Thuốc trị nấm da được dùng trong điều trị các bệnh da liễu do nấm gây ra như nấm da thân, da đầu, nấm móng, nấm bẹn, lang ben và hắc lào. Tùy vào mức độ tổn thương da, phạm vi ảnh hưởng và khả năng đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống nấm dạng bôi ngoài hoặc dạng uống.
Thuốc trị nấm da được sử dụng khi nào?
Nấm da là bệnh da liễu khá phổ biến, thường xảy ra ở người sinh sống trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, vệ sinh kém, mật độ dân cư đông đúc. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể – kể cả da đầu, vùng kín và móng.
Dùng thuốc trị nấm da là phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh lý này. Vì vậy phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều phải sử dụng thuốc để ức chế vi nấm, giảm tổn thương da và ngăn ngừa biến chứng. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí ảnh hưởng và khả năng đáp ứng mà bác sĩ có thể chỉ định thuốc trị nấm ở dạng bôi ngoài hoặc thuốc dạng uống.
Các loại thuốc ở dạng uống có hiệu lực mạnh nên thường được sử dụng trong những trường hợp nấm da nặng và lan tỏa. Tuy nhiên so với thuốc bôi ngoài, thuốc dạng uống có nguy cơ cao và dễ phát sinh các tác dụng không mong muốn.
Top 7 loại thuốc trị nấm da được sử dụng phổ biến
1. Thuốc chống nấm Griseofulvin
Griseofulvin là thuốc chống nấm được sử dụng bằng đường uống. Thuốc hoạt động bằng cách phá vỡ cấu trúc thoi gián phân tế bào, từ đó làm ngưng pha giữa của phân bào khiến DNA của nấm bị khiếm khuyết và không có khả năng sao chép..
Thuốc Griseofulvin được sử dụng để điều trị nấm da đùi, nấm râu, nấm da chân, nấm móng và nấm da đầu do vi nấm Epidermophyton, Microsporum và Trichophyton nhạy cảm. Loại thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp nhiễm nấm nặng và không có đáp ứng tốt với các loại thuốc trị nấm da tại chỗ.
Chống chỉ định:
- Người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin
- Mẫn cảm với thuốc
- Suy tế bào gan
Bên cạnh đó thuốc Griseofulvin còn có khả năng gây nhiễm độc nặng. Với những người sử dụng thuốc trong thời gian dài, cần kiểm tra chức năng gan, thận và máu theo định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
2. Thuốc chống nấm dạng uống Ketoconazole 200mg
Ketoconazole là thuốc nấm imidazole có phổ kháng nấm rộng. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế tổng hợp ergosterol, từ đó làm thay đổi cấu tạo thành lipid ở màng tế bào nấm, khiến vi khuẩn bị kìm hãm hoặc tiêu diệt.
Thuốc Ketoconazole 200mg được sử dụng để điều trị nhiễm nấm ở tay, móng tay không có đáp ứng tốt với điều trị tại chỗ hoặc nhiễm nấm toàn thân do Blastomyces, Candida, Histoplasma, Coccidioides, Paracoccidioides,…
Chống chỉ định:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Mắc bệnh gan cấp hoặc mãn tính
Tương tự Girseofulvin, thuốc trị nấm Ketoconazole đường uống có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan. Vì vậy cần kiểm tra chức năng gan, thận thường xuyên để kịp thời xử lý nếu có vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó nên cân nhắc trước khi sử dụng Ketoconazole cho trẻ em vì thuốc có thể ức chế chuyển hóa vitamin D và quá trình tổng hợp các steroid.
3. Thuốc trị nấm đường uống Itraxcop
Thuốc trị nấm Itraxcop chứa thành phần chính là Itraconazole 100mg ở dạng hạt. Thành phần này có tác dụng ức chế nhiều loại vi nấm gây nhiễm trùng da thường gặp như Blastomyces, Trichosporon spp, Candida, Epidermophyton floccosum,…
Thông thường, thuốc trị nấm Itraxcop được sử dụng trong điều trị nấm móng tay, móng chân, nấm da chân, nấm bẹn, nấm da thân và một số trường hợp nhiễm nấm khác như nhiễm nấm Candida ở miệng – họng và phòng ngừa nhiễm nấm ở người suy giảm miễn dịch.
Chống chỉ định:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Người quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Người sử dụng các loại thuốc như Terfenadin, Midazolam, Triazolam, Cisapride,…
So với Ketoconazole và Griseofulvin, Itraxcop ít có nguy cơ phát sinh tác dụng phụ. Tuy nhiên khi sử dụng, cần uống thuốc ngay sau khi ăn để đảm bảo tác dụng điều trị.
4. Thuốc bôi trị nấm Nizoral
Nizoral là thuốc bôi trị nấm da được sử dụng khá phổ biến. Thuốc được bào chế ở dạng kem bôi ngoài da với thành phần chính là Ketoconazole. Loại thuốc này được sử dụng trong điều trị nấm da đầu, nấm vùng kín, nấm da chân và một số bệnh da liễu do nấm khác như lang ben, hắc lào,…
Cách sử dụng:
- Vệ sinh vùng da cần điều trị và lau khô với khăn sạch
- Sử dụng một lượng kem mỏng thoa lên da và đợi thuốc khô hoàn toàn
- Dùng thuốc 2 lần/ ngày hoặc sử dụng theo chỉ định của bác sĩ
- Sau khi dùng thuốc, cần vệ sinh tay với xà phòng để tránh tình trạng thuốc dính vào các vùng da khỏe mạnh
Khi sử dụng thuốc trị nấm da Nizoral, bạn cần dùng thuốc đều đặn theo tần suất và liều lượng được chỉ định. Ngưng thuốc sớm và đột ngột có thể khiến vi nấm tiếp tục phát triển và gây tái phát bệnh.
