Thông tin đúng bản chất: Bản lĩnh của nhà báo và cơ quan báo chí

1 năm trước 49

(PLO)- Với các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt, định hướng dư luận.

Trách nhiệm của người làm báo là phải giúp cho công chúng - dư luận nắm bắt kịp thời thông tin và hiểu đúng bản chất sự việc.

Yêu cầu cao nhất về nghiệp vụ và đạo đức của một nhà báo là đưa tin đúng sự thật. Sự thật ở đây không chỉ là hiện tượng mà cao hơn là bản chất. Do đó, đưa tin đúng bản chất chứ không chỉ là đưa tin đúng hiện tượng - đây là nguyên tắc cao nhất khi thông tin một sự việc mà dư luận đang quan tâm.

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, cùng một nội dung có thể có nhiều luồng ý kiến, nhiều cách tiếp cận, nhìn nhận khác nhau nên bản chất sự việc luôn là vấn đề gây ra tranh cãi. Do đó, báo chí phải luôn hướng tới bản chất sự việc, thay vì chỉ đưa tin theo hiện tượng mà không quan tâm nhiều đến cách hiểu, cách tiếp nhận của độc giả.

Thực tế cho thấy nhiều sự việc được báo chí đưa đúng về hiện tượng nhưng người đọc không được hiểu đầy đủ bản chất. Điều này xuất phát từ cách đưa tin đơn giản, thiên lệch, cách nhìn, nắm thông tin chưa bao quát của nhà báo, chưa đào sâu mà chỉ chạy theo sự kiện, lúc này chính nhà báo đang bị sự kiện và dư luận dẫn dắt. Thậm chí có không ít trường hợp vì áp lực cạnh tranh, áp lực thu hút bạn đọc, người viết đã cố ý chọn góc độ “giật gân” để đưa tin, cắt cúp câu nói, ý kiến phát biểu để câu view.

Về hiện tượng, đó là những thông tin có thật nhưng nó không phản ánh bao quát bản chất. Đạo đức của nhà báo không cho phép có sự lập lờ để cố tình dẫn bạn đọc, dư luận đến một cách hiểu khác. Đây cũng là thực tế đang xảy ra ở một số báo, trang tin điện tử mà Bộ TT&TT đã và đang chấn chỉnh.

Ngoài nội dung sự việc, liều lượng đưa tin cũng là vấn đề cần chú trọng để đảm bảo cách hiểu đúng sự việc. Sự vồ vập, thái độ quan tâm quá mức của truyền thông trước một sự việc cũng sẽ góp phần đẩy xa bản chất. Dĩ nhiên không ai có quyền ép buộc nhà báo phải lựa chọn thông tin hoặc lựa chọn tần suất đưa tin nhưng sự nhạy cảm nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội, bạn đọc khi được nâng cao sẽ giúp người làm báo đưa ra những liều lượng vừa đủ nhất.

Để luôn hướng tới bản chất vấn đề, không sa vào bề nổi của thông tin, ngoài nghiệp vụ, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh, đạo đức và không thiên kiến trước bất cứ sự việc nào. Muốn thực hiện được điều này, nhà báo và cơ quan báo chí có khi còn phải biết đấu tranh, chấp nhận đương đầu để bảo vệ sự thật. Đây là điều rất quan trọng, bởi áp lực trước các luồng thông tin khác nhau, nếu không vững vàng, không kiên quyết đi đến bản chất sự việc có thể nhà báo sẽ buông xuôi, không dám đi đến cùng sự việc, bản chất vấn đề.

Ý thức được vấn đề này sẽ tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh, có tác dụng cổ vũ, thúc đẩy cách làm báo chân chính. Đó chính là những yếu tố tạo nên sự chính trực của một nhà báo, tạo nên thương hiệu tham chiếu tin cậy của cơ quan báo chí và nâng cao uy tín của cả làng báo.

Báo chí tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Báo chí tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(PLO)- Xã hội càng phát triển, báo chí càng có tiếng nói quan trọng trong việc định hướng thông tin đúng đắn, hình thành dư luận xã hội thuyết phục hơn.

MNP

Đọc toàn bộ bài viết