắm, ăn uống và đi bộ. Bệnh nhân thậm chí có thể trở lại làm việc sau một hoặc hai ngày, miễn là công việc không yêu cầu nâng vật nặng. Việc hạn chế hoạt động sẽ khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào loại phẫu thuật, tình trạng mô của bệnh nhân, cũng như khả năng lành thương của họ.

Khi nào thấy được kết quả và kết quả giữ được trong bao lâu?

Bệnh nhân sẽ thấy được kết quả ngay lập tức, nhưng sẽ cần thời gian để tình trạng sưng tấy giảm bớt cũng như những thay đổi hậu phẫu ổn định thì mới thấy được kết quả cuối cùng. Bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý cho một sự thay đổi đáng kể. Nhiều bệnh nhân không nhìn thấy bộ ngực tự nhiên của mình trong suốt 10, 15 năm hoặc lâu hơn và đã già đi 10 đến 15 tuổi kể từ thời điểm đặt túi độn. Do đó, họ cần chuẩn bị tâm lý cho cú sốc ban đầu và những lời bình phầm khen chê khi nhìn thấy bộ ngực “phù hợp với độ tuổi” của mình. Sau vài tuần, phần lớn bệnh nhân đều hạnh phúc hơn với bộ ngực nhỏ hơn. Kết quả đạt được là vĩnh viễn, nhưng quá trình lão hóa sẽ tiếp tục, vì vậy ngực có thể mất độ săn chắc, teo nhỏ, và bắt đầu chảy xệ. Mô vú chắc sẽ được thay thế bằng mô mỡ khi bạn già đi, vì vậy nếu phụ nữ tăng cân, ngực thường to hơn.

Tuy nhiên theo kinh nghiệm của một số bác sĩ, sau khi loại bỏ túi độn đã tồn tại hơn 20 – 30 năm trong ngực, làn da sẽ co săn lại tốt hơn so với dự đoán.

Chi phí tháo bỏ túi độn ngực là bao nhiêu?

Chi phí phí cho một ca phẫu thuật tháo bỏ túi độn ngực sẽ khác nhau tùy vào phòng khám cũng như kinh nghiệm của bác sĩ. Mức giá thông thường khoảng 20-30 triệu.

Trong một số ít trường hợp, bảo hiểm có thể hỗ trợ chi trả cho quy trình tháo bỏ túi độn vì co thắt bao xơ. Thông thường các công ty bảo hiểm ít khi hỗ trợ chi trả cho các quy trình phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực chảy xệ hoặc thay thế túi độn vì mục đích thẩm mỹ (chứ không phải tái tạo vú). Tuy nhiên tất cả các hãng sản xuất túi độn đều có chính sách hỗ trợ chi phí phí cho ca phẫu thuật lần 2 của bệnh nhân. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn các thủ tục để được hưởng chính sách này.

Nếu có mối quan hệ tốt với bác sĩ thực hiện quy trình đầu tiên thì nên quay trở lại với họ. Họ hiểu rõ những gì đã được thực hiện trước đó, loại túi độn và có thể họ cũng sẽ tháo bỏ túi độn với mức giá thấp hơn so với vị bác sĩ mới chưa bao giờ gặp bạn trước đó. Nếu bác sĩ của bạn từ chối thực hiện, hãy tìm một người khác có đầy đủ bằng cấp. Việc tư vấn thêm ý kiến và thực hiện với người mà bạn thấy phù hợp luôn là lựa chọn đúng đắn.

Liệu có chuyên gia về tháo bỏ túi độn không?

Những ai tuyên bố họ là chuyên gia về tháo bỏ túi độn và quảng bá mình là chuyên gia về kỹ thuật cắt bỏ bao xơ nguyên khối, thường dùng kiến thức chuyên môn này để biện minh cho một mức phí phẫu thuật cao ngất ngưởng. Xin nhắc lại, đây là một quy trình mà bạn sẽ nhận được kết quả tốt hơn nhờ những bác sĩ có đầy đủ bằng cấp và kinh nghiệm về cắt bỏ bao xơ, túi độn. Điều khó khăn hơn so với tháo bỏ túi độn đó chính là định hình lại bầu ngực sau khi đã tháo túi độn. Đó là lúc thể hiện sự khác biệt về tay nghề phẫu thuật. Để đánh giá trình độ chuyên môn của bác sĩ, hãy yêu cầu xem bộ ảnh trước sau của những bệnh nhân đã tháo bỏ túi độn có hoặc không kết hợp nâng ngực chảy xệ.

Các phương pháp thay thế phẫu thuật tháo bỏ túi độn ngực?

Phẫu thuật chỉnh sửa ngực hỏng có thể thực hiện đồng thời cả tháo bỏ túi độn và thay thế lại cặp túi độn mới – to hơn, nhỏ hoăn hoặc đơn giản chỉ là thay những mẫu túi độn mới hơn.

Nếu bạn không muốn thay túi độn mới thì có thể nâng ngực bằng mỡ tự thân, kỹ thuật này sẽ giúp nâng ngực trông tự nhiên hơn.

Phụ nữ ban đầu chọn đặt túi độn để tái tạo vú (sau cắt bỏ u vú) có thể chọn phẫu thuật tái tạo lại bằng cách sử dụng vạt mô lấy từ vị trí nào đó trên cơ thể họ.

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm

Đọc toàn bộ bài viết