Trách nhiệm cán bộ lãnh đạo trong giải ngân vốn đầu tư công

1 năm trước 46

(PLO)- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là một trong những giải pháp kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước.

Sau khi Thủ tướng chỉ đạo, nhiều bộ, ngành, địa phương đã đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công để triển khai các dự án hạ tầng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán đến ngày 30-9-2023 đạt khoảng 363.300 tỉ đồng, đạt hơn 51% kế hoạch Thủ tướng giao.

Thế nhưng, vẫn có 21/51 bộ, cơ quan trung ương và 30 tỉnh, thành chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao. Đáng chú ý, một số bộ, ngành, tỉnh, thành hoàn trả vốn đầu tư công trên 9.350 tỉ đồng.

Việc các tỉnh, thành hoàn trả vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân, từ vướng mắc thủ tục dự án đến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận tại một số nơi chính quyền địa phương, người đứng đầu còn thiếu trách nhiệm, chưa đi sâu sát để quyết tâm xử lý dứt điểm vướng mắc, khó khăn cho các dự án. Bên cạnh đó, năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.

Đang tồn tại một thực trạng nhiều dự án đầu tư công dàn trải nên phải làm nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, nảy sinh vướng mắc kéo dài nhưng chính quyền địa phương chưa quyết liệt xử lý, thậm chí sợ trách nhiệm. Nhiều dự án đầu tư công kéo dài gây lãng phí, đội vốn, hiệu quả đầu tư giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực phát triển kinh tế của địa phương cũng như nền kinh tế của cả nước.

Ngược lại, nếu mỗi cá nhân, đơn vị liên quan có trách nhiệm, tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát huy vai trò của người đứng đầu thì việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được khơi thông, tạo động lực rất lớn cho kinh tế phát triển.

Như TP.HCM, năm 2023, TP được phân bổ vốn đầu tư công trên 70.000 tỉ đồng, đây là áp lực rất lớn. Trong đó, dự án đường vành đai 3 TP.HCM dự kiến giải ngân bồi thường, giải phóng mặt bằng lên tới 18.000 tỉ đồng. Điều đáng mừng là thời gian qua, các quận, huyện cùng TP đang giải quyết thủ tục rất nhanh để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ theo yêu cầu. Thậm chí, TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ, cũng như xem xét trách nhiệm của người đứng đầu giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nếu tổ chức, cá nhân giải quyết công việc chậm trễ, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án sẽ bị phê bình, kiểm điểm trách nhiệm.

Do đó, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thì cần nâng cao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Đồng thời cũng cần có chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, quy định trách nhiệm của người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

QUANG HUY

Đọc toàn bộ bài viết