Tổng hợp các vấn đề có thể xảy ra sau tiêm botox thon gọn hàm

4 năm trước 29

Botox thon gọn hàm mặc dù là quy trình không phẫu thuật, không xâm lấn nhưng đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn cao và hiểu biết sâu rộng về giải phẫu vùng hàm. Do đó nếu không may được thực hiện bởi những bác sĩ không chuyên hoặc kỹ thuật viên tay nghề non kém thì nguy cơ gặp phải các vấn đề sau tiêm là khó tránh khỏi.

Nhược điểm lớn nhất của bản thân botox đó là hoạt chất này không có chất “tiêm tan”, tức là không thể đảo ngược. Một khi đã được tiêm vào nếu kết quả không hài lòng hoặc gây ra các vấn đề gì đó thì rất hiếm trường hợp có thể can thiệp giảm nhẹ mà chủ yếu bệnh nhân sẽ phải chờ cho đến khi hoạt chất này hết tác dụng, mọi thứ mới trở lại trạng thái trước tiêm. Chính vì vậy ngay từ đầu việc chọn bác sĩ có chuyên môn tiêm là yếu tố then chốt để đảm bảo có được kết quả an toàn và đúng như ý muốn.

Dưới đây Suckhoe123 sẽ liệt kê một số vấn đề có thể gặp phải sau tiêm:

Các vấn đề tạm thời

ảnh 2

Bầm tím

Tình trạng này khá phổ biến sau bất kỳ mũi tiêm nào, do mạch máu bị đâm trúng trong quá trình tiêm. Đây là vấn đề nhẹ, tạm thời, đôi khi khó tránh khỏi, thường gặp ở hầu hết bệnh nhân và thường biến mất trong vòng 5 – 7 ngày.

Tụ máu

Hiện tượng này xảy ra do kim đâm vào các động mạnh nối đến cơ cắn – bao gồm các động mạch vùng mặt và hàm và các nhánh của động mạch thái dương nông. Tụ máu có thể khiến bệnh nhân thấy đau, nhức hoặc sưng vùng tiêm, nhưng thường cũng tự cải thiện trong 1 – 2 tuần mà không cần can thiệp gì.

Chóng mặt, đau đầu

Đây là những phản ứng phụ với nguyên nhân không rõ ràng. Theo các nghiên cứu, những người báo cáo bị đau đầu sau lần đầu tiêm botox thon gọn hàm thường cũng bị đau trong những lần tiêm lặp lại sau đó. Một số trường hợp bị đau đầu khi được điều trị cả cơ cắn và các nếp nhăn trên mặt trong cùng một phiên. Những khác biệt về giải phẫu, sinh lý hoặc khả năng miễn dịch cá nhân có thể liên quan đến vấn đề này, do đó bác sĩ nên tránh tiêm nhiều vị trí cùng một lúc ở những bệnh nhân dễ bị nhức đầu.

Các vấn đề, biến chứng liên quan đến liều lượng tiêm hoặc kỹ thuật tiêm

Tiêm liều lượng không đúng, không phù hợp hoặc vị trí tiêm, độ sâu tiêm không đúng có thể gây ra các vấn đề như hiệu quả kém, không có phản ứng, bất đối xứng, má chảy xệ....

Hiệu quả kém

Hiệu quả kém có thể là do tiêm không đủ liều lượng hoặc hoạt chất được tiêm quá nông, không tiêm sâu vào trong cơ. Liều lượng botox thông thường để điều trị cơ cắn là 20 – 30 đơn vị. Nếu dùng liều thấp hơn có thể dẫn đến tình trạng cơ cắn vẫn hoạt động và vẫn sưng phình lên khi siết hàm hoặc nhai. Thường thì sau khoảng 2 -4 tuần mới bắt đầu thấy rõ được hiệu quả thon gọn vùng mặt dưới, khi các khối cơ đã bị suy yếu và teo đi do nhiều ngày không được sử dụng. Theo nghiên cứu, mức độ teo cơ thậm chí tiếp tục xảy ra ở tháng thứ tư với chỉ một lần tiêm duy nhất và sang đến tháng thứ 6 cơ mới dần hoạt động trở lại, lấy lại kích thước và sức mạnh của mình.

Không phản ứng/kháng thuốc

Tình trạng này rất hiếm khi xảy ra và nguyên nhân vẫn không rõ ràng nhưng có thể là do sự khác biệt trong hệ miễn dịch của từng cá nhân, như có sự hiện diện của các kháng thể độc tố. Có những người xuất hiện tình trạng kháng thuốc ngay từ những lần tiêm đầu nhưng có những người sau nhiều năm tiêm liên tục mới bị.

Bất đối xứng

Tình trạng bất đối xứng, cơ cắn/đường viền hàm bên to bên nhỏ có thể xảy ra nếu trước khi tiêm bác sĩ không nhận ra sự khác biệt về kích thước, độ dày giữa hai khối cơ cắn bên trái và bên phải – thường là do sở thích, thói quen ăn, nhai của bệnh nhân; sau đó đã không điều chỉnh liều lượng phù hợp mà vẫn tiêm liều bằng nhau cho cả hai bên.

