Chuyên gia của VASEP nhận định, một tín hiệu "cực kỳ lạc quan" nữa đối với ngành hàng tôm xuất khẩu vào Trung Quốc là sản phẩm tôm Việt Nam hiện nay đang có giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Trị giá xuất khẩu tôm tăng mạnh
Theo Thời báo Tài Chính, trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng chưa từng có khi đạt giá trị gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về tổng thể, xuất khẩu tôm hùm 2 tháng đầu năm nay đạt gần 30 triệu USD, tăng 1.746% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm hùm xanh (tôm hùm đá) chiếm hơn 90% với 27,6 triệu USD, tăng gấp 80 lần, tiếp đến là tôm hùm bông đạt 2,15 triệu USD, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ.
Theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc, hiện nhà cung cấp tôm hùm bông chính của nước này là New Zealand - chiếm gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu. Theo sau là Mexico và Mỹ với thị phần lần lượt là 20% và 16%. Trong khi đó, ba nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đang phấn đấu tăng thị phần tôm hùm ở đất nước tỷ dân.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), gần 4 năm qua, cánh cửa để ba quốc gia nói trên đưa tôm hùm vào Trung Quốc càng rộng mở khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu tôm hùm từ Australia nhằm phản ứng với việc Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus corona gây đại dịch Covid-19. Dù quan hệ giữa hai quốc gia này đã được cải thiện từ năm ngoái, lệnh cấm vẫn chưa được gỡ bỏ.
Chia sẻ với Thanh Niên, một chuyên gia về thị trường tôm của VASEP cho biết, thông thường xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 1 vì trùng với tết Nguyên đán, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc rất lớn. Nhưng năm nay, tết Nguyên đán vào tháng 2 dương lịch và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của 2 nước có gần 1 tuần nghỉ tết nhưng giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc vẫn giữ được đà tăng trưởng cao.
Đối với thị trường Trung Quốc, Ecuador là nhà cung cấp tôm chiếm thị phần rất lớn nhưng chủ yếu là tôm dưới dạng nguyên liệu. Trong khi đó, sản phẩm tôm Việt Nam lại rất đa dạng, có thế mạnh là sản phẩm chế biến và người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có nhiều lựa chọn.
Cạnh đó, căng thẳng từ Biển Đỏ đẩy giá cước vận tải biển tăng cao khiến các doanh nghiệp Ecuador đang gặp khó trong việc đưa hàng đến Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhìn thấy khó khăn khi xuất khẩu tôm đến các thị trường xa như EU, Mỹ… và đang có nhiều giải pháp tập trung khai thác lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Trung Quốc.
Vị chuyên gia của VASEP cũng nhận định, một tín hiệu "cực kỳ lạc quan" nữa đối với ngành hàng tôm xuất khẩu vào Trung Quốc là sản phẩm tôm Việt Nam hiện nay đang có giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Điều này phản ánh, thị trường Trung Quốc đã nhận thức và đánh giá chất lượng của tôm Việt Nam cao hơn so với hàng từ các nước khác. Các doanh nghiệp Trung Quốc chấp nhận mua tôm giá cao từ Việt Nam và liên tục gia tăng sản lượng nhập khẩu.
"Thị trường Trung Quốc luôn có nhu cầu rất cao đối với các sản phẩm tôm của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chế biến. Bằng chứng là năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu gần 1 triệu tấn tôm Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tập trung vào cho hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mạnh, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao thì xuất khẩu tôm sang Trung Quốc năm nay còn tăng trưởng mạnh", theo chuyên gia của VASEP.
Bài toán nâng giá trị tôm trên thị trường thế giới
Theo tạp chí Công Thương, nhiều chuyên gia dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ hồi phục tích cực khi nguồn cung tôm toàn cầu suy giảm và nhu cầu dần phục hồi, giúp thúc đẩy giá xuất khẩu tăng trở lại.
Chu kỳ nuôi và thu hoạch tôm kéo dài trung bình từ 4 - 6 tháng, vì thế, nguồn cung tôm trên toàn cầu dự kiến sẽ có xu hướng bị thắt chặt trong nửa đầu năm nay, và dự kiến sẽ dần mở rộng trở lại trong nửa cuối năm khi nhu cầu tôm toàn cầu hồi phục.
Tại Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn dự báo thời tiết năm nay (khô, nóng) phù hợp với hoạt động nuôi tôm và nguồn cung tôm có thể sẽ nhanh chóng phục hồi, đáp ứng tốt nhu cầu chế biến khi hoạt động xuất khẩu tăng tốc.
Chánh Văn phòng Hiệp hội VASEP Trần Thuỵ Quế Phương cho rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay sẽ phục hồi và tăng trưởng từ 10 - 15% trong bối cảnh kinh tế các thị trường trọng điểm đang dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.
Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh cho tôm Việt Nam, doanh nghiệp cần tìm cách sản xuất hiệu quả để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như nâng được giá trị sản phẩm tôm xuất khẩu trên thị trường.
Về điều này, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, tôm nguyên liệu của Việt Nam chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguyên liệu sản xuất thức ăn, thuốc phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu nên chi phí sản xuất hiện đang cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ và Indonesia và cao gấp nhiều lần so với tôm nguyên liệu của Ecuador.
Bên cạnh đó, tôm Việt Nam vẫn còn đang cạnh tranh với các quốc gia khác ở phân đoạn logistics. Đường đi sản phẩm tôm của Ấn Độ, Ecuador đến các thị trường Mỹ, châu Âu ngắn hơn so với đường vận chuyển của Việt Nam. Gộp các chi phí này lại, tôm Việt Nam phải cạnh tranh gấp đôi so với các quốc gia khác.
“Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm bắt buộc phải đầu tư công nghệ tiên tiến hơn nữa để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao trong chinh phục thị trường quốc tế”, ông Lê Văn Quang nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong lĩnh vực chế biến tôm, cả thế giới mới có 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia đứng đầu về công nghệ chế biến sâu.
“Cũng nhờ vào sự đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế so với các quốc gia khác. Chính vì vậy, để giữ được vị thế xuất khẩu và ứng phó với chênh lệch giá thành tôm nguyên liệu, ngành tôm Việt phát huy thế mạnh là chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến sâu để duy trì thị phần”, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Đào Vũ (T/h)
Nổi bật trong ngày
Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD
Thứ 3, 26/03/2024 | 07:00
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trong năm 2024 do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tiếp tục tăng trong khi nguồn cung hạn chế.