Phần lớn chúng ta khi bắt đầu ra nước ngoài học tập hay sinh sống thường đặt ra rất nhiều câu hỏi về những thứ cần chuẩn bị, mang theo khi xuất ngoại. Do sự giới hạn về khối lượng hành lý ký gửi và xách tay khi đi máy bay. Nên chúng ta không thể mang theo tất cả những gì mình muốn. Dưới đây là gợi ý những món đồ cần thiết nhất khi chuẩn bị đi du học.
Giấy tờ
Hộ chiếu có visa của nước sẽ đến, bản sao dịch và công chứng giấy tờ cá nhân (giấy khai sinh, hộ khẩu…), bản sao dịch và công chứng bằng cấp (bằng, bảng điểm, giấy chứng nhận…), bản gốc bảo hiểm quốc tế, vé máy bay.
Tiền
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn cần mang theo bao nhiêu tiền. Với những người được học bổng toàn phần thì chỉ cần mang theo ít tiền đủ dùng cho sinh hoạt phí 1-2 tháng đầu. Mua tài liệu sách vở, làm thẻ cư trú và đóng ký túc xá/thuê nhà…. Còn những người đi du học tự túc hoặc học bổng một phần thì có thể mang tiền học phí và sinh hoạt phí… cả kỳ hoặc cả năm học.
Hiện nay ở nước ta có rất nhiều ngân hàng có thẻ Master Card hoặc Visa Card mà bạn có thể rút tiền ở nước ngoài. Nên chúng ta nên đến các ngân hàng lớn ở Việt Nam, nhờ họ tư vấn dịch vụ thích hợp, tiết kiệm. Để ta có thể mở tài khoản và rút tiền ở nước ngoài do người nhà gửi từ Việt Nam. Cách làm này an toàn hơn, và vì chúng ta cũng không thể mang theo một khoản tiền mặt lớn vào nước khác khi nhập cảnh mà không khai báo. Bạn nên đổi một ít tiền mà nước sẽ đến đang dùng để tiện mua đồ, đi xe bus…
Tài liệu học tập
Sách vở, bút, máy tính xách tay (nếu có)… chỉ mang những đồ thật quan trọng và cần thiết. Vì bạn có thể mua ở nước ngoài và có những sách không dùng đến. Tùy theo ngành học, bạn có thể mang theo một vài cuốn sách chuyên ngành bằng tiếng Việt sát với ngành học nhất. Để phòng khi giai đoạn đầu, ngoại ngữ chưa tốt, lên giảng đường chưa bắt kịp bài giảng của thầy, đọc sách tiếng họ chưa hiểu thì còn có tài liệu tham khảo. Nên mang theo vở, bút vì thường những thứ này ở nhà rẻ hơn ở nước ngoài.
Đồ ăn
Cần chuẩn bị ít đồ ăn sẵn (như mì tôm, phở gà, bánh mì ruốc…) có thể ăn trong 2-3 ngày đầu khi mới sang, chưa biết chỗ ăn hoặc vào đúng dịp cuối tuần/ngày lễ.
Bạn nên mang theo nhiều đồ khô như mì, miến, mộc nhĩ, nấm hương, ngũ vị hương, xả, quế, ớt khô, bánh đa nem… để có thể tự làm các món ăn Việt khi thèm. Mắm là thứ rất khó mua khi ở nước ngoài. Nếu có thể, bạn nên mang theo 1-2 chai, chai nhựa càng tốt, cuốn vào giấy báo, rồi để trong hành lý ký gửi. Nhiều người nước ngoài rất thích các đồ ăn Việt, điển hình là nem rán, phở, chả nướng… Những thứ bạn có thể tự làm với những đồ khô mang theo và mua nguyên liệu ở nước sở tại. Qua ẩm thực, bạn vừa giới thiệu, quảng bá được hình ảnh đất nước, lại vừa tạo được thiện cảm. Giúp thiết lập các mối quan hệ mới tốt đẹp cho công việc và cuộc sống khi ở nước ngoài.
Vật dụng
Bạn chỉ nên mang theo những quần áo và giày dép cần thiết, đủ dùng trong 1-3 tháng đầu. Sau đó khi quen, bạn có thể tự đi mua và có thể chọn những hàng giảm giá vào các mùa nhất định trong năm. Cần chú ý đến đồ mùa đông, nhất là sang những nước có mùa đông băng giá.
Đồ dùng cá nhân
Khăn mặt, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội… nên mang theo một lượng nhỏ đủ dùng trong vài tuần hoặc một tháng đầu. Khi quen bạn có thể tự mua ở đó. Có những đồ dùng có thể không phù hợp với thời tiết, độ ẩm ở nước bạn sẽ sang.
Thuốc
Cần mang theo những loại thuốc thông thường như thuốc cảm, thuốc đau đầu, thuốc ho, thuốc đi ngoài, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi… có hạn càng lâu càng tốt và đủ dùng thậm chí 1-2 năm. Vì bạn nhớ rằng khi ra nước ngoài là mình phải tự chăm sóc bản thân, sống độc lập và “không được phép” ốm.
Quà
Bạn nên mang theo những món quà nhỏ nhưng mang đậm bản sắc Việt để tặng cho giáo sư, bạn bè người nước ngoài. Quà có thể là đồ lưu niệm hoặc đồ ăn. Nhưng cần phải đảm bảo chất lượng, nhãn mác rõ ràng và gọn nhẹ. Những đồ lưu niệm như tranh thêu, tranh Đông Hồ, khăn lụa Hà Đông… thường được các du học sinh lựa chọn khi mang ra nước ngoài. Bạn có thể chỉ mua tranh, còn khung sẽ mua ở siêu thị bên nước đó cho đỡ nặng. Những đồ ăn, đồ uống như bánh pía, mứt sen, hoa quả khô, chè sen, cà phê… cũng được nhiều người lựa chọn. Nếu được nên chọn những thứ có cả nhãn mác tiếng Anh.
Từ điển bỏ túi
Phòng trừ trường hợp giao tiếp của bạn còn hạn chế. Từ điển bỏ túi là cứu cánh cho bạn những lúc cần thiết.
Kính mắt dự phòng
Kính mắt ở nước ngoài rất đắt. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên chuẩn bị 2 đến 3 cái kính mang theo. Phòng trừ khi gãy bể.
Hãy tìm hiểu kỹ những thứ cần mang sang và những thứ không được phép đem theo. Và để nắm rõ thông tin về những món đồ bị cấm mang theo trong hành lý đi du học, bạn có thể ghé vào trang quy định của hãng hàng không mà bạn sử dụng để tìm hiểu kỹ càng.