Biến chứng sinh non không chỉ là vấn đề sức khỏe nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Vì vậy, trẻ sinh non 34 tuần tuổi đòi hỏi sự chăm sóc, hỗ trợ tích cực từ y tế và người thân để có thể phát triển an toàn, khỏe mạnh.
Nguyên nhân khiến trẻ sinh non 34 tuần tuổi
Nguyên nhân gây sinh non ở tuần thứ 34 của thai kỳ liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Thậm chí, nhiều trường hợp sinh non không xác định rõ nguyên nhân.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ khiến trẻ sinh non 34 tuần tuổi:
- Tử cung, cổ tử cung, eo tử cung hay các cơ quan thuộc hệ thống sinh sản của thai phụ bất thường.
- Thai phụ có tiền sử sinh non, nạo phá thai, sẩy thai.
- Thai phụ có các bệnh nền như bệnh lý tim mạch, gan, thận, huyết áp, béo phì, đái tháo đường.
- Thai phụ mắc phải một số tai biến sản khoa: tiền sản giật, sản giật.
- Trong thai kỳ, mẹ bầu mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng: nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng ối.
- Lối sống, chăm sóc thai kỳ không lành mạnh: Ăn uống thiếu dinh dưỡng, hút thuốc lá, tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, uống rượu, lao động nặng, lo lắng, áp lực, thiếu ngủ,…
- Khoảng cách giữa 2 lần mang thai ngắn.
- Song sinh, đa thai.
- Đa ối, thai dị tật.
- Nhau thai bất thường, nhau tiền đạo.
Sự phát triển của trẻ sinh non 34 tuần tuổi
Khi chào đời ở thai tuần thứ 34, hệ thống xương của trẻ đã phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, hệ hô hấp và hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu và cần sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt để đảm bảo sự phát triển toàn diện, tối ưu. Do vậy, trẻ sinh non 34 tuần sẽ được chăm sóc đặc biệt tại NICU để được hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng, điều hòa thân nhiệt, theo dõi nhịp tim, nhịp thở, mạch đập và điều trị một số bệnh lý (nếu có). Khi trẻ đã ổn định, bác sĩ sẽ cho trẻ xuất viện và hướng dẫn bố mẹ chăm sóc tại nhà. (1)
Trẻ sinh non 34 tuần tuổi thường trông gầy và yếu hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Các bộ phận trên cơ thể có thể không cân đối: đầu, bụng to, chân tay bé. Da trẻ mỏng, có màu hơi hồng, có lông tơ bao phủ trên lưng, tay chân và một số bộ phận khác. Sau khi chào đời một thời gian, lớp lông tơ sẽ mờ dần, cân nặng của trẻ tăng lên nhanh chóng và cơ thể sẽ dần trở nên cân đối hơn. (2)
Cách chăm sóc trẻ sinh non 34 tuần
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non 34 tuần tuổi tại nhà bố mẹ cần lưu ý:
- Chế độ dinh dưỡng: Sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ sinh non bởi hàm lượng protein, dưỡng chất, kháng thể tốt cho sự phát triển và miễn dịch của trẻ. Do đó, mẹ nên cho trẻ bú sữa theo nhu cầu, bú đủ sữa mỗi ngày để đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Trường hợp không thể cho trẻ bú sữa mẹ, mẹ có thể cho trẻ bú sữa công thức. Ngoài ra, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thêm một số vitamin, khoáng chất cho trẻ như vitamin D, Sắt, Natri, Canxi,…
Lưu ý: Mẹ cần chú ý cho trẻ bú đúng tư thế, quan sát các biểu hiện sau bú của trẻ để có can thiệp kịp thời. Nếu trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, dị ứng, sốt hay bú kém (lượng sữa bú giảm 50% so với bình thường), trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được thăm khám. - Môi trường sống: Trẻ sinh non 34 tuần có đề kháng và miễn dịch còn non yếu nên rất dễ nhiễm bệnh khi môi trường sống không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất, tác nhân gây hại như bụi bẩn, khói thuốc lá… Do đó, mẹ cần chú ý vệ sinh và khử khuẩn không gian sống thường xuyên. Phòng ốc nơi nghỉ ngơi của trẻ cần sạch sẽ, thông thoáng, có nhiệt độ phù hợp (khống quá nóng hay quá lạnh).
- Giấc ngủ: Nghiên cứu cho thấy trong giấc ngủ, não bộ và cơ thể trẻ sẽ phát triển nhanh chóng. Mẹ nên tạo không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái để trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sâu.
- Phương pháp Kangaroo: Giữ ấm, hỗ trợ điều hòa thân nhiệt cho trẻ sinh non bằng phương pháp Kangaroo sẽ giúp tăng tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé, giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, trẻ an tâm hơn, từ đó tăng miễn dịch, kích thích hệ tiêu hóa, bú tốt, ngủ ngon.
- Thăm khám định kỳ và tiêm phòng vaccine: Bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này giúp bác sĩ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ, từ đó có cân chỉnh phù hợp để đảm bảo trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt ưu nhất. Đồng thời, trẻ sinh non cũng cần tiêm chủng đầy đủ vaccine để tăng cường hệ miễn dịch.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người nhiễm bệnh, nguồn bệnh: Trẻ sinh non rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt các bệnh lý về đường hô hấp. Đáng lưu ý, bệnh có diễn tiến nhanh chóng, dễ gây biến chứng khi không được phát hiện và hỗ trợ điều trị sớm, kịp thời. Vì vậy, trong thời gian đầu sau sinh, mẹ nên hạn chế cho người thân, bạn bè đến thăm non, ôm, hôn, tiếp xúc với trẻ.
>>>Xem ngay: Hướng dẫn cách chăm sóc em bé sinh non 35 tuần tuổi
Những biến chứng có thể gặp ở em bé sinh non 34 tuần tuổi
Trẻ sinh càng non và cân nặng khi sinh càng thấp thì nguy cơ gặp phải biến chứng cao hơn. Biến chứng của sinh non có thể xuất hiện ngay từ khi trẻ mới chào đời nhưng cũng có một số biến chứng sẽ xuất hiện muộn, khi trẻ lớn hơn. Một số biến chứng trẻ sinh non 34 tuần tuổi có thể gặp phải:
- Rối loạn thân nhiệt
- Rối loạn tiêu hóa
- Vàng da
- Huyết áp thấp, suy tim và các vấn đề về tim mạch
- Thiếu máu
- Các vấn đề về hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp, suy hô hấp, hen suyễn, viêm phổi, loạn sản phế quản phổi
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Nhiễm trùng máu
- Kém hấp thu dưỡng chất, suy dinh dưỡng
- Viêm ruột hoại tử
- Xuất huyết não, tổn thương não
>>>Tham khảo thêm: Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sinh non 33 tuần tuổi
Các câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về trẻ sơ sinh 34 tuần tuổi:
1. Trẻ sinh non 34 tuần nặng bao nhiêu?
Trẻ sinh non 34 tuần tuổi có cân nặng dao động trong khoảng từ 2,2 – 2,4kg. Cân nặng này có thay đổi tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng, sức khỏe và cách chăm sóc thai kỳ của mẹ. (3)
2. Trẻ sinh ra ở tuần thứ 34 có nuôi được không?
Một nghiên cứu đã cho thấy, tỷ lệ sống sót ở trẻ sinh non 34 tuần là 100% khi được chăm sóc đúng cách. Đồng thời, có đến 50% trẻ sinh non ở tuần thứ 34 không gặp phải biến chứng nguy hiểm. (4)
3. Trẻ sinh ra ở tuần thứ 34 có cần thời gian nằm phòng chăm sóc đặc biệt (NICU) không?
Có. Trẻ sinh non 34 tuần tuổi sẽ được chăm sóc tại NICU bởi bác sĩ và các nhân viên y tế khoảng 1 tuần hoặc 2 tuần tùy vào thể trạng của từng bé.
4. Bé sinh ở tuần thứ 34 có được về nhà không?
Sau khoảng 1 – 2 tuần chăm sóc tại bệnh viện, trẻ sinh non 34 tuần sẽ được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ có thể được về nhà sớm hơn hoặc muộn hơn.
5. Trẻ sinh ra ở tuần thứ 34 có cần oxy không?
Có. Trẻ sinh non 34 tuần tuổi mặc dù đã có thể tự hô hấp nhưng để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ oxy, trẻ vẫn cần sự hỗ trợ của y tế.
6. Phổi của trẻ có phát triển ở tuần thứ 34 không?
Phổi của trẻ sinh non 34 tuần chưa phát triển hoàn chỉnh nên trẻ vẫn sẽ cần sự hỗ trợ để thở. Điều này khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng hô hấp, suy hô hấp, viêm phổi về sau.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ sinh non và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Trung tâm Sơ sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Trẻ sinh non 34 tuần tuổi không có đủ thời gian để phát triển hoàn chỉnh trước khi chào đời. Do vậy, trẻ sẽ cần nhiều hỗ trợ từ người thân trong quá trình chăm sóc, phát triển và học tập.
Cập nhật lần cuối: 06:38 28/03/2024
Nguồn tham khảo
- Bsn, C. B. R. (2022, August 22). Premature babies week by week. Verywell Family. https://www.verywellfamily.com/premature-babies-week-by-week-2748606
- Baby born at 34 weeks: What to expect. (2020, October 7). Flo.health – #1 Mobile Product For Women’s Health. https://flo.health/being-a-mom/your-baby/growth-and-development/baby-born-at-34-weeks
- Agatowski, T., & Agatowski, T. (2023, November 7). Baby born at 34 weeks: Your 34-Week preemie | Peanut. Peanut. https://www.peanut-app.io/blog/baby-born-34-weeks
- Manuck, T. A., Rice, M. M., Bailit, J. L., Grobman, W. A., Reddy, U. M., Wapner, R. J., Thorp, J. M., Caritis, S. N., Prasad, M., Tita, A. T., Saade, G. R., Sorokin, Y., Rouse, D. J., Blackwell, S. C., Tolosa, J. E., Varner, M. W., Hill, K., Sowles, A., Postma, J., . . . VanDorsten, J. P. (2016). Preterm neonatal morbidity and mortality by gestational age: a contemporary cohort. American Journal of Obstetrics and Gynecology, 215(1), 103.e1-103.e14. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4921282/
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
›
›