Thắt đai dạ dày là gì?
Thắt đai dạ dày (lap band, gastric band) là phương pháp phẫu thuật đặt một vòng tròn silicone có thể thay đổi kích thước ở xung quanh phần trên của dạ dày để giảm sức chứa của cơ quan này. Phương pháp này giúp tạo cảm giác no nhanh hơn khi ăn, từ đó giảm lượng thức ăn tiêu thụ và dần dần dẫn đến giảm cân.
Phương pháp này dành cho những người có chỉ số khối cơ thể BMI từ 40 trở lên hoặc từ 35 - 40 và còn mắc một bệnh lý liên quan đến thừa cân, như tiểu đường, ngưng thở khi ngủ hoặc huyết áp cao và đã thử các biện pháp giảm cân khác nhưng không thành công.
Quy trình thực hiện
Quy trình phẫu thuật thắt đai dạ dày được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi (qua một số vết mổ nhỏ dài chưa đến 1cm) nên chỉ xâm lấn ở mức tối thiểu nhưng vẫn cần gây mê toàn thân. Toàn bộ ca mổ thường mất chưa đầy 45 phút.
Đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật rạch một vài đường nhỏ trên bụng người bệnh để đưa ống nội soi, đai thắt và một số dụng cụ phẫu thuật vào bên trong. Đai thắt được đưa vào khoang bụng và quấn quanh dạ dày ở vị trí cách điểm giao dạ dày - thực quản khoảng 2.5 đến 5cm về bên dưới, chia dạ dày thành hai phần, một phần nhỏ bên trên và phần lớn hơn ở bên dưới.
Sau đó, đai silicone được bơm nước muối vừa đủ để đai thắt chặt lấy dạ dày nhưng vẫn để lại một lỗ hở nhỏ cho thức ăn đi từ túi dạ dày nhỏ xuống túi dạ dày lớn và tiếp tục được tiêu hóa bình thường. Bác sĩ sẽ tạo một lỗ thông nhỏ qua da để có thể điều chỉnh lượng nước trong đai thắt sau này.
Sau khi phẫu thuật xong và thuốc mê hết tác dụng, bạn có thể về nhà ngay trong ngày.
Quá trình hồi phục
Bạn nên nghỉ ở nhà một tuần sau khi phẫu thuật. Hầu hết mọi người đều bắt đầu cảm thấy khỏe lại bình thường sau 3 - 4 ngày.
Bạn sẽ cần tuân thủ theo chế độ ăn nghiêm ngặt trong 6 tuần đầu sau khi thắt đai dạ dày, ban đầu chỉ ăn các món lỏng và dần dần chuyển sang các loại thực phẩm mềm rồi mới trở về chế độ ăn như bình thường nhưng cần chia nhỏ khẩu phần ăn. Do khoảng trống trong dạ dày bị thu hẹp lại nên bạn sẽ phải điều chỉnh lại lượng thức ăn nạp vào hàng ngày. Trong quá trình này có thể bạn sẽ bị nôn và trào ngược axit.
Tốc độ giảm cân thông thường sau khi thắt đai dạ dày là từ 0.5 – 1kg mỗi tuần. Đây là tốc độ giảm cân ở mức chậm và ổn định nhưng nếu bạn thấy tăng cân, đặc biệt là khi còn đi kèm với hiện tượng tăng cảm giác đói và vẫn muốn ăn nhiều thì có nghĩa là cần phải điều chỉnh đai thắt bằng cách thêm nước muối qua lỗ thông. Ngược lại, khi cảm thấy thức ăn khó đi xuống và có dấu hiệu tắc nghẽn thì cần tháo bớt nước trong đai.
Đai thắt dạ dày được giữ cố định vĩnh viễn chỉ trừ khi có sự cố phát sinh, vì vậy bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ để điều chỉnh thường xuyên và theo dõi tiến trình giảm cân.
Vấn đề không mong muốn khi thắt đai dạ dày
Các vấn đề không mong muốn của phương pháp thắt đai dạ dày xảy ra khá phổ biến nhưng thường không nguy hiểm. Các vấn đề này thường gồm có táo bón, buồn nôn, nôn mửa, trào ngược axit dạ dày và thức ăn không thể đi từ túi dạ dày nhỏ xuống túi dạ dày lớn bên dưới. Nếu có những vấn đề này thì cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra và khắc phục.
Một vấn đề khác là đai thắt bị trượt và gây ra các hiện tượng như ợ nóng, đau khi ăn, nôn, ho dai dẳng (đặc biệt là vào ban đêm) và đau tức ngực.
Tuy nhiên, trượt đai thắt là điều rất hiếm khi xảy ra với xác suất chỉ khoảng 2 - 3% trên tổng số ca phẫu thuật. Trong những trường hợp này thì sẽ cần tháo nước muối từ đai thắt để dạ dày điều chỉnh và khắc phục các triệu chứng. Nếu đã tháo nước muối mà vấn đề vẫn tiếp diễn thì có thể cần cắt vạt dạ dày hoặc nối tắt dạ dày.