TP.HCM: Thiếu giáo viên nhưng không tìm được nguồn tuyển

2 năm trước 33

(PLO)- Sắp hết học kỳ 1 nhưng tình trạng thiếu giáo viên các cấp học ở nhiều nơi, thậm chí một số cơ sở mầm non phải “hạ chuẩn” vẫn không tìm được người.

Báo cáo với UBND TP.HCM và Bộ GD&ĐT về tình hình khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết năm học 2022-2023, các bậc học từ mầm non đến THPT đã tuyển mới được 3.244 giáo viên (GV). Toàn TP còn thiếu 5.939 GV theo biên chế.

Hiện nhiều trường, địa phương tiếp tục tuyển dụng vẫn không đủ người.

Tuyển bảo mẫu không cần bằng cấp

TP.HCM đang thiếu bảo mẫu trầm trọng nên một số đơn vị chấp nhận tuyển dụng bảo mẫu chưa qua đào tạo.

Trên mạng, nhiều trường mầm non lập fanpage tuyển bảo mẫu không cần bằng cấp nhưng vẫn không tuyển đủ người. Do nhu cầu tuyển dụng lớn, để thông tin không bị trôi, nhiều trường cứ vài ngày lại đăng thông tin và “săn” ứng cử viên.

 HB

Bậc tiểu học, các trường khan hiếm giáo viên tiếng Anh, tin học. Trong ảnh: Cô trò Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ trong một giờ học tin học. Ảnh: HB

Theo thông tin trên một fanpage, chúng tôi đã tìm đến một cơ sở mầm non tại quận Gò Vấp để xin việc. Cơ sở này có nhu cầu tuyển một GV, một bảo mẫu và dù chúng tôi nhiều lần đề cập đến việc chưa qua đào tạo về giữ trẻ nhưng chủ cơ sở trên vẫn khẳng định không thành vấn đề.

“Hiện tại có một cô, lớp ba cô, em không đứng lớp, chủ yếu làm vệ sinh cho bé. Em chuẩn bị cho chị hồ sơ xin việc, giấy khám sức khỏe, bằng cao nhất của em, không thì bằng cấp III cũng được” - chủ cơ sở này nói.

Theo tìm hiểu của PV, việc tuyển vị trí bảo mẫu không qua đào tạo không chỉ diễn ra ở các nhóm trẻ gia đình mà còn ở cả các trường mầm non tư thục. Thậm chí ai cũng có thể ứng tuyển vị trí này, miễn là còn trong độ tuổi lao động. Với những bảo mẫu không có bằng cấp, lương dao động 5,5-6,5 triệu đồng/tháng.

Theo quy định, để làm ở vị trí bảo mẫu trong trường học, người đó phải có chứng chỉ đào tạo 3-6 tháng và phải được thực hành ở các cơ sở mầm non. Bảo mẫu còn phải có kỹ năng chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho trẻ, có kiến thức về dinh dưỡng, nắm bắt được tâm lý, đọc được hành động và phải có tình yêu trẻ để vượt qua sự nóng giận.

Vậy nên việc “hạ chuẩn” với bảo mẫu chưa qua đào tạo, chưa thực hành tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đổi mới tuyển dụng vẫn khó đủ người

TP.HCM đang bắt đầu tuyển dụng GV đợt 2 và Phòng GD&ĐT các quận, huyện đang chật vật tuyển GV, nhất là GV mầm non, GV tiếng Anh, tin học ở bậc tiểu học; GV âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ ở bậc THCS.

Bên cạnh mở nhiều đợt tuyển dụng trong năm, các địa phương đổi mới cách thức để thu hút nguồn tuyển. Mục đích không chỉ tuyển đủ, tuyển GV có chất lượng mà còn giữ chân GV với địa phương.

TP Thủ Đức là địa phương tổ chức tuyển dụng đợt 2 sớm nhất. Chỉ tiêu tuyển 1.237 viên chức, trong đó có 1.000 GV.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, cho biết đợt tuyển dụng lần này ứng cử viên sẽ gửi hồ sơ trực tuyến để tạo điều kiện cho ứng cử viên không chỉ ở địa phương mà còn ở các tỉnh, thành.

“Chúng tôi hy vọng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu nhưng tuyển dụng thời điểm này không thuận lợi do năm học đã bắt đầu được hai, ba tháng. Các ứng cử viên làm trong ngành giáo dục đa số đã có việc làm ổn định. Do đó, việc tuyển dụng này dành cho các ứng cử viên có nhu cầu công tác ở TP Thủ Đức. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những khảo sát ưu tiên để thuyên chuyển GV từ các quận, huyện, tỉnh, thành khác về TP Thủ Đức” - ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, đội ngũ GV không đủ rất khó triển khai công tác giáo dục, đặc biệt là công tác chuyên môn. Trường nào thiếu GV vẫn có thể ký hợp đồng lao động nhưng GV cơ hữu là quan trọng. “Con số đặt ra lần này khá lớn và nếu không tuyển dụng đủ, ngành giáo dục đã có kế hoạch để các đơn vị phân công đội ngũ choàng gánh công việc hoặc hợp đồng thêm để đảm bảo công tác chuyên môn” - ông Nguyên nói.

Theo trưởng Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, đã hết hạn nộp hồ sơ nhưng chỉ có khoảng 400 ứng cử viên ứng tuyển và TP Thủ Đức vẫn đặt chất lượng GV lên hàng đầu chứ không chạy theo số lượng.

Còn ông Đoàn Bội Ngọc, Trưởng phòng GD&ĐT quận 4, cho hay đợt 1 quận tuyển 100 GV nhưng số lượng ứng tuyển chưa được một nửa. Chỉ tiêu đợt 2 là tuyển 80 viên chức. Hiện nay ngành gặp khó khăn trong việc tuyển GV công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục công dân...

“Để thu hút nguồn tuyển, sau khi được tuyển dụng, quận sẽ bố trí GV dạy trong môi trường tốt nhất. Quận 4 sẽ tìm đủ mọi cách để thu hút GV về công tác trên địa bàn quận” - ông Ngọc nói.

“Trường đang có nhu cầu tuyển GV âm nhạc và giáo dục công dân. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp khó khăn do không có ứng cử viên đăng ký, ngược lại có những vị trí nhiều người ứng tuyển nhưng năng lực không đáp ứng được” - bà Trần Thị Thùy An, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, quận 4, nhìn nhận.

Theo bà An, trường hợp không tuyển được GV sẽ tiếp tục mời GV thỉnh giảng.

Các kiến nghị, đề xuất giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN KIM SƠN:

Tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi

Một trong các khâu cần giải quyết tình trạng thiếu GV là phải rà soát, sắp xếp một lần nữa mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc này. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trong hai năm qua đã thu được kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, cũng cần phải tiếp tục thực hiện vì mỗi tỉnh, mỗi địa phương việc rà soát, sắp xếp vẫn còn khác nhau.

Mặt khác, cần phải khẩn trương vừa tuyển số cũ vừa tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới.

Theo Luật Giáo dục 2019, chúng ta mong muốn nâng chuẩn GV và có một hiện tượng là số GV theo chuẩn cũ được đào tạo ở các trường cao đẳng ra thì chưa đáp ứng được chuẩn mới (tức là theo chuẩn cũ), lộ trình từ nay đến năm 2030 mới cần phải hoàn tất việc bồi dưỡng, nâng chuẩn.

Để có nguồn tuyển tốt, Bộ GD&ĐT đã tính rất nhiều giải pháp như nâng cao năng lực của các trường đại học sư phạm. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách có liên quan đến nhà giáo. Trong đó, vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho GV mầm non và GV tiểu học phải thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho GV. Một điểm rất quan trọng đó là cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về chuyên môn cho GV.

............................................

Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:

Dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến môn tiếng Anh, tin học lớp 3

Đối với các trường học không đủ GV giảng dạy trực tiếp môn tiếng Anh, tin học, được thực hiện ký hợp đồng lao động và nguồn kinh phí được thực hiện theo quy định.

Các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát các trường, điểm trường, số lớp không có đủ điều kiện để thực hiện dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến lớp học ảo đối với hai bộ môn này. Song song đó, nhà trường bố trí đội ngũ GV cốt cán có năng lực dạy học trực tuyến hỗ trợ, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án GV dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường. Đồng thời bố trí GV có mặt trực tiếp tại các lớp học để quan sát, hỗ trợ, hướng dẫn và phối hợp đánh giá kết quả học tập của học sinh.

................................................

VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM:

Quan tâm đến thu nhập của giáo viên

Sở GD&ĐT lẫn các quận, huyện đều đã có những giải pháp để khắc phục như liên kết với trường đại học để đào tạo đội ngũ, tổ chức tuyển dụng. Đặc biệt, vừa qua khi đi khảo sát tại một quận, do không tuyển được GV từng môn nên họ đã cử GV nhiều môn đi học để về dạy nhằm đảm bảo chương trình. Giải pháp trên đã cho thấy sự chủ động của đơn vị, có thể chưa đúng theo quy định.

Qua buổi khảo sát, nhiều quận, huyện chia sẻ thu nhập của GV hiện nay chưa cao. May mắn thời gian qua có Nghị quyết 03 của TP nên đã giữ chân được GV. Về lâu dài, căn cơ, thu nhập của nhà giáo cần phải được tính toán. Đoàn kiến nghị với Sở GD&ĐT tiếp tục có đề xuất để làm sao tăng thu nhập của GV, giúp họ ổn định, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người.

Đọc toàn bộ bài viết