- Thiếu vitamin D3 có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Emdep sẽ bật mí cho bạn cách nhận biết triệu chứng và cải thiện tình trạng thiếu hụt chất này nhé.
Vitamin D3 là gì?
Vitamin D3 còn gọi là cholecalciferol, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của con người. Nó hoạt động tương tự một hormone, tăng cường hệ miễn dịch và giúp xương chắc khỏe.
Vitamin D3 được sản xuất trong cơ thể khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời và bổ sung từ thực phẩm. Mặc dù vậy, chúng ta với lối sống thiếu khoa học nên không phải ai cũng đầy đủ vitamin D3 đáp ứng nhu cầu cơ thể.
Thiếu vitamin D3 gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó xương của bạn dễ thiếu hụt canxi và dễ nứt gãy, loãng xương. Đồng thời, chức năng miễn dịch cũng suy giảm, dẫn đến nguy cơ dễ mắc nhiều bệnh tật hoặc rối loạn miễn dịch tự động.
Vitamin D3 còn có tác dụng kiểm soát cơn đói, nếu bị thiếu hụt cũng ảnh hưởng đến hiệu quả duy trì cân nặng phù hợp. Ngoài ra, bổ sung vitamin D3 hợp lý cũng ngăn chặn những biểu hiện trầm cảm và lo âu
Triệu chứng thiếu vitamin D3
Thường xuyên bị nhiễm trùng và bệnh tật
Cơ thể thiếu vitamin D3 có thể xuất hiện nhiều dấu hiệu khác nhau. Trong đó, hệ miễn dịch yếu kém là biểu hiện điển hình nhất. Nó khiến bạn dễ phát sinh bệnh tật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nhiễm trùng và viêm.
Dễ bị mệt mỏi
Khi có hiện tượng luôn mệt mỏi, uể oải dù không hoạt động nhiều, bạn nên cân nhắc đến vấn đề thiếu vitamin D3. Cơ thể có nồng độ vitamin D3 quá thấp sẽ làm giảm hiệu quả cung cấp năng lượng, vì vậy bạn luôn có cảm giác lờ đờ, thiếu sức sống.
Đau nhức lưng và xương khớp
Vitamin D3 hỗ trợ hiệu quả hấp thu và kiểm soát canxi trong cơ thể. Khi bị thiếu hụt chất này, bạn dễ có tình trạng xương yếu và loãng xương. Ngoài ra, cột sống lưng cũng có thể bị ảnh hưởng mà dễ bị đau nhức lưng.
Vết thương chậm lành và dễ rụng tóc
Vitamin D3 còn có vai trò thúc đẩy chữa lành các mô tế bào và giảm viêm. Do đó, một khi nồng độ vitamin D3 quá thấp cũng làm chậm quá trình hồi phục các vết thương. Ngoài ra, tóc mỏng và dễ gãy rụng cũng có thể một phần do thiếu vitamin D3 gây ra.
Những nguyên nhân tiềm ẩn thường gây ra thiếu hụt vitamin D3
Đầu tiên, lối sống ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ dễ khiến bạn bị thiếu vitamin D3 một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, ăn uống không lành mạnh dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng cũng là yếu tố gây thiếu dưỡng chất cần thiết.
Một số người có vấn đề về đường ruột cũng gây cản trở hấp thu vitamin D3 và những chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra, sự khác nhau về loại da và độ tuổi cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu vitamin D3 ở mỗi người.
Béo phì và những bệnh lý liên quan đến gan hoặc thận cũng làm giảm quá trình chuyển đổi vitamin D3 thành dạng hoạt động trong cơ thể. Nếu có dấu hiệu bất thường của bệnh tật, bạn nên sớm đến bệnh viện để kiểm tra nguyên nhân cụ thể và điều trị kịp thời.
Cải thiện và phòng ngừa thiếu hụt vitamin D3 như thế nào?
Tin tốt là bạn hoàn toàn có thể chủ động duy trì nồng độ vitamin D3 đầy đủ cho cơ thể. Hãy bắt đầu từ việc tắm nắng hợp lý mỗi ngày để nhận được vitamin D3 tự nhiên từ ánh nắng. Đồng thời, bổ sung thực phẩm giàu vitamin D3 như cá béo, sữa, lòng đỏ trứng, nấm…
Thay đổi thói quen sinh hoạt cho lành mạnh hơn bằng cách vận động thể chất phù hợp. Mỗi ngày bạn nên tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút để tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy trao đổi chất, kiểm soát cân nặng và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể phải bổ sung viên uống vitamin D3 theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, phương pháp tốt hơn hết vẫn là hấp thu chất này từ ánh nắng và thực phẩm.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về rủi ro khi cơ thể thiếu vitamin D3, từ đó có biện pháp cải thiện và phòng ngừa hiệu quả.
Thiên Khuê (Theo Pharm)