Da má lỏng lẻo, chảy xệ

Tình trạng này thường thấy ở những bệnh nhân ở độ tuổi trung niên hoặc cao tuổi có gò má cao và được tiêm liều botox tiêu chuẩn như bình thường. Nguyên nhân là lớp da bên trên không có khả năng có săn lại đủ nhanh để phù hợp với tốc độ teo cơ dẫn đến tình trạng chảy xệ. Ở những bệnh nhân như này bác sĩ nên cân nhắc giảm liều và chia phiên điều trị thành nhiều lần, như vậy sẽ giúp làm chậm quá trình teo cơ, qua đó da có đủ thời gian để co săn lại. Hoặc kết hợp tiêm botox vào các cơ hạ ở vùng mặt dưới và vùng cổ như cơ da cổ có thể giúp ngăn ngừa biến chứng này.

Không thể cười rộng hết cỡ

không thể cười hết cỡKhông thể nâng khóe miệng để cười hết cỡ

Biến chứng này là do botox bị tiêm sai vị trí hoặc khuếch tán, lan vào cơ cười gần miệng làm tê liệt nhóm cơ này. Theo nghiên cứu, có đến hơn 95% bệnh nhân cơ cười bám vào phần trước hoặc phần giữa của cơ cắn và rất dễ bị ảnh hưởng nếu kỹ thuật tiêm không chuẩn. Để tránh nguy cơ này, bác sĩ cần hiểu rõ giải phẫu cơ, vùng tiêm an toàn cần xác định nằm cách viền trước của cơ cắn ít nhất 1 cm và giữ mũi tiêm sâu trong cơ.

Cười lệch, không đều

cười lệchCười lệch sau tiêm botox thon gọn hàm

Tình trạng cười lệch, cười không đều có thể là do botox làm tê liệt cơ gò má lớn do đặt mũi tiêm quá cao hoặc về phía trước quá nhiều. Chỉ cần tiêm thấp hơn và về phía sau nhiều hơn sẽ tránh trược biến chứng này.

Khó mở miệng

Nguyên nhân là vì botox làm suy yếu, tê liệt các cơ chân bướm ngoài, do bác sĩ tiêm quá sâu và quá cao (ở phần trên của cơ cắn). Trong mọi trường hợp chỉ nên tiêm vào phần dưới của cơ, dưới biên độ an toàn phía trên ít nhất 1 cm. Ngoài ra khớp thái dương hàm hoạt động bất thường cũng là một trong những lý do gây ra tình trạng khó mở miệng sau tiêm.

Má hóp

má hóp 2Má hóp rõ rệt sau tiêm

Biến chứng má hóp có thể xảy ra khi vị trí tiêm botox quá cao (ở phần trên của cơ cắn) và thường gặp ở những bệnh nhân có gò má cao hơn với túi mỡ má không nổi bật. Mặc dù gò má cao, má hóp với người da trắng phương tây được coi là một nét đẹp, nhưng ở người Châu Á lại được coi là dấu hiệu của sự mệt mỏi, già nua. Để tránh tình trạng này bác sĩ cần tiêm ở phần dưới/viền dưới của cơ cắn. Tình trạng má hóp sẽ không nhanh chóng biến mất trừ khi botox hết tác dụng, do đó bệnh nhân có thể tạm thời tiêm filler làm đầy vùng má hóp trong thời gian chờ.

má hóp sau tiêm fillerSau tiêm filler khắc phục tạm thời má hóp

Khô miệng

vị trí tuyến mang taiVị trí tuyến mang tai

Đây là một biến chứng hiếm gặp do botox sau tiêm bị khuếch tán đến các tuyến nước bọt mang tai gây giảm hoặc không tiết nước bọt. Tuyến mang tai nằm phủ lên phần phía sau của cơ cắn, do đó để tránh biến chứng này bác sĩ cần đảm bảo tiêm sâu và cách viền sau của cơ cắn ít nhất 1 cm.

Liệt thần kinh mép bờ hàm dưới

vị trí nhánh thần kinh mép bờ hàm dướiVị trí nhánh thần kinh mép bờ hàm dưới

Đây là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp tuy nhiên vẫn có thể xảy ra nếu kỹ thuật tiêm không tốt. Dây thần kinh mép bờ hàm dưới chạy cách viền hàm khoảng từ 0,1 đến 1cm. Do đó chỉ cần tiêm botox vào đúng vùng an toàn trong cơ cắn thì sẽ tránh được biến chứng này.

Tóm lại, tiêm botox thon gọn hàm vẫn được xem là một quy trình thẩm mỹ thường được thực hiện với kết quả tốt và tỉ lệ an toàn cao. Để giảm thiểu các vấn đề và biến chứng không mong muốn thì kiến thức chuyên môn và việc nắm rõ đặc điểm giải phẫu cơ là điều rất quan trọng. Liều lượng tiêm phù hợp, vị trí tiêm và độ sâu tiêm cũng đều là yếu tố then chốt mang lại kết quả như ý.

vùng tiêm an toànVị trí vùng tiêm an toàn

Vùng an toàn được khuyến nghị khi tiêm btoox vào cơ cắn là một hình tứ giác với đường viền trên chạy từ góc miệng đến dái tai, viền trước và viền sau tương ứng với cạnh trước và cạnh sau của cơ cắn, viền dưới tương ứng với viền dưới của hàm. Đặt các điểm tiêm nằm trong vùng an toàn, và lý tưởng nhất là đặt 3 – 4 điểm tiêm, cách ít nhất 1cm đối với bất kì viền nào. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng cần nắm rõ các đặc điểm khác nhau của từng vấn đến, biến chứng, nguồn gốc căn nguyên của chúng để biết cách kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả từ trước.

Đọc toàn bộ bài viết