TP.HCM cần làm gì để phân loại rác tại nguồn hiệu quả?

2 năm trước 52

(PLO)- Các ý kiến cho rằng TP.HCM nên đầu tư phương tiện thu gom rác phù hợp, đẩy nhanh các dự án đốt rác phát điện, phát triển mạng lưới tái chế và tái sử dụng rác với quy mô lớn…

Để công tác phân loại rác tại nguồn hiệu quả, TP cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về mặt pháp lý; đầu tư phương tiện thu góp rác một cách phù hợp; đẩy nhanh thực hiện các dự án đốt rác phát điện…

Cần sớm có văn bản hướng dẫn

Về công tác phân loại rác tại nguồn ở TP.HCM, theo Quyết định 09/2021 của UBND TP.HCM (Quyết định 09), TP phân loại rác thành hai nhóm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.

Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Trưởng phòng TN&MT quận 1, cho rằng: Cần đẩy mạnh thêm công tác hình ảnh tuyên truyền. Kỹ thuật nghe, nhìn cần áp dụng như sử dụng các trang mạng xã hội cũng là một cách tuyên truyền có hiệu quả. Đặc biệt, cần chú trọng tuyên truyền cho lực lượng học sinh, sinh viên, đây là lực lượng tương lai sẽ thực hiện kế thừa.

Theo ông Lê Minh Hiếu, Phó Trưởng phòng TN&MT quận Bình Tân: Sau khi TP.HCM ra Quyết định 09, phía quận đã thực hiện tuyên truyền đến người dân cách phân loại rác. Đến cuối năm 2021, quận đã có 74/130 khu phố thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn.

“Để hiệu quả hơn trong công tác phân loại rác tại nguồn, rất mong Sở TN&MT, UBND TP sớm có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc phân loại rác tại nguồn theo Luật BVMT cũng như đặc thù của TP” - ông Hiếu nói.

 N.CHÂU

Các quận, huyện đề xuất TP cần chuyển đổi phương tiện thu gom rác cho phù hợp với thực tế hiện nay. Ảnh: N.CHÂU

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Trưởng phòng TN&MT quận 1, chia sẻ: Từ năm 2021, quận đã triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn trên địa bàn theo Quyết định 09. “Một trong những vấn đề đặt ra là vấn đề pháp lý khi Quyết định 09 ban hành trước thời điểm Luật BVMT 2020 có hiệu lực. Do đó, TP cần có hướng dẫn các địa phương thực hiện cụ thể, sao cho phù hợp về mặt pháp lý” - ông Nguyên đề xuất.

Các địa phương trên địa bàn TP.HCM đánh giá việc phân loại thành hai loại theo Quyết định 09 mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và cả đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác hơn. Đồng thời, việc phân loại rác này cũng phù hợp công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện thay vì chôn lấp mà TP hướng tới.

Đầu tư cho phương tiện thu gom rác

GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: Trong 20 năm qua đã có nhiều dự án thử nghiệm phân loại rác tại nguồn ở TP.HCM. Tuy nhiên, những dự án này chỉ mang khởi sự ban đầu để khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn.

Do đó, để việc phân loại rác tại nguồn có hiệu quả, chúng ta phải phát triển được mạng lưới tái chế và tái sử dụng rác quy mô lớn. Điều này có nghĩa là khi phân loại rác thì chúng ta phải biết rác này đi đâu, về đâu để mang lại hiệu quả.

“Đốt rác phát điện là cần thiết với các đô thị phát triển. Năng lượng tái tạo thu được từ các nguồn khác nhau là cần thiết. TP.HCM mỗi ngày phát sinh hơn 9.000 tấn chất thải thì nguồn điện năng thu được từ đây sẽ rất lớn. Nếu chúng ta đốt rác mà không phân loại thì sẽ mất nhiệt lượng, khó đốt hoặc khó thu hồi nhiệt” - GS-TS Lê Thanh Hải nói.

Về góc độ của người thu gom rác, ông Phạm Văn Khanh, Giám đốc Hợp tác xã Môi trường quận 5, cho rằng: Cần có sự đồng bộ từ các chính sách, văn bản hướng dẫn và có sự đồng lòng thực hiện của chủ nguồn thải và người thu gom. Cạnh đó, cần có trợ giá túi nylon để người dân cũng như người thu gom rác thấy được giá trị của nó.

“Tôi nghĩ nên xử lý nylon bằng cách thu mua với giá cao để người dân phân loại để bán. Nếu trường hợp người dân chưa phân loại thì nắm bắt từ bài toán kinh tế, chính những người thu gom rác thấy được giá trị của nylon họ cũng sẽ phân loại rất tốt” - ông Khanh nói.

Liên quan đến phương tiện thu gom, ông Nguyễn Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất (quận 12), cho biết: Để hiệu quả hơn trong công tác phân loại rác tại nguồn, trước tiên là chuyển đổi phương tiện cho phù hợp.

“Trước đây, khi thực hiện phân loại rác chúng tôi cũng gặp nhiều bất cập, nhất là trong công tác thu gom, một số hộ dân đã phân loại nhưng có một vài đơn vị thu gom không đủ phương tiện thiết bị để thu gom theo đúng phân loại mà thường gom chung. Từ đó việc phân loại rác không mang lại hiệu quả” - ông Hùng chia sẻ.•

Chờ hướng dẫn phân loại từ Bộ TN&MT

Theo Sở TN&MT TP.HCM, Luật BVMT năm 2014 chưa quy định cụ thể việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn thành bao nhiêu loại. Do đó, trong giai đoạn 2016-2020, TP triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với công nghệ xử lý của TP.

 N.CHÂU

Người thu gom rác phân loại sau thu gom. Ảnh: N.CHÂU

Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, trong đó quy định cụ thể chất thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại, lộ trình thực hiện chậm nhất đến ngày 31-12-2024.

Hiện Bộ TN&MT đang xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để hướng dẫn các địa phương thống nhất áp dụng. Sau khi có văn bản hướng dẫn của bộ, Sở TN&MT sẽ tham mưu, trình UBND TP.HCM lộ trình cụ thể triển khai để đảm bảo việc phân loại chất thải sinh hoạt theo quy định.

NGUYỄN CHÂU

Đọc toàn bộ bài viết