5. Thuốc bôi trị nấm da Clotrimazole 1%
Thuốc trị nấm da Clotrimazole 1% được bào chế ở dạng kem đặc và sử dụng trực tiếp tại vùng da bị ảnh hưởng. Thuốc hoạt động bằng cách can thiệp lên các lipid ở màng, từ đó làm thay đổi tính thẩm thấu của vách tế bào và ức chế sinh tổng hợp ergosterol của vi nấm.
Loại thuốc bôi này có tác dụng ức chế hầu hết các loại vi nấm gây bệnh ở ngoài da như Malassezia furfur, dermatophytes, Epidermophyton floccosum, Trichophyton rubrum, Candida,…
Thuốc được sử dụng từ 2 – 3 lần/ ngày và dùng tương tự các loại thuốc kháng nấm tại chỗ khác. Để ức chế vi nấm hoàn toàn, bạn nên dùng thuốc đều đặn theo thời gian được bác sĩ chỉ định.
6. Thuốc bôi Lamisil Cream trị nấm da
Lamisil Cream là thuốc bôi trị nấm chứa thành phần chính là Terbinafine. Terbinafine là thuốc chống nấm hoạt động bằng cách thay đổi khả năng tạo chất hóa học của nấm khiến màng tế bào suy yếu. Sau đó Terbinafine can thiệp vào quá trình sinh tổng hợp ergosterol dẫn đến tình trạng thiếu hụt ergosterol và làm tăng nồng độ squalene nội bào, từ đó gây chết vi nấm.
Thuốc được sử dụng trong điều trị nấm da do nhiễm Candida, Trichophyton hoặc Pityrosporum orbiculare. Thuốc bôi trị nấm Lamisil Cream được sử dụng với liều dùng từ 1 – 2 lần/ ngày hoặc dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi dùng loại thuốc này, bạn có thể gặp phải một số tác dụng ngoại ý như nóng da, ban đỏ, kích ứng, đau rát, nổi mề đay và mẩn cảm.
7. Kem bôi trị nấm da Dipolac G
Dipolac G là kem bôi trị nấm da được phối hợp giữa thành phần kháng sinh, chống viêm và chống nấm nhằm ức chế vi nấm gây bệnh, giảm viêm, ngứa và ngăn ngừa bội nhiễm da.
Thành phần chính của thuốc bôi trị nấm da Dipolac G, bao gồm:
- Gentamicin 15mg: Gentamicin là hoạt chất kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn dựa trên hoạt động ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của khuẩn gây bệnh.
- Clotrimazol 150mg: Clotrimazol là hoạt chất kháng nấm phổ rộng, được sử dụng để điều trị các bệnh da liễu do nấm như nấm da thân, da đùi, nấm móng, lang ben và lác đồng tiền.
- Betamethason 9.6mg: Betamethason là một corticoid tổng hợp có tác dụng chống dị ứng và chống viêm mạnh. Hoạt chất này có tác dụng giảm viêm đỏ, sưng đau, ngứa ngáy và khó chịu ở vùng da nhiễm nấm.
Thuốc bôi da Dipolac G không chỉ được dùng trong điều trị nấm da, nấm kẽ, viêm quanh móng do nấm mà còn được sử dụng để điều trị viêm da tiếp xúc, bệnh chàm, vảy nến, viêm da thần kinh,…
Những lưu ý khi dùng thuốc trị nấm da
Thuốc trị nấm da là nhóm thuốc đặc hiệu trong dùng điều trị các bệnh da liễu do vi nấm nhạy cảm. Sử dụng thuốc đều đặn có thề kìm hãm/ tiêu diệt vi nấm gây bệnh, giảm tổn thương ở da và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên để phòng ngừa rủi ro và đạt được hiệu quả điều trị tối ưu khi dùng thuốc trị nấm, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Chỉ sử dụng thuốc trị nấm da – đặc biệt là thuốc đường uống khi có chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc. Việc dùng các loại thuốc kháng nấm không nhạy cảm có thể khiến vi nấm kháng thuốc và bùng phát mạnh.
- Khi dùng thuốc kháng nấm, cần sử dụng đều đặn trong thời gian được chỉ định để giảm nguy cơ kháng thuốc và tái phát.
- Bên cạnh việc sử dụng thuốc chống nấm, bạn có thể dùng kết hợp với các loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc chống ngứa, giảm đau, chống viêm,…
- Cần vệ sinh và chăm sóc da đúng cách nhằm giảm nguy cơ viêm nhiễm và thúc đẩy tốc độ hồi phục của mô da.
- Uống nhiều nước, bổ sung thêm chất xơ, khoáng chất và vitamin nhằm tăng sức đề kháng, hỗ trợ ức chế vi nấm và đầy lùi bệnh.
- Tránh chà xát và cào lên vùng da bị ảnh hưởng.
- Nếu nhận thấy tác dụng phụ khi sử dụng thuốc trị nấm da, cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn cách khắc phục.
Bài viết đã tổng hợp 7 loại thuốc trị nấm da được sử dụng phổ biến và một số điều cần lưu ý khi sử dụng. Ngoài ra để được tư vấn cụ thể về liều dùng, tần suất và thời gian sử dụng, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
Tham khảo thêm: Các loại thuốc bôi trị viêm da cơ địa tốt nhất hiện nay