Thừa sắt khi mang thai: Dấu hiệu, nguyên nhân, ảnh hưởng đến sức khỏe

7 tháng trước 63

Nhiều bà bầu lo sợ thiếu sắt khi mang thai nên tăng cường bổ sung mà không biết rằng, thừa sắt khi mang thai cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Vậy dư sắt khi mang thai nguy hiểm như thế nào và làm sao phát hiện sớm dấu hiệu thừa sắt ở bà bầu? BS.CKII Lê Thanh Hùng, Phó khoa Sản Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong bài viết dưới đây.

thừa sắt khi mang thai

Vai trò của sắt đối với bà bầu và thai nhi

Sắt giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai. Sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin – huyết sắc tố trong hồng cầu, đảm nhận vai trò chính trong việc vận chuyển oxy đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Trong thai kỳ, nhu cầu sắt tăng lên để cung cấp cho thai nhi và nhau thai phát triển. Sắt còn giúp tăng khối lượng hồng cầu ở mẹ. (1)

Bác sĩ Thanh Hùng chia sẻ, ngoại trừ nguyên nhân bệnh lý, phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất. Theo thống kê, ước tính có hơn 40% phụ nữ mang thai trên toàn thế giới bị thiếu máu. Ít nhất một nửa các trường hợp này được xác định là do thiếu sắt.

Phụ nữ mang thai cần bổ sung sắt đầy đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bản thân, cũng như sự phát triển của thai nhi. Thiếu sắt khi mang thai có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Khi lượng sắt trong cơ thể thấp sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Lúc này thai nhi có nguy cơ sinh non và nhẹ cân.

Thiếu máu do thiếu sắt nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ. Mẹ dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, khó ngủ, chán ăn, suy nhược cơ thể làm suy giảm sức đề kháng dẫn đến nhiễm trùng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị bà bầu nên bổ sung sắt hàng ngày từ 30-60mg để ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở mẹ, nhiễm trùng hậu sản, nhẹ cân và sinh non. Lượng sắt này có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất cho bà bầu, hoặc ở các sản phẩm bổ sung sắt riêng biệt. Tốt nhất, bà bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách bổ sung sắt đúng.

tham khảo bác sĩ trước khi bổ sung sắtBà bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn liều lượng sắt cần bổ sung, tránh thiếu hoặc thừa sắt khi mang thai

Thừa sắt khi mang thai là gì?

Thừa sắt khi mang thai là tình trạng cơ thể bà bầu nhận quá nhiều sắt, khiến nồng độ sắt và huyết sắc tố hemoglobin trong máu tăng cao gây khó khăn cho quá trình vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi, từ đó gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Bệnh thừa sắt là một rối loạn của dự trữ sắt, dẫn đến tăng hấp thu sắt ở ruột gây lắng đọng sắt và tổn thương nhiều mô. Các biểu hiện điển hình của căn bệnh này là người bệnh có làn da màu đồng, bệnh gan, đái tháo đường, bệnh khớp, rối loạn dẫn truyền tim và thiểu năng sinh dục. (2)

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thừa sắt là do di truyền (đột biến gen HFE di truyền) hoặc tình trạng quá tải sắt thứ cấp (thường do tạo hồng cầu không hiệu quả, thường gặp ở người bệnh thalassemia hoặc thiếu máu nguyên hồng cầu).

banner-lhts-13042024-content

Sắt giữ vai trò thiết yếu trong một số chức năng của cơ thể, nhưng khi cơ thể dư thừa quá nhiều sắt sẽ gây độc. Lượng sắt dư thừa được lưu trữ trong các cơ quan, đặc biệt là gan. Trong thời gian dài, lượng sắt này có thể gây tổn thương nghiêm trọng dẫn đến suy nội tạng, cũng như gây ra các bệnh mạn tính như xơ gan, đái tháo đường và suy tim.

Bác sĩ Thanh Hùng cho biết, ở phụ nữ mang thai không bị thiếu máu do thiếu sắt, lượng sắt cơ thể có thể hấp thu từ thực phẩm và chất bổ sung tối đa là 45 mg/ngày.

Chỉ những trường hợp được chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt mới cần bổ sung sắt liều lượng lớn, tất nhiên cần có chỉ định của bác sĩ. Do đó, phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bổ sung sắt trong thai kỳ phù hợp.

Bà bầu uống thừa sắt có sao không?

Bổ sung dư sắt khi mang thai trên các thai kỳ đã có bệnh thừa sắt có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe mẹ và sự phát triển của thai nhi. Cụ thể bà bầu sẽ đối mặt với các nguy cơ sau: (3)

1. Ảnh hưởng đến thai nhi

Hậu quả phải kể đến đầu tiên khi bà bầu dư sắt là ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Khi lượng sắt tăng quá mức sẽ khiến nồng độ sắt và huyết sắc tố hemoglobin tăng lên, điều này gây cản trở quá trình vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi. Kết quả là thai nhi bị thiếu dinh dưỡng, nhẹ cân, sinh non và trường hợp xấu nhất là tử vong.

2. Bị rối loạn tiêu hóa

Thừa sắt khi mang thai có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, đầy hơi và táo bón. Các triệu chứng phiền toái này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng sống của bà bầu.

Thậm chí, nhiều trường hợp bổ sung sắt quá liều lượng cho phép khiến bà bầu xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sắt như sốt, tim đập nhanh… cần đến bệnh viện ngay lập tức.

3. Dễ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa

Sắt tạo nên môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn trong đường tiêu hóa phát triển. Việc bổ sung không đúng cách hoặc dư sắt khi mang thai có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

4. Ức chế quá trình hấp thu khoáng chất

Việc bổ sung quá nhiều sắt một lúc hoặc kết hợp cùng lúc với các thực phẩm chức năng khác có thể làm ức chế quá trình hấp thu các khoáng chất khác như canxi, kẽm… Điều này khiến cơ thể bà bầu thiếu hụt các khoáng chất quan trọng khác.

5. Nguy cơ thiếu máu nặng

Mặc dù thiếu máu thường gặp ở phụ nữ bổ sung thiếu sắt khi mang thai, nhưng việc dung nạp quá nhiều sắt cũng có thể gây tích tụ sắt trong cơ thể và dẫn đến một loại bệnh thiếu máu khác gọi là thiếu máu cơ nhiễm.

6. Nguy cơ viêm khớp

Tích tụ dư sắt trong cơ thể có thể gây tổn thương các mô, phá hủy lớp bao phủ quanh xương khớp nên bà bầu có thể gặp các triệu chứng như đau mỏi chân, đau lưng khi mang thai.

7. Nguy cơ tăng huyết áp

Một số sản phẩm bổ sung sắt có thể gây tăng huyết áp ở bà bầu, đặc biệt là những người tồn tại nguy cơ tăng huyết áp khi mang thai.

8. Nguy cơ đái tháo đường thai kỳ

Khi sắt dư thừa ở tuyến tụy sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất insulin, khiến lượng đường trong máu mẹ tăng cao, dẫn đến đái tháo đường thai kỳ. Trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ bị vàng da sơ sinh, khó hoàn thiện hệ hô hấp và tăng nguy cơ sinh non.

“Phụ nữ thừa sắt khi mang thai rất nguy hiểm, do đó việc bổ sung sắt trong thai kỳ cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Sản khoa. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều lượng sắt cần bổ sung, cách dùng và có hướng dẫn theo dõi thai kỳ để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi”, bác sĩ Thanh Hùng chia sẻ.

Dấu hiệu thừa sắt ở bà bầu

Bà bầu có thể sớm nhận biết cơ thể bị thừa sắt thông qua các dấu hiệu dưới đây:

  • Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
  • Nhịp tim nhanh, thở khó, thở nhanh.
  • Vàng da, suy gan.
  • Tinh thần lơ mơ, hay nhầm lẫn, hay quên.
  • Hạ huyết áp.
  • Đi tiểu ra máu.
những dấu hiệu bà bầu thừa sắtBuồn nôn, nôn mửa, táo bón… là những dấu hiệu thừa sắt ở bà bầu thường gặp nhất

Bị thừa sắt khi mang thai phải làm sao? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi phát hiện các dấu hiệu thừa sắt, bà bầu cần dừng viên uống bổ sung sắt ngay lập tức. Đồng thời, cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, ăn nhiều chất xơ để thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất sắt.

Quan trọng nhất, bà bầu cần đến ngay cơ sở y tế uy tín có bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm để được thăm khám, chẩn đoán tình trạng và có hướng điều chỉnh kịp thời. Tùy vào mức độ dư sắt khi mang thai mà bác sĩ Sản khoa sẽ hướng dẫn mẹ cách điều chỉnh phù hợp.

Tham khảo: Chế độ dinh dưỡng khi mang thai

Chẩn đoán và điều trị thừa sắt trong thai kỳ

Để xác định việc thừa sắt khi mang thai, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân gây dư thừa sắt.

Tiếp đến, bác sĩ sẽ chỉ định bà bầu thực hiện xét nghiệm định lượng ferritin. Ferritin là tế bào protein trong máu chứa sắt. Xét nghiệm định lượng ferritin là xét nghiệm đo lượng protein trong máu để chẩn đoán quá trình sản sinh ferritin. Nếu xét nghiệm cho thấy ferritin cao hơn mức bình thường, đó là tín hiệu cho thấy cơ thể đang lưu trữ quá nhiều chất sắt. Tùy vào mức độ dư thừa sắt trong cơ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn bà bầu cách điều chỉnh phù hợp.

box bác sĩ thanh hùngBS.CKII Lê Thanh Hùng có nhiều năm kinh nghiệm sẽ hướng dẫn mẹ cách bổ sung sắt cũng như các loại vitamin trong thai kỳ đúng cách

Để đặt lịch hẹn thăm khám và tư vấn với các chuyên gia – bác sĩ Sản Phụ khoa tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ vui lòng liên hệ đến:

Lưu ý khi bổ sung sắt trong thai kỳ

Thuốc bổ sung sắt cho bà bầu có 2 dạng, gồm sắt vô cơ và sắt hữu cơ, trong đó dạng sắt hữu cơ dễ hấp thu và ít gây táo bón so với dạng sắt vô cơ. (4)

Để bổ sung sắt đúng cách và an toàn khi mang thai, bà bầu cần thăm khám sớm và thực hiện xét nghiệm máu để biết nhu cầu sắt của bản thân. Tùy theo kết quả cụ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn bổ sung sắt đúng nhu cầu, cân bằng chất sắt trong thực phẩm hàng ngày và thuốc bổ sung.

Khi bổ sung sắt bà bầu cần lưu ý những điều sau đây:

  • Nên uống viên bổ sung sắt sau bữa ăn 1-2 giờ để tăng cường việc hấp thu. Có thể uống sắt cùng với các loại nước giày vitamin C để hấp thụ sắt tốt nhất.
  • Không uống sắt cùng trà, cà phê và sữa.
  • Không uống sắt cùng lúc với thuốc bổ sung canxi vì có thể gây cản trở hấp thụ sắt.
  • Để phòng ngừa táo bón (tác dụng phụ thường gặp của thuốc bổ sung sắt), bà bầu nên uống nhiều nước và tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn hàng ngày.

Xem thêm: Những thực phẩm tốt cho bà bầu

Trong quá trình sử dụng thuốc bổ sung sắt, nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào như tiêu chảy, táo bón hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được thay đổi loại thuốc khác cho phù hợp. Tuyệt đối không tự ý đổi thuốc hoặc thay đổi liều lượng sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Hy vọng bài viết này đã giải đáp được thắc mắc bà bầu thừa sắt có sao không, qua đó biết cách bổ sung sắt đúng cách để phòng tránh tình trạng thừa sắt khi mang thai. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào khác, bà bầu có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia – bác sĩ Sản khoa hỗ trợ!

Đọc toàn bộ bài viết