Tổng hợp các loại sụn tự thân trong nâng mũi

4 năm trước 27

Qua nhiều năm ứng dụng, sụn tự thân cho thấy rất nhiều các ưu điểm vượt trội, là loại vật liệu an toàn và thường không thể thiếu trong các quy trình nâng mũi, đặc biệt là trong thao tác tạo hình đầu mũi.

Vì đặc điểm cấu trúc cũng như những khác biệt về mặt giải phẫu mà phẫu thuật nâng mũi ở người Châu Á thường yêu cầu phải dùng đến miếng độn. Có hai loại miếng độn được ứng dụng trong nâng mũi đó là sụn tự thân hoặc sụn nhân tạo. Mặc dù với sụn nhân tạo, việc tạo hình và loại bỏ khá đơn giản, nhưng một trong những nhược điểm đáng ngại nhất của loại vật liệu này là nguy cơ hình thành bao xơ dẫn đến tình trạng co thắt bao xơ.

Để khắc phục nhược điểm này, người ta đã sử dụng sụn tự thân, được thu lấy từ chính cơ thể bệnh nhân để nâng cao sống mũi cũng như tạo hình đầu mũi. Qua nhiều năm ứng dụng, sụn tự thân cho thấy rất nhiều các ưu điểm vượt trội, là loại vật liệu an toàn và thường không thể thiếu trong hầu hết các quy trình nâng mũi, đặc biệt là trong thao tác tạo hình đầu mũi.

Hiện tại có 3 loại sụn tự thân thường được sử dụng phổ biến nhất bao gồm: sụn sườn, sụn vách ngăn sụn tai.

Hiểu rõ được đặc điểm, chức năng của từng loại sụn này khi ứng dụng trong nâng mũi là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định đến sự thành công của ca phẫu thuật. Sụn tai có độ đàn hồi khá cao, có đủ độ dày và giữ được độ cong tự nhiên. Do đó, loại sụn này thích hợp cho các vị trí yêu cầu độ mềm dẻo và độ cong. Mặc dù vậy các miếng sụn tai vẫn có thể được khâu lại với nhau để sử dụng ở những chỗ cần miếng ghép thẳng. Sụn vách ngăn thường là loại sụn được sử dụng ở người Phương Tây. Tuy nhiên do vách ngăn người châu Á thường nhỏ và yếu, do đó nâng mũi mà chỉ sử dụng sụn vách ngăn thì sẽ không đủ. Sụn sườn có ưu điểm là số lượng lớn nhưng lại có thể để lại sẹo ở ngực và khi sử dụng sụn sườn cũng cần thận trọng, xét đến yếu tố độ tuổi bệnh nhân và nguy cơ cong vênh hoặc gãy của loại sụn này. Vì vậy sụn sườn chỉ nên được sử dụng cho các trường hợp tái tạo hoặc chỉnh sửa mũi khi không còn đủ nguồn sụn vách ngăn và sụn tai.

Ưu và nhược điểm của sụn tự thân

Ưu điểm:

  • Sụn tự thân được lấy 100% từ cơ thể của chính bệnh nhân nên ưu điểm là có độ tương thích hoàn toàn, không gây ra các phản ứng đào thải hay dị ứng giúp duy trì hiệu quả lâu dài.
  • Sụn tự thân có khả năng bám dính, liên kết với các cấu trúc khác nhau ở mũi và phát triển bình thường như khi còn ở môi trường cũ, do đó sẽ mang lại kết quả tự nhiên và lâu dài
  • Sụn tự thân do có khả năng phát triển bình thường sau khi được đưa vào mũi nên có thể hạn chế tối đa nguy cơ đùn sụn
  • Sụn tự thân cũng đã được chứng minh là vật liệu tuyệt vời để gia cố hoặc tạo lại các cấu trúc bị suy yếu hay gãy vỡ bên trong mũi. Chúng cũng có thể được sử dụng để tái tạo lại đầu mũi trong trường hợp sụn tự nhiên ở chóp mũi bị tổn thương hoặc đã bị loại bỏ.
  • sụn tự thân có độ mềm dẻo rất cao nên sau khi thực hiện phẫu thuật nâng mũi, dáng mũi sẽ rất mềm mại, tự nhiên như thật, không hề lộ dấu vết thẩm mỹ. Chính nhờ ưu điểm này mà phẫu thuật nâng mũi bằng sụn tự thân rất hiếm khi gây ra các biến chứng như lệch sống mũi và đầu mũi, căng cứng mũi, đầu mũi bị bóng đỏ, lộ sống mũi hay thủng đầu mũi…

Nhược điểm

  • Nâng mũi bằng sụn tự thân có chi phí cao hơn, phẫu thuật phức tạp hơn nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Ngoài vết thương ở mũi, khách hàng sẽ phải chịu thêm vết thương ở vị trí lấy sụn trên người nên quá trình hồi phục sẽ lâu hơn.
  • Vẫn có nguy cơ biến dạng, co rút và cong vênh theo thời gian
  • Có nguy cơ vách ngăn bị suy yếu, tai không đều hoặc ảnh hưởng đến vùng ngực hay lõm thái dương khi thu lấy quá nhiều các loại sụn ở những vị trí này. Tuy nhiên những trường hợp này đều rất hiếm và có thể tránh được ở bác sĩ có chuyên môn cao, kỹ thuật tốt.

Sụn sườn

sụn sườnSụn sườn

Trong số các loại sụn tự thân thì sụn sườn được coi là vật liệu “vàng”, nhất là trong các trường hợp cần chỉnh sửa mũi lần 2, khi sụn vách ngăn và sụn tai đã không còn nhiều và không thể sử dụng được nữa. Đây cũng là loại sụn đa năng nhất, có thể được dùng cho cả phần sống mũi và đầu mũi.

Sụn sườn thường được lấy ở vị trí xương sườn số 6,7 hoặc 8 ở bên ngực phải, tùy vào tình trạng mỗi bệnh nhân. Vị trí rạch da để lấy sụn sẽ nằm ở ởnếp gấp dưới vú (nếp chân vú).

Ưu điểm:

  • Nguồn sụn dồi dào nhất trên cơ thể, nhiều hơn hẳn các loại sụn khác như sụn vách ngăn, sụn tai hay sụn cân cơ thái dương. Có thể cung cấp để làm tất cả các mảnh ghép cần thiết từ chỉ 1 vị trí cho sụn sườn duy nhất trên cơ thể bệnh nhân.
  • Sụn sườn vốn cứng hơn, do đó, có thể được chạm khắc mỏng hơn, tránh tình trạng gồ to trong mũi.
  • Sụn sườn hầu như không tiêu và có độ chắc khỏe, do đó giảm tỉ lệ bị tái hấp thu
  • Thao tác cầm máu ở xương sườn không cần quá thận trọng như ở tai, nên vùng cho sụn cũng ít bị đau hơn
  • Ít gây chảy máu trong vách mũi vì bác sĩ không cần lấy sụn vách ngăn trong khoang mũi, do đó giảm đáng kể biến chứng ở mũi sau phẫu thuật.
  • Là lựa chọn tuyệt vời cho nhưng bệnh nhân không muốn dùng sụn nhân tạo nhưng lại bị cạn kiệt nguồn sụn tai hoặc sụn vách ngăn

Nhược điểm

  • Khó xác định độ cong vênh và gãy của miếng ghép bằng sụn sườn
  • Thao tác xử lý miếng ghép sụn sườn phức tạp, khó khăn
  • Đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có trình độ chuyên môn cao
  • Quá trình hồi phục lâu hơn do có thêm vùng phải rạch mổ để lấy sụn sườn
vị trí lấy sụn sườnVị trí lấy sụn sườn
quá trình thu lấy sụn sườnQuá trình thu lấy sụn sườn
phân chia và chạm khắc sụn sườn thu lấy đượcChạm khắc sụn sườn thu lấy được

Sụn vách ngăn

sụn vách ngănSụn vách ngăn

Sụn vách ngăn là loại sụn được lấy ở phần vách ngăn ngăn cách giữa hai bên lỗ mũi. Sụn vách ngăn chủ yếu được sử dụng để kéo dài chiều dài của mũi hoặc tăng cao độ nhô đầu mũi và dựng trụ mũi. Loại sụn này có thể dùng để làm các miếng ghép mở rộng rách ngăn, làm thanh chống trụ mũi, làm miếng ghép xếp chồng ở chóp mũi hay các miếng ghép ở phần cánh mũi

Ưu điểm

  • Có độ dày và độ cứng lý tưởng, hiếm khi bị cong vênh hay biến dạng
  • Khác với sụn tai, sụn vách ngăn có đặc điểm thẳng nhưng vẫn có độ mềm dẻo nhất định, do đó việc sử dụng sụn vách ngăn ở đầu mũi vẫn có thể đảm bảo độ mềm mại tự nhiên, bệnh nhân có thể vặn lắc đầu mũi như bình thường
  • Có thể được dùng để gia cố vách ngăn mũi, dựng trụ mũi và tạo hình đầu mũi. Thậm chí có thể dùng được cho cả phần sống mũi hoặc vùng gian mày (giữa hai mắt), mặc dù khá hiếm
  • Lấy sụn vách ngăn thông qua đường rạch nâng mũi luôn, do đó không cần thêm đường rạch ở vị trí khác, vì vậy bệnh nhân ít đau hơn và quá trình hồi phục đơn giản, nhanh hơn.
  • Có thể được sử dụng để khắc phục tình trạng lệch vách ngăn

Nhược điểm

  • Số lượng hạn chế. Sụn vách ngăn ở người châu Á thường nhỏ và yếu, do đó lượng sụn có thể lấy sẽ không nhiều, vì vậy trong một số trường hợp vẫn cần dùng đến một loại vật liệu khác
  • Mặc dù nguy cơ cong vênh thấp, nhưng sụn vách ngăn lại thường yếu hơn, do đó trong nhiều trường hợp không tiềm năng như sụn sườn.
  • Đòi hỏi kỹ thuật lấy sụn vách ngăn tốt, để đảm bảo vách ngăn còn lại vẫn giữ được sự ổn định, chắc chắn
  • Vách ngăn sau khi thu lấy sụn có thể trở nên yếu và khó duy trì ổn định lâu dài
sụn vách ngănVị trí sụn vách ngăn
vị trí miếng sụn vách ngăn thu lấy đượcVị trí thu lấy sụn vách ngăn và miếng sụn vách ngăn thu lấy được
thanh chong tru muiSụn vách ngăn được dùng để dựng trụ mũi

Sụn tai

sụn taiSụn tai

Sụn tai là loại sụn được lấy ở xoăn trên tai và xoăn dưới tai, có thể lấy qua đường rạch ở mặt trước hoặc mặt sau tai. Sụn tai có thể được sử dụng để làm các miếng ghép xếp chồng ở đầu mũi, hay các miếng ghép ở cánh mũi để gia cố, tạo hình phần đầu mũi.

Ưu điểm

  • Sụn tai có dạng cong vòm rất phù hợp với việc bọc đầu mũi và tinh chỉnh phần cánh mũi, giúp tạo đầu mũi tự nhiên, cho dù những tác động như như nhéo mũi, thì mũi vẫn có thể chuyển động nhịp nhàng, không hề làm ảnh hưởng đến cấu trúc mũi
  • Có đặc tính dẻo, mềm mại, dễ uốn nắn nên khi bọc đầu mũi sẽ không gây bào mòn da đầu mũi
  • Rất hiếm có nguy cơ bóng đỏ, lộ sụn đầu mũi

Nhược điểm

  • Sụn tai chỉ có thể được sử dụng cho phần đầu mũi, do đó bệnh nhân vẫn sẽ cần đến sụn nhân tạo hoặc sụn sườn để nâng cao sống mũi và nếu cần dựng trụ mũi thì vẫn cần đến cả sụn vách ngăn. Do đó quá trình phẫu thuật thường sẽ phức tạp vì có liên quan đến nhiều vật liệu sử dụng để nâng mũi.
  • Sụn tai sau khi lấy đi sẽ không thể tái tạo lại được, vì thế với những trường hợp không may cần chỉnh sửa lại có thể sẽ không đủ sụn tai để bọc đầu mũi và trong trường hợp này bắt buộc sẽ phải lựa chọn một loại sụn khác.
  • Sụn tai có thể bị co rút và teo đi theo thời gian, do đó hình dạng đầu mũi về lâu dài có thể bị thay đổi, thấp hơn so với sau khi mới nâng.
vị trí lấy sụn taiVị trí lấy sụn tai
đường rạch thu lấy sụn taiĐường màu đỏ là đường rạch lấy sụn tai
thu lấy sụn taiQuá trình thu lấy sụn tai
miếng ghép vành sụn cánh mũiSụn tai được dùng làm miếng ghép vành sụn cánh mũi

Như vậy, mỗi loại sụn đều có những đặc tính và chức năng riêng. Mặc dù không thể tránh khỏi nhược điểm nhưng nhược điểm của sụn tự thân gần như không đáng kể và ưu điểm vượt trội hơn cả. Trên thực tế nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nhược điểm của sụn tự thân trong phẫu thuật nâng mũi có thể dễ dàng khắc phục được nếu bác sĩ thực hiện có kiến thức chuyên sâu về cấu trúc mũi, hiểu rõ sự khác biệt về mặt cấu trúc ở mũi của các sắc tộc khác nhau cũng như hiểu được các đặc trưng của từng loại sụn.

Đọc toàn bộ bài viết