Đồ chơi thủ công "hot hit"
8h, sau khi đưa con gái đến trường, anh Vương Giai Huân (SN 1985, ngụ quận 11, TPHCM) nhanh chân chạy về nhà, lôi hộp dụng cụ trong tủ ra để bắt đầu công việc ngày mới.
Kể từ khi vợ nghỉ thai sản, anh Huân trở thành trụ cột gia đình, vừa lo chuyện cơm nước, vừa gia công đầu lân mini để kiếm tiền. Vì vậy, mỗi ngày trôi qua đối với anh đều rất bận rộn, thời gian nghỉ ngơi chỉ vài tiếng.
"Dù mệt nhưng vui, vì đơn hàng đến liên tục, rất bận rộn. Nhờ vậy tôi mới kiếm được thêm nhiều tiền để lo cho gia đình", anh Huân nói.
Trong căn phòng hơn 10m2, chàng trai bày những chiếc đầu lân màu sắc sặc sỡ, với kiểu dáng và ý nghĩa khác nhau. Chỉ tay về phía chiếc đầu lân cao khoảng 20cm, anh Huân tự hào giới thiệu đó là sản phẩm đầu tiên mà anh làm ra, mang hình dáng của kỳ lân Trung Quốc.
"Nói về đầu lân thì có rất nhiều loại, chẳng hạn như kỳ lân Trung Quốc, rồng, hổ,... Đầu lân mini nhỏ hơn rất nhiều so với đầu lân bình thường nên việc gia công cũng khó và mất thời gian hơn", anh Huân cho hay.
Được biết, Huân phải mất vài tuần, thậm chí là vài tháng để hoàn thiện mỗi chiếc đầu lân với nhiều nét vẽ chi tiết. Ngoài các công đoạn làm khung kẽm, đắp giấy bồi, trang trí phụ kiện thì vẽ là công đoạn khó nhất.
"Người thợ phải nắn nót làm sao để gương mặt của lân có hồn, nét vui tươi. Đặc biệt đối với các khách hàng là người Hoa, tôi càng phải vẽ cầu kỳ các hình như con rồng, phụng, công trên đầu lân để mang lại càng nhiều may mắn", anh nói.
Mỗi sản phẩm có giá dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Chàng trai bộc bạch, anh bán được 10-20 sản phẩm, kiếm 7-8 triệu đồng/tháng. Nhiều lúc đơn hàng đến liên tục, có người đặt đến 10 đầu lân cùng lúc nhưng anh Huân đành từ chối vì không đủ thời gian làm.
"Tôi không mang ra chợ bán vì đây là sản phẩm thủ công đòi hỏi sự tâm huyết, tỉ mỉ. Tôi lại có một mình nên không thể gấp gáp sản xuất hàng loạt được. Nhiều nơi sản xuất đầu lân bằng máy in 3D, chỉ vài phút là ra được một cái nhưng khách hàng lại không lựa chọn, vì họ yêu thích các sản phẩm truyền thống, thủ công hơn", anh Huân chia sẻ.
Thất nghiệp làm trụ cột gia đình
Chàng trai cho hay, năm 13 tuổi, Huân đã cùng ba theo chân đoàn múa lân rong ruổi, biểu diễn ở khắp các nẻo đường. Huân còn được các anh trong đoàn hướng dẫn nghề làm đầu lân và thuộc lòng về ý nghĩa của từng bộ phận, chi tiết trên đầu lân.
Lớn lên, anh Huân lấy vợ, có con rồi tìm một công việc gần nhà. Năm 2021, Covid-19 khiến anh thất nghiệp. Mọi chi tiêu trong gia đình khi đó khiến anh Huân rất áp lực.
Thấy ba đã lớn tuổi, mẹ bị tiểu đường, cao huyết áp còn anh trai thì mắc bệnh, chỉ nằm một chỗ, chàng trai quyết tâm tìm một công việc để lo cho cả nhà.
Nhớ đến đam mê lúc nhỏ, anh Huân liền bắt tay vào nghiên cứu, mày mò làm đầu lân với kích thước nhỏ hơn nhiều lần để trưng thử.
Thời gian đầu, vì thị trường chưa ai bán phụ kiện như râu, mắt, lục lạc của lân với kích thước nhỏ nên anh Huân phải tự chế toàn bộ. Ngoài ra, để hạ giá thành của lân, anh Huân còn thử thách bản thân tạo hình đầu lân bằng giấy bồi thay cho kẽm.
"Trải qua nhiều lần thất bại rồi tôi cũng làm xong được chiếc đầu lân hoàn chỉnh. Lúc đó tôi lên mạng thì thấy những sản phẩm tương tự rất được ưa chuộng ở nước ngoài, có giá 20-30 triệu đồng. Người Việt muốn mua còn phải trả thêm chi phí vận chuyển rất cao nên tôi nảy ra ý tưởng sản xuất đầu lân mini với giá thấp hơn 10 lần", anh nói.
Sau vài tháng tìm hiểu, anh Huân đăng sản phẩm đầu tiên lên mạng xã hội để bán thử. Bất ngờ, những chiếc đầu lân nhận được nhiều lời khen ngợi và ủng hộ. Tiếng lành đồn xa, nhiều vị khách ở Đài Loan, Úc,… còn liên hệ để mua sản phẩm của Huân.
"Chi phí vận chuyển đắt gấp đôi giá sản phẩm nhưng họ vẫn đặt mua vì khách hàng rất thích trưng đầu lân trong nhà. Đây là linh vật mang lại sự may mắn cho gia chủ.
Vì bản thân rất đam mê và quý trọng các sản phẩm thủ công nên tôi muốn dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện từng chiếc đầu lân thật tỉ mỉ", Huân bộc bạch.
Sắp tới, anh dự định sẽ sáng tạo thêm nhiều mẫu mã độc lạ hơn như xe lân, các loại linh vật của Việt Nam, Trung Quốc…
"Chờ đến khi bé thứ 2 lớn hơn một chút, tôi sẽ có nhiều thời gian đầu tư vào "xưởng sản xuất" đầu lân của mình hơn", chàng trai quả quyết.