Bánh lá miền Tây là món ăn dân dã và thơm ngon. Đây là loại bánh không mấy xa lạ với bà con Nam Bộ. Thế nhưng không nhiều người hiểu rõ về nguồn gốc cũng như cách làm ra một chiếc bánh ngon. TopReview.vn sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguồn gốc cũng như công đoạn làm ra món bánh này nhé!
1/. Nguồn gốc bánh lá
Thuở xưa, khi cuộc sống còn khó khăn, người dân miền Tây chỉ có hạt gạo, hạt nếp là món ăn chính. Các trẻ nhỏ trong gia đình cũng hiếm khi có bánh kẹo để thưởng thức. Chính sự thiếu thốn cùng óc sáng tạo, người dân đã chế biến ra món bánh lá để ăn chơi.
Thế nhưng hương vị bánh lại rất thơm ngon. Chính vì thế bánh lá được ưa chuộng khắp miền Tây. Nguyên liệu của nó rất dễ tìm và công thức bánh đơn giản.
2/. Đặc điểm các nguyên liệu chế biến
Lá mơ
Lá mơ có hai giống khác nhau. Một là lá mơ lông, hai là lá mơ rừng. Ban đầu, người dân ưa chuộng làm bánh từ lá mơ rừng. Thế nhưng thời gian trôi qua, lá mơ rừng ngày càng trở nên hiếm. Người miền Tây dần thay thế nguyên liệu thành là mơ lông.
Giải thích lý do chọn lá mơ, người miền Tây cho rằng lá mơ giúp bột bánh có màu bắt mắt hơn. Thay vì màu trắng đơn điệu, bánh có màu xanh đậm sẽ hấp dẫn hơn. Tùy thuộc vào số lượng lá trong bánh sẽ tạo màu sắc từ xanh sang xám.
Theo Đông Y, lá mơ lại có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Công dụng nổi bật nhất của lá mơ chính là hỗ trợ đường tiêu hóa. Ngoài ra, loại lá này còn có tác dụng chữa viêm tai giữa, ho gà hay chống co giật.
Lá mít
Ngoài lá mơ, bánh lá miền Tây còn sử dụng thêm một loại lá khác. Đó chính là lá mít với công dụng tráng bánh. Nhiều người cho biết vì lá mít dễ tìm nên họ lựa chọn lá mít làm nguyên liệu. Hơn nữa, bánh khi tráng trên lá mít lại bám chắc hơn. Đó chính là lý do người dân chọn lá mít để tạo hình bánh.
Bột làm bánh lá
Món bánh này còn có nguyên liệu chính là bột gạo. Bí quyết bánh ngon phụ thuộc vào tỷ lệ gạo và nếp trong công đoạn xay bột. Để tăng thêm hương vị cho bánh, người làm bánh còn thêm vào bột một ít muối.
Dừa khô
Món bánh lá không thể thiếu nước cốt dừa để ăn kèm. Tùy theo sở thích của mỗi gia đình, nước cốt ngon được nêm thêm đường, muối cho vừa ăn. Có nơi còn cho thêm hành lá để tăng thêm hương vị món nước cốt dừa.
3/. Công đoạn làm bánh lá
Bước 1. Xay và trộn bột
Để bánh ngon, bạn nên chuẩn bị bột tự xay. Công thức bột chuẩn nhất bao gồm: 4 lon gạo, 1 lon nếp và ngâm qua một đêm. Lá mơ được xắt nhỏ trộn đều cùng hỗn hợp gạo, nếp. Trong lúc xay cần thêm 1 chén cơm nguội. Bí quyết này giúp bánh giữ độ mềm lâu hơn, không bị cứng.
Bột sau khi được xay nhuyễn thì trộn cho đều tay. Bột được để cho nghỉ một thời gian. Trong thời gian này bạn có thể chuyển sang công đoạn làm nước cốt dừa.
Bước 2. Chế biến nước cốt dừa
Dừa khô được bổ ngang, chắc hết nước bên trong. Sau đó đem dừa đi nạo. Cái dừa sau khi nạo xong cho vào một ít nước ấm. Cuối cùng vắt lấy phần nước cốt. Nước cốt dừa được bắt lên bếp. Nêm đường, muối và hành lá vào nồi nước. Để nước cốt dừa sôi lên và “kẹo kẹo” lại rồi tắt bếp.
Bước 3. Gói bánh
Lá mít sau khi hái về cần rửa sạch. Lựa những lá nguyên, có kích thước tương đối đều nhau để gói bánh. Cho bột lên lá, giàn đều là xong công đoạn này.
Bước 4. Hấp bánh
Chuẩn bị một nồi nước sôi. Bên trên đặt chiếc xửng. Xếp các gói bánh vào nồi và đậy nắp. Bánh khi chín sẽ có màu trong lại và sậm hơn với màu bột ban đầu.
Bước 5. Xếp bánh ra dĩa
Bánh ra lò phải để cho nguội sau đó mới lột bánh ra dĩa. Bởi vì bánh nóng sẽ rất mềm và dễ rách. Từng chiếc bánh lá lần lượt được xếp ra. Tùy theo sở thích của mỗi nhà, có nhà rưới nước cốt trực tiếp lên bánh. Có nhà lại thích để nước cốt riêng. Ăn bánh tới đâu, chấm tới đó.
4/. Thưởng thức bánh lá miền Tây
Bánh lá miền Tây là món ăn dân dã nhưng hương vị rất thơm ngon. Cắn một miếng bánh, cảm nhận đầu tiên bạn nhận thấy chính là sự mềm mại. Bột dẻo dai hòa quyện với mùi hương đặc trưng của lá mơ.
Đan xen vào đó chính là độ béo ngậy của nước cốt dừa. Sự kết hợp này quả thật rất ngon miệng. Đa phần bánh dân gian đều có vị tương tự nhau. Tuy nhiên món bánh lá lại khác biệt bởi mùi lá mơ.
Món bánh ngon phải trải qua các công đoạn khá vất vả. Tuy nhiên đây chính là khoảng thời gian các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Chiếc bánh ra lò như phần quà cho thời gian vất vả chuẩn bị bánh.
Không chỉ phổ biến tại các làng quê miền Tây, bánh lá được ưa chuộng khắp nơi. Nhiều người con xa xứ chắc hẳn sẽ rất nhớ hương vị của bánh lá đặc biệt này. Bạn hãy thử thưởng thức món bánh này khi có dịp ghé thăm miền Tây sông nước nhé. TopReview.vn hy vọng thông tin này hữu ích dành cho bạn.