Thương hiệu Việt bị 'hớt tay trên': Tiên trách kỷ…

1 năm trước 47

(PLO)- Cách tốt nhất để tránh tình trạng thương hiệu Việt rơi vào tay nước ngoài là DN thực hiện đăng ký quyền sở hữu, bảo hộ thương hiệu từ rất sớm tại các thị trường quốc tế trọng điểm mà mình xuất khẩu.

Thương hiệu Việt một khi bị nước ngoài “hớt tay trên” sẽ rất khó lấy lại được. Vì vậy, cách tốt nhất và hiệu quả nhất là các công ty Việt cần đăng ký bảo hộ tại nước ngoài càng sớm càng tốt, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Câu chuyện logo của Co.opmart - một thương hiệu bán lẻ lâu năm tại Việt Nam - mới đây xuất hiện tại Úc, dù chưa từng được nhượng quyền hay đầu tư ra nước ngoài khiến nhiều người ngạc nhiên. Bản thân đại diện Co.opmart cũng thừa nhận bất ngờ và sẽ sớm tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ thương hiệu Co.opmart bị sử dụng trái phép tại Úc.

Trước đó, hàng loạt thương hiệu tên tuổi của Việt Nam như Trung Nguyên, Vinataba, gạo ST25, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre… đã từng bị nhiều công ty nước ngoài đăng ký và gắn trên sản phẩm của họ để bán đi khắp thị trường quốc tế. Việc đòi lại thương hiệu Việt rất vất vả và nhiều khi không khả thi do công ty nước ngoài đã đăng ký trước.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng uy tín với người tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế. Việc gầy dựng thương hiệu đã khó nhưng nguy cơ mất thương hiệu vào tay nước ngoài luôn rình rập các DN Việt.

Nhưng trách người cũng phải tự trách mình trước. Bởi thực tế nhiều công ty chỉ quan tâm đến bảo hộ thương hiệu tại thị trường nội địa nhưng lại thờ ơ trong việc đăng ký, thiếu quan tâm và khai thác thương hiệu tại nước ngoài. Chỉ đợi đến khi thương hiệu của mình bị đăng ký, bị chiếm dụng, tước đoạt quyền lợi thì DN Việt mới loay hoay tìm hướng giải quyết.

Để kiện và đòi lại được thương hiệu, DN mất rất nhiều thời gian, qua nhiều bước với nhiều thủ tục và tiêu tốn tiền bạc không nhỏ. Trước khó khăn trên, nhiều công ty đành phải chấp nhận mất luôn thương hiệu vào tay nước ngoài.

Vì vậy, cách tốt nhất để tránh tình trạng thương hiệu rơi vào tay nước ngoài, DN Việt cần chú trọng thực hiện đăng ký quyền sở hữu, bảo hộ thương hiệu từ rất sớm tại các thị trường quốc tế trọng điểm mà mình xuất khẩu.

Hiện Việt Nam là thành viên của Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. DN Việt có thể tận dụng các quy định này để tìm bảo hộ thương hiệu cho mình.

Thương hiệu của một DN rất quan trọng vì cung cấp nền tảng cho tăng trưởng, nâng cao giá trị tài sản và mang lại lợi thế cạnh tranh, đóng góp cho thương hiệu quốc gia, từ đó thu hút nguồn vốn đầu tư và nhiều lợi ích khác. Do đó, các cơ quan hữu quan cần tích cực hỗ trợ, nhất là về mặt pháp lý, để DN bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài lẫn trong nước.

PHƯƠNG MINH

Đọc toàn bộ bài